Dù là mặt nạ nghệ, nước gạo rửa mặt, Ayurveda (Y học cổ truyền Ấn Độ) hay các loại thảo dược... những phương thức làm đẹp có nguồn gốc từ trí tuệ cổ truyền hàng nghìn năm đang tìm lại được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng ngày nay.
Tại Nhật Bản, 8 trên 10 người tiêu dùng tin rằng y học cổ truyền Trung Hoa có lợi cho sức khỏe thể chất, trong khi gần một phần ba phụ nữ Ấn Độ tin vào khả năng phòng ngừa của hệ thống chăm sóc sức khỏe truyền thống Ayurvedic trong sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân.

“Trong một thời đại mà ai cũng bị chi phối bởi những tuyên bố hời hợt và xu hướng chóng tàn, người tiêu dùng đang có xu hướng quay về với sự tin cậy của các phương pháp truyền thống, nguyên liệu tự nhiên và cách tiếp cận chăm sóc toàn diện,” bà Hannah Roberts, Phó Chủ tịch toàn cầu phụ trách Marketing & Chiến lược ngành Chăm sóc người tiêu dùng tại Croda International – nhà cung cấp nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân, nhận định.
“Trong một thị trường đã bão hòa với vô vàn lời hứa phóng đại, việc quay về với trí tuệ của các loại thảo dược và phương pháp cổ xưa mang đến cho người tiêu dùng một lựa chọn chân thực, dựa trên những truyền thống đã được kiểm chứng qua thời gian”, bà nói thêm.
SỰ KẾT HỢP CÂN BẰNG
Các sản phẩm làm đẹp chứa thành phần truyền thống mang đến sự kết hợp độc đáo giữa hiệu quả chăm sóc da, tính bền vững và chiều sâu văn hóa. Việc sử dụng sản phẩm làm đẹp có chứa các thành phần di sản truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả chăm sóc da, mà còn nuôi dưỡng mối liên kết sâu sắc với văn hóa và bản sắc cá nhân.

Khi đưa những thành phần này vào quy trình làm đẹp hàng ngày, người dùng đang góp phần tôn vinh và bảo tồn các giá trị truyền thống của tổ tiên – biến việc chăm sóc da trở thành một hành trình kể chuyện và gìn giữ di sản văn hóa. Chính sự kết nối về mặt cảm xúc và tinh thần này khiến việc chăm sóc bản thân trở nên ý nghĩa hơn, không đơn thuần là một thói quen, mà là một hình thức lưu truyền bản sắc qua nhiều thế hệ.
Nhiều thương hiệu làm đẹp Việt Nam hiện cũng đã tiên phong sử dụng các nguyên vật liệu di sản trong các sản phẩm của mình. Ví dụ như thương hiệu Skinlosophy đã sử dụng nguyên liệu Đông Y, kết hợp các bài thuốc cổ truyền hàng ngàn năm tuổi với công nghệ hiện đại để tạo ra mỹ phẩm chăm sóc da hiệu quả và an toàn.

Trên thế giới, thương hiệu chăm sóc da Hàn Quốc Sulwhasoo nổi tiếng cũng được nhiều người tiêu ưa dùng ưa chuộng bởi việc áp dụng Đông Y Hàn Quốc và những thảo dược bản địa quý giá. Trên nền di sản, Sulwhasoo tối ưu công nghệ hiện đại, mở ra kỷ nguyên mới của nghệ thuật chăm sóc sắc đẹp.
Mới đây, trong khuôn khổ dự án “Beauty from Culture”, Sulwhasoo đã có sự kết hợp với bảo tàng gốm Bát Tràng trong sự kiện pop-up “Gốm Sắc Xuân Thì”. Tại sự kiện, Sulwhasoo và Bát Tràng Museum Atelier (xưởng gốm gần 50 năm tuổi thuộc bảo tàng) đã chính thức ra mắt các tác phẩm hợp tác độc quyền trong khuôn khổ “Gốm Sắc Xuân Thì”.


Tâm điểm của sự kiện là chiếc bình Moon Jar – di sản gốm sứ Hàn Quốc có nguồn gốc từ triều đại Joseon ở thế kỷ 19 – được chế tác bằng chính kỹ nghệ và sự khéo léo của những nghệ nhân gốm Việt Nam bậc thầy. Với biểu tượng hoa mai mơ đặc trưng của Sulwhasoo hòa quyện cùng men gốm Bát Tràng, chiếc bình này như một thông điệp của hai thương hiệu về việc đưa nét đẹp văn hóa truyền thống hiện hữu trong đời sống hiện đại.
NGUYÊN LIỆU BỀN VỮNG
Tính bền vững cũng là một lý do quan trọng khiến các sản phẩm làm đẹp sử dụng thành phần truyền thống ngày càng được ưa chuộng. Nhiều nguyên liệu được khai thác tại địa phương bằng các phương pháp canh tác cổ truyền, tôn trọng môi trường, giúp bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động sinh thái. Cách tiếp cận này giúp các sản phẩm chăm sóc da phát huy tối đa hiệu quả từ các hợp chất tự nhiên.
Các thương hiệu hiện đại cũng khéo léo kết hợp những nguyên liệu lâu đời này với nghiên cứu khoa học tiên tiến và quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tạo nên các sản phẩm sáng tạo mang lại "sự giao thoa hoàn hảo" giữa trí tuệ cổ truyền và công nghệ hiện đại.
Ví dụ, Cica – còn gọi là rau má (Centella asiatica hay Gotu Kola), có nghĩa là “suối nguồn tuổi trẻ” trong tiếng Phạn – là một loại thảo dược được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Hoa, Ayurveda và y học châu Phi. Trong 5 năm qua, Cica đã trở thành cái tên nổi bật trong ngành chăm sóc da nhờ khả năng tái tạo, làm lành da và làm mờ nếp nhăn. Trên TikTok, hashtag #cicaskincare hiện đã thu hút 3,3 triệu lượt xem.

Làm đẹp cổ truyền có thể đang chứng kiến làn sóng bùng nổ các thương hiệu mới, nhưng thực tế, nó phản ánh một nhu cầu của người tiêu dùng đã âm thầm phát triển trong nhiều năm.
"Làm đẹp cổ truyền không chỉ là một trào lưu mà là một chuyển động hướng tới trải nghiệm làm đẹp bền vững và có chiều sâu hơn – điều đang thực sự cộng hưởng với những người tiêu dùng tìm kiếm sự chân thực, kết nối văn hóa và cảm giác an yên”, bà Hannah Roberts nhấn mạnh.