January 17, 2023 | 15:37 GMT+7

Khi tủ quần áo của giới siêu giàu "tràn trề" đồ hiệu

Băng Hảo -

Không gì có thể ngăn cản giới nhà giàu Trung Quốc lấp đầy nhiều thứ xa xỉ hơn vào tủ quần áo của họ. Điều này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu mà còn ươm mầm cho các ngành và nghề mới…

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Hiện tại, giới nhà giàu tại Trung Quốc đang thuê những nhóm chuyên nghiệp tới sắp xếp tủ đồ giúp họ, nghề này đang dần được các nhóm thực hiện “chuyên nghiệp hóa” và ngày càng trở nên phổ biến, tạo nên một nghề nghiệp mới lạ lẫm nhưng rất thực tế.

Theo một số báo cáo về thói quen tiêu dùng của giới thượng lưu, có tới 1/3 những mặt hàng xa xỉ phẩm được tiêu thụ trên toàn cầu hiện nay được mua bởi người Trung Quốc. Điều này cho thấy tủ đồ hàng hiệu của giới nhà giàu tại Trung Quốc đang không ngừng to ra, không ngừng chất chứa thêm nhiều món, và đương nhiên vị chủ nhân muốn tủ đồ của mình đẹp đẽ, gọn gàng