May 07, 2009 | 09:22 GMT+7

Khi lỗ golf bị bóp méo

Từ Nguyên

Ý nghĩa tích cực của sân các golf đã bị biến dạng đi rất nhiều cũng chính từ những lợi ích mà nó mang lại

Do giá thuê đất xây dựng sân golf thấp hơn giá thuê đất làm biệt thự, nhà ở, trung tâm dịch vụ thương mại nhiều lần nên nhà đầu tư đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh bất động sản, thu hồi vốn được nhanh hơn.
Do giá thuê đất xây dựng sân golf thấp hơn giá thuê đất làm biệt thự, nhà ở, trung tâm dịch vụ thương mại nhiều lần nên nhà đầu tư đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh bất động sản, thu hồi vốn được nhanh hơn.
Ý nghĩa tích cực của sân các golf đã bị biến dạng đi rất nhiều cũng chính từ những lợi ích mà nó mang lại.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước hiện có khoảng 144 dự án sân golf  trên 39 tỉnh, thành, nhưng trong đó, dự án kinh doanh golf thuần túy chỉ khoảng 20, còn 123 dự án khác là kết hợp giữa golf - kinh doanh bất động sản và du lịch. Tổng diện tích đất cho các dự án này lên đến 49.000 ha, trong đó khoảng 15.000 ha dành cho sân golf, diện tích còn lại là kinh doanh bất động sản, nhà nghỉ, biệt thự, nhà hàng...

Nên hay không nên?

Theo KTS. Nguyễn Xuân Anh (Đại học Kiến trúc), không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nhiều nước trên thế giới thì việc phát triển sân golf cũng đã và đang gây ra không ít bàn cãi.

Theo ông Anh, mặc dù lợi ích kinh tế do hấp dẫn du lịch từ sân golf là không thể phủ nhận, nhưng nếu nhân rộng mô hình này dưới sức ép những cú sốc bong bóng của thị trường sẽ để lại những hậu quả lâu dài cho môi trường sống.

Lý do là bởi, phần lớn những sân golf hiện nay (và cả sau này) không thực sự xanh như chúng ta nghĩ. Phần lớn các sân golf sẽ chiếm chỗ sinh sống và sản xuất của người dân, tiêu diệt nơi cư trú của động vật hoang dã, làm ô nhiễm nguồn nước xung quanh do sự tập trung cao độ phân bón hoá chất, thuốc trừ sâu diệt cỏ, và hơn hết là làm cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt.

“Việc trả giá cho sân golf là tiềm tàng và lâu dài hơn rất nhiều nguồn lợi trước mắt. Thực chất đây là một tiến trình bán rẻ tài nguyên thiên nhiên. Liệu khoản thuế mà các Chính phủ thu được từ các chủ câu lạc bộ có đủ để trả cho các tác động lâu dài của việc mất đất nông nghiệp, giảm năng suất và mất nguồn lợi nông-lâm-thuỷ sản do thoái hoá rừng và ô nhiễm đất-nước trong hàng trăm năm sau?”, ông Anh đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Phó viện trưởng Viện chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường.(Bộ Tài nguyên và Môi trường), Golf là thứ thể thao tạo nên cơ hội gặp gỡ của giới làm ăn. Tại sân golf , người ta dễ gần nhau hơn, dễ thân thiện hơn và trong không gian phóng khoáng, áp lực nghề nghiệp giảm đến tối thiểu, bạn chơi golf dễ làm quen với nhau và có nhiều cơ hội hợp tác với nhau hơn.

Không chỉ thế, về mặt kinh tế, kinh doanh sân golf sẽ giúp cho nhiều địa phương, doanh nghiệp có được những nguồn thu đáng kể từ việc thu phí và dịch vụ kèm theo, thu hút lao động giản đơn, cải thiện môi trường cảnh quan, sinh thái…

Còn theo GS Lê Kiều, ngoài những nguồn thu trực tiếp, sân golf còn mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ khác cho chính những tay golf cũng như cho quốc gia thông qua việc bán quảng cáo, truyền hình, dịch vụ di chuyển..

Ông viện dẫn, tay golf tầm cỡ thế giới Tiger Woods chiến thắng trong một giải như British Open Championship mang lại 1,33 triệu USD. Thu nhập năm 2007 của Tiger Woods đạt 117.337.626 USD. Theo thống kê của tờ tạp chí về golf  ( GOLF DIGEST, 2/’08) thì người có thu nhập thấp nhất trong làng chơi golf chuyên nghiệp cũng kiếm được 4.411.570 USD mỗi năm.

