Không có gì ngạc nhiên khi “collagen” đã trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong những năm gần đây. Không chỉ là loại protein dồi dào nhất trong cơ thể, sự suy giảm (không thể tránh khỏi) của collagen còn để lại những dấu hiệu rõ ràng trên diện mạo của chúng ta.
Trên thực tế, collagen chiếm tới 75% trọng lượng khô của làn da - vì vậy, bạn có thể tin rằng việc thiếu hụt nó là điều hoàn toàn dễ nhận thấy. Điều này phần nào lý giải cho nỗi ám ảnh chung của phụ nữ trong việc duy trì mức collagen càng cao càng tốt - đặc biệt là từ sau tuổi 25, khi lượng collagen bắt đầu giảm khoảng 1% mỗi năm.
“Collagen có trong da là kết quả của sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và thoái hóa,” Mercedes Abarquero Cerezo, dược sĩ kiêm trưởng bộ phận dự án khoa học tại L’Oréal Dermatological Beauty Tây Ban Nha, giải thích.
“Theo thời gian, các tế bào chịu trách nhiệm sản sinh collagen giảm hoạt động. Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường như ánh nắng mặt trời, lối sống như chế độ ăn uống hay căng thẳng, cũng như những thay đổi nội tiết tố sẽ đẩy nhanh quá trình thoái hóa - đặc biệt ở phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh”.

Dĩ nhiên, quá trình mất collagen diễn ra từ từ theo thời gian - chậm đến mức bạn có thể không nhận ra ngay lập tức. “Cơ thể chúng ta là một hệ thống cân bằng”, bà Mercedes Abarquero Cerezo cho biết. “Đối với làn da, collagen liên tục bị thoái hóa và cũng liên tục được tái tạo. Bất kỳ sự mất cân bằng nào về số lượng hoặc chất lượng collagen được sản sinh ra đều sẽ khiến chúng ta bắt đầu nhận thấy những thay đổi khi lão hóa”.
5 DẤU HIỆU CHO THẤY LÀN DA ĐANG MẤT DẦN COLLAGEN
Về mặt thống kê, những thay đổi này thường bắt đầu xuất hiện từ khoảng năm 25 tuổi, nhưng bà Mercedes Abarquero Cerezo lưu ý rằng chúng ta thậm chí có thể bắt đầu mất collagen sớm hơn do lối sống hoặc thói quen sinh hoạt.
Sự hao hụt này gây ra những thay đổi trong “cấu trúc bên trong, từ đó dẫn đến những biểu hiện rõ ràng bên ngoài như da mất độ săn chắc và các nếp nhăn trở nên rõ rệt hơn,” chuyên gia này cho biết.

Những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi quá trình mất collagen bắt đầu bao gồm:
- Da trở nên khô và thiếu nước.
- Các đường biểu cảm và nếp nhăn hiện rõ hơn.
- Da kém đầy đặn, mất độ căng mịn.
- Tình trạng chảy xệ, lỏng lẻo rõ rệt hơn.
- Độ đàn hồi và độ “nảy” của da giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, đó không phải là những dấu hiệu duy nhất. Những biểu hiện khác của việc mất collagen còn bao gồm: da trông mỏng hơn, vùng quanh mắt trở nên hõm sâu hơn, thay đổi đường nét khuôn mặt như thái dương hóp lại, tình trạng da sần vỏ cam hiện rõ hơn, móng và tóc trở nên giòn, dễ gãy, thậm chí là đau khớp và yếu cơ. Collagen thực sự ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cơ thể.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ LÀM CHẬM QUÁ TRÌNH MẤT COLLAGEN?
Thật tiếc, quá trình mất collagen là điều không thể tránh khỏi – đó là một phần tất yếu của quá trình lão hóa! Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể làm chậm lại tiến trình này nếu tuân thủ một số nguyên tắc chăm sóc sức khỏe cơ bản và đã được kiểm chứng. Dưới đây, dược sĩ Mercedes Abarquero Cerezo gợi ý những phương pháp hiệu quả để làm chậm quá trình mất collagen:
- Tránh các yếu tố làm tăng tốc độ thoái hóa collagen như hút thuốc và tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời mà không có bảo vệ.
- Sử dụng kem chống nắng (SPF) mỗi ngày, bất kể thời tiết.
- Ngủ đủ giấc và cố gắng giảm thiểu căng thẳng.
- Tập thể dục thường xuyên, duy trì vận động đều đặn.
- Giữ cân nặng ổn định và hợp lý.
Ăn uống lành mạnh, ưu tiên chế độ ăn từ thực phẩm nguyên chất, đầy đủ các nhóm dưỡng chất chính, vitamin và axit amin thiết yếu giúp thúc đẩy sản xuất collagen. Một số thực phẩm tiêu biểu bao gồm: trứng, các sản phẩm từ sữa, các loại đậu, rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt và cá.

Những bước đơn giản này chính là nền tảng để bảo vệ làn da khỏe mạnh và giữ gìn lượng collagen quý giá trong cơ thể.
Ngoài ra, hiện chưa có quá nhiều nghiên cứu khẳng định liệu việc bổ sung collagen bằng đường uống có thể làm chậm quá trình mất collagen hay không – nhưng đây vẫn có thể là một phương án đáng cân nhắc. Với thêm nhiều nghiên cứu, quy chuẩn và theo dõi hậu mãi, collagen đường uống có thể trở thành một công cụ hữu hiệu khác trong cuộc chiến chống lão hóa.
KEM DƯỠNG COLLAGEN CÓ THỰC SỰ HIỆU QUẢ KHÔNG?
Các sản phẩm bôi ngoài da chứa collagen như kem dưỡng hay mặt nạ thực sự có thể cải thiện vẻ ngoài của làn da — nhưng khó có khả năng ngăn chặn việc mất collagen từ bên trong.
“Collagen là một phân tử có khối lượng phân tử lớn, nên khả năng thẩm thấu của nó chỉ giới hạn ở lớp ngoài cùng của da,” dược sĩ Abarquero Cerezo giải thích. Điều đó có nghĩa là: mặc dù kem collagen có thể giúp da trông mịn màng, ẩm mượt hơn, nhưng không thể đi sâu để phục hồi collagen đã mất ở tầng sâu của da.

Bạn có thể sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa các hoạt chất hỗ trợ tăng sinh collagen, như: Glycosaminoglycans, Proxylane, Peptides, chiết xuất cây Cassia, Axit hyaluronic, các chất chống oxy hóa như vitamin C và niacinamide
Nói cách khác, kem dưỡng collagen sẽ giúp cải thiện kết cấu bề mặt da một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu mục tiêu là duy trì sự cân bằng giữa việc mất collagen và tái tạo collagen, thì tốt hơn hết bạn nên tập trung vào các hoạt chất và lời khuyên đã được nêu ở trên.