Chiếc váy công nghệ biết tương tác của Christian Cowan và Adobe tạo thành hai phần: phần trên bao gồm 1.264 cánh hoa tinh thể lỏng phân tán bằng polymer được cắt bằng tay và laser, có thể thay đổi và lật hình dạng của chúng khi người mẫu bước đi. Ẩn khỏi tầm nhìn trực diện, NTK đã thiết kế chiếc váy bằng việc che giấu một bảng mạch in linh hoạt dưới mỗi cột cánh hoa để cho phép chuyển đổi giữa các sắc thái và thể hiện các họa tiết hoạt hình có thể tùy chỉnh.
Trên đường catwalk, công nghệ này còn được sử dụng tạo hiệu ứng sủi bọt sinh động, giống như bọt sủi trong chai rất hấp dẫn. Adobe lý giải với các tín đồ nhóm thiết kế của họ đã sử dụng các công cụ nội bộ để kích động trí tưởng tượng và mơ ước của hàng vạn tín đồ thời trang mê công nghệ, hoặc ngược lại. Còn nhà thiết kế Christian Cowan thì bày tỏ kỳ vọng về lĩnh vực thời trang công nghệ - thời trang của tương lai đầy biến đổi và vô cùng sinh động.
Khi công nghệ đồng hành cùng thời trang, hãng máy in Epson thậm chí còn hợp tác với ASEAN Fashion Designers Showcase (AFDS) sản xuất bộ sưu tập thời trang bền vững với công nghệ vượt trội. Theo đó, Epson kết hợp với 7 nhà thiết kế đến từ các quốc gia Đông Nam Á bao gồm: Terry Yeo (Singapore), Lisa Fitria (Indonesia), Even Ong (Malaysia), Dave Ocampo (Philippines), Pitnapat Yotinratanachai (Thái Lan), Bandid Lasavong (Lào) và Nicky Vũ (Việt Nam) để tạo ra bộ sưu tập thời trang mang tên “Sustainability in Asia” gắn liền với nguồn gốc và văn hóa của các quốc gia.
Theo Business Week, các nhà thiết kế sử dụng các dòng máy in chuyển nhiệt thăng hoa bao gồm SureColor SC-F6430, SureColor SC-F9430H và SureColor SC-F10030 để tạo ra các trang phục với màu sắc tươi sáng và sắc nét cho những bộ sưu tập độc đáo lần này. Chuyển nhiệt thăng hoa là phương pháp in ấn khá đơn giản, đầu tiên, bản thiết kế được in lên một vật liệu chuyển nhiệt. Sau đó, bằng sự kết hợp giữa nhiệt độ và áp suất, mực in từ vật liệu chuyển nhiệt sẽ thăng hoa và chuyển trực tiếp sang vải. Với phương pháp này, mực sẽ thấm chặt vào sợi vải, mang lại những bản in sống động, bền và có khả năng chống phai màu.
Khác với phương pháp in truyền thống vốn đòi hỏi một lượng nước đáng kể để xử lý, nhuộm và sấy khô vải, in vải kỹ thuật số bằng phương pháp chuyển nhiệt thăng hoa tạo ra ít chất thải hơn, mang đến một cách tiếp cận có ý thức hơn về môi trường cho các công ty may mặc. Phương pháp này cũng hạn chế lãng phí vì các nhà thiết kế có thể linh hoạt sản xuất số lượng vải theo mong muốn của mình. Điều này giúp họ vừa đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh bền vững vừa tiết kiệm chi phí cũng như giảm thiểu các tác động đến môi trường.
Tại Nhật Bản, hãng máy in Seiko Epson có kế hoạch thành lập doanh nghiệp tái chế quần áo dựa trên công nghệ tái chế giấy của hãng vào năm tới, khi lệnh cấm tiêu hủy quần áo tồn kho của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Công nghệ tái chế quần áo thông thường là dùng máy cắt có lưỡi quay tròn để tách sợi và cần lượng lớn bông nguyên liệu tươi để duy trì độ bền. Công nghệ này đạt tỷ lệ thu hồi sợi chỉ khoảng 10%. Phương pháp mới của Seiko Epson được cho là có thể thu hồi hơn 50% sợi, nhưng công ty đặt mục tiêu cuối cùng là sẽ thu hồi 100%.
Máy tái chế khô sẽ phân hủy vải trước khi kết hợp lại bằng cách ép lớp bột vải – giống như bột giấy – thành một loại nỉ mỏng. Quy trình chỉ sử dụng một lượng nước rất nhỏ, đặc biệt là so với các quy trình tái chế truyền thống trước đây tốn nhiều nước. Seiko Epson đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dệt may Hồng Kông vốn có công nghệ kéo sợi tiên tiến. Seiko Epson sẽ tận dụng mối quan hệ của trung tâm để phát triển kênh bán hàng cho các nhà sản xuất thời trang trên toàn thế giới.
Trước đây, những bộ trang phục không thấm nước hay chống thấm mồ hôi chỉ mới chinh phục lĩnh vực thể thao ngoài trời chứ chưa xuất hiện trên sàn diễn thời trang. Tuy nhiên, gần đây những bộ cánh được sản xuất theo công nghệ nano bắt đầu len lỏi vào các cửa hiệu với kiểu dáng bắt mắt và “mốt” hơn. Hơn một năm rưỡi qua, các nhãn hiệu thời trang sang trọng như Hugo Boss, René Lezard và Perry Ellis đã chuyển hướng sang tích hợp các đặc tính công nghệ cao như kháng bẩn, chống nhăn vào sản phẩm của họ.
Theo Vogue Business, loại vải sợi công nghệ cao chịu được mọi hoạt động của cơ thể do Malden Mills Industries ở Massachusetts sản xuất không chỉ làm hài lòng những khách hàng thường xuyên làm việc nặng ngoài trời mà còn mang lại hợp đồng trị giá 15 triệu USD của quân đội Mỹ. Malden Mills tin rằng dòng sản phẩm này cũng sẽ thu hút giới tiêu dùng yêu thời trang năng động. Hiện nay, Nano-Tex ở bang California đang chuyển giao công nghệ sản xuất vải không nhăn và chống dơ cho nhiều nhãn hiệu tên tuổi như Eddie Bauer, Gap, L.L.Bean, Marks & Spender...
Trong khi đó, Tommy Hilfiger, thông qua công ty đầu tư của mình là Hilfiger Ventures, đã tạo ra một app game thời trang do chính ông thiết kế. Ứng dụng này mang tên FashionVerse, nhắm đến những người tiêu dùng thời trang thuộc thế hệ millennial và Gen Z. Đây là trò chơi di động đầu tiên sử dụng AI để nâng cao hình ảnh 3D – có nghĩa là đồ họa của nó vượt trội hơn những gì hiện có trên thị trường.
FashionVerse là một game thời trang tương tác, cho phép người chơi phối đồ cho những nhân vật ảo giống như người thật, với các nhân vật, trang phục, cảnh quan và phụ kiện 3D có vẻ ngoài trông như thật do AI tạo ra. Sau đó người chơi tham gia vào các thử thách thời trang khác nhau, chia sẻ tác phẩm của mình với cộng đồng và bình chọn cho những bộ cánh yêu thích. Để sở hữu các bộ trang phục mới, người chơi có thể lựa chọn trả tiền hoặc nhận phần thưởng khi tham gia các thử thách.
Ý tưởng về game thời trang FashionVerse do chính Tommy Hilfiger nghĩ ra. Ông hợp tác với công ty công nghệ trò chơi điện tử Tilting Point và công ty thiết kế Brandible để biến FashionVerse thành hiện thực. Tommy cho biết: “Khi thấy nhiều người tương tác với thời trang qua điện thoại của họ, tôi nghĩ, phải có một cách để mang tất cả mọi người lại với nhau trong một cộng đồng, cung cấp một trải nghiệm thú vị hơn. Tôi thực sự tin rằng trò chơi điện tử sẽ là một nền tảng bán lẻ khác trong tương lai”.