Ai được lợi?

Ai cũng biết rằng, nhìn một cách khách quan thì việc phát triển sân golf không phải là không mang lại lợi ích. Tuy nhiên, giữa những cái được và cái mất từ việc phát triển sân golf cũng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo TS. Lê Văn Thiện (Đại học Quốc gia Hà Nội), đối tượng phục vụ của các dự án sân golf bao giờ cũng là những người có thu nhập cao và người nước ngoài, Do đó,  tuy là khu vui chơi, giải trí thể thao nhưng cộng đồng dân cư không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít.

Việc cả nước tốn gần 50.000 ha đất để phục vụ nhu cầu chơi golf của khoảng 5.000 người hiện nay có thể xem là hoang phí và vượt quá xa so với nhu cầu thực tế của môn thể thao giải trí này.

Trong khi đó, những giá trị kinh tế khác mà sân golf mang lại chưa thật sự rõ ràng như việc quảng cáo, quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các giải golf thì không thể thực hiện được do khâu tổ chức, vận động viên của chúng ta còn quá hạn chế.

Còn theo ông Anita Pleumaron  (Mạng lưới Du lịch Châu Á), việc phát triển sân golf thường đem lại rất ít lợi ích cho kinh tế địa phương mà phần lớn lợi nhuận sẽ về tay các nhà đầu tư nước ngoài. Người mất mát nhiều nhất chính là người dân địa phương khi chính quyền không những không trả phí tổn về môi trường và xã hội do các sân golf gây ra mà thậm chí còn trợ cấp cho ngành kinh doanh này bằng việc miễn giảm tiền thuế để xúc tiến du lịch sân golf.

Có thể chỉ ra một số dự án điển hình cho việc làm méo mó đầu tư sân golf như: dự án sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cấp phép năm 2003 với diện tích 137 ha. Thế nhưng chủ đầu tư  đã dành tới quá nửa diện tích (90 ha) làm biệt thự, được chia thành 290 lô rồi đem bán, thu về khoảng 300 tỷ đồng, trong khi dự toán đầu tư cho toàn bộ dự án sân golf chỉ khoảng 400 tỷ đồng.

Còn tại sân golf Vân Trì, Đông Anh, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư 14,5 triệu USD và kéo dài từ 1993 đến 2003 mới đi vào hoạt động. Sân golf này chiếm 128 ha nhưng trung bình mỗi năm nộpcho ngân sách chỉ khoảng 4 tỷ đồng. Nếu tính giá trị đất bị mất cùng với hàng ngàn lao động bị mất việc làm thì con số 4 tỷ đồng mỗi năm thu về cho ngân sách nhà nước là rẻ hơn cả bèo.

Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, các địa phương cần phải hết sức cảnh giác khi cấp phép các dự án sân golf vì thực tế đang xảy ra tình trạng nhiều chủ đầu tư thường chọn vị trí triển khai dự án ở khu vực gần đô thị để kinh doanh bất động sản là chính.

Ông Hùng cho biết, theo tiêu chuẩn, một sân golf 18 lỗ sẽ chỉ cần xây dựng nhà nghỉ đủ để phục vụ tối đa 280 suất. Thế nhưng, tại nhiều sân golf trên cả nước lại bố trí tới 1.000 phòng.

Theo ông Hùng, khi mà chúng ta chưa có quy định cụ thể về diện tích xây dựng sân golf, diện tích xây dựng các khu dịch vụ, thì khi cấp phép, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét sao cho tỷ lệ diện tích này phù hợp, không thể có chuyện xây sân golf 18 lỗ mà bố trí 2 khách sạn với khoảng 1.000 phòng và kèm theo nhiều khu biệt thự.

Còn theo GS Tôn Gia Huyên, Phó chủ tịch Hội Khoa học Đất, do giá thuê đất xây dựng sân golf thấp hơn giá thuê đất làm biệt thự, nhà ở, trung tâm dịch vụ thương mại nhiều lần nên nhà đầu tư đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh bất động sản, thu hồi vốn được nhanh hơn.

Ông Huyên cho biết, trên thực tế, đất dùng làm sân golf thực sự chiếm tỷ lệ thấp hoặc rất thấp trong các dự án sân golf. Trong 76 dự án sân golf đã và đang triển khai chỉ có 13 dự án là thuần túy sân golf, và có những dự án tỷ lệ đất sân golf chỉ bằng 30% diện tích được cấp.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate