Tất cả đều đang thử thách niềm tin của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này và đặt ra câu hỏi về quan niệm cho rằng cổ phiếu xa xỉ là phản ứng mạnh mẽ nhất của châu Âu đối với các cổ phiếu công nghệ đang tăng trưởng cao của Phố Wall. Khoảng 180 tỷ USD cổ phiếu xa xỉ đã bị xóa sổ kể từ mức đỉnh gần đây vào tháng 7, khiến lợi nhuận của năm 2023 bị “treo” lơ lửng.
Chỉ riêng LVMH đã chiếm khoảng 60% sự sụt giảm đó và nhà sản xuất túi Louis Vuitton đã bị nhà sản xuất dược phẩm Novo Nordisk A/S vượt mặt để trở thành công ty lớn nhất Châu Âu. Richemont, chủ sở hữu Thụy Sĩ của Cartier và các hãng đồng hồ bao gồm IWC và Vacheron Constantin, đã giảm mức vốn hóa thị trường 5,2% và Moncler giảm 5%. Swatch Group, chủ sở hữu Gucci Kering và nhà sản xuất túi Birkin Hermes International cũng trượt dốc.
Tờ Bloomberg cho rằng sự phục hồi chậm chạp ở thị trường Trung Quốc, nơi chiếm tới 1/5 doanh số bán hàng của các nhà bán lẻ hàng xa xỉ ở châu Âu, đã giáng đòn mạnh nhất vào lĩnh vực này. Và tình trạng bất ổn do lạm phát đã lan tới các khu mua sắm cao cấp ở Paris, Madrid và London. Chủ tịch tập đoàn Richemont, ông Johann Rupert đã nói với các cổ đông tại cuộc họp thường niên ở Geneva hôm thứ Tư tuần trước: “Lạm phát đang diễn ra đã bắt đầu tác động đến nhu cầu mua sắm xa xỉ phẩm của người dân tại châu Âu”.
Gilles Guibout, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Axa Investment Managers ở Paris, cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy về hàng xa xỉ là sự kết thúc của một thỏa thuận dài hạn theo sự đồng thuận, bao gồm sự đổ xô của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này trong nửa đầu năm nay. Châu Âu thường rất nhạy cảm với sự tăng trưởng của thế giới và điều này đang gây tổn hại cho ngành hàng xa xỉ vì có bằng chứng về sự suy giảm”. Ông Guibout cho biết không có kế hoạch mua cổ phiếu cho đến khi một đợt giảm giá tiếp theo khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn.
Vị thế người giàu nhất thế giới của Giám đốc điều hành LVMH, tỷ phú Bernard Arnault, đã bắt đầu lung lay sau sự sụt giảm 15% của chỉ số chứng khoán hàng xa xỉ của MSCI Inc. kể từ giữa tháng 7. Tài sản của ông Arnault đã giảm từ mức cao nhất mọi thời đại là 212,4 tỷ USD xuống còn 170,4 tỷ USD tính đến ngày 7/9, làm gia tăng khoảng cách với giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, theo chỉ số Bloomberg Billionaires.
Mức chi tiêu mạnh mẽ của người Mỹ sau đại dịch đã có dấu hiệu giảm sút, khiến các nhà đầu tư đặt hy vọng vào người Trung Quốc để tăng trưởng. Các nhà phân tích cho biết liệu các công ty xa xỉ có thể bù đắp phần lớn sự sụt giảm của Mỹ hay không sẽ phụ thuộc vào việc nhu cầu nội địa và du lịch của Trung Quốc phục hồi như thế nào trong thời gian còn lại của năm nay.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới nhất về các ngành dịch vụ của Trung Quốc tiết lộ nhiều dữ liệu tiêu cực hơn đối với các tên tuổi xa xỉ, với mức tăng trưởng chậm nhất trong năm nay là vào tháng 8 vừa qua. Điều đó cho thấy người tiêu dùng trong nước không lạc quan về thu nhập trong tương lai của họ do nền kinh tế đang uy thoái và đang có xu hướng tiết kiệm hơn là chi tiêu.
“Ngành công nghiệp xa xỉ dường như vượt trội so với thị trường tiêu dùng nói chung tại Trung Quốc. Nhưng thực sự, hầu hết mọi người đều cảm thấy cần thắt chặt hầu bao", Amrita Banta, CEO công ty nghiên cứu thị trường Agility, nói. Theo Banta, có một mức độ hoài nghi nhất định về vị thế kinh tế trong tương lai của Trung Quốc. Điều này đang thực sự ảnh hưởng đến hầu hết mọi người ở thị trường này, kể cả giới siêu giàu.
Theo BCG, người tiêu dùng xa xỉ ở Trung Quốc trẻ hơn so với phần còn lại của thế giới với độ tuổi trung bình là 28. Đây là điều mà các công ty coi là tích cực cho sự tăng trưởng trong tương lai. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong thế hệ trẻ - tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng lên 21,3% trong tháng 6, từ 20,8% trong tháng 5, mức cao kỷ lục mới - có thể gây khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới đối với các thương hiệu xa xỉ. "Thực tế tại Mỹ và Trung Quốc cho thấy những người tiêu dùng trẻ tuổi hiện đang không có nhiều tiền để mua sắm", Jelena Sokolova, nhà phân tích chứng khoán cấp cao của Morningstar cho biết.
Các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục cất tiền tiết kiệm với tỷ lệ "đáng lo ngại". Dữ liệu chính thức cho thấy các hộ gia đình thành thị đã tiết kiệm khoảng 40% thu nhập khả dụng của họ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trước đại dịch là 36,4%. Xiangrong Yu, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Citi cho biết với tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình vẫn tăng sau 6 tháng kể từ khi mở cửa trở lại, có vẻ như niềm tin vào tương lai còn yếu. "Không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục mới", người này giải thích.
Hầu hết các hạng mục xa xỉ tại Trung Quốc đều bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm ở các mức độ khác nhau. Các danh mục trực tuyến ít bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa và có doanh thu tốt hơn. Thị trường đồng hồ chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất, với doanh số bán hàng giảm 20 - 25% từ năm 2021. Các danh mục thời trang và phong cách sống giảm 15 - 20%. Đồ trang sức và đồ da khả quan hơn, chỉ giảm khoảng 10 - 15%.
Tất cả những điều này làm dấy lên lo ngại về việc hàng xa xỉ sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường, đặc biệt là nơi được coi là điểm nóng địa chính trị trong tương lai. Nhưng theo Erwan Rambourg, Trưởng bộ phận nghiên cứu tiêu dùng và bán lẻ của HSBC, điều may mắn các thương hiệu cao cấp châu Âu đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến khách hàng địa phương từ hồi đại dịch. Điều này phần nào giúp họ ít chịu rủi ro từ Trung Quốc hơn so với năm 2019.
"Lĩnh vực hàng xa xỉ từng lấy Nhật Bản làm trung tâm 25 năm trước và lấy Trung Quốc làm trung tâm trước Covid-19 giờ đây đã hiểu rằng phải dựa trên sự giàu có của toàn cầu hơn là chỉ một quốc gia", ông Rambourg nói. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, Trung Quốc và Mỹ vẫn là hai thị trường chiếm phần lớn sự tăng trưởng của ngành trong thời gian tới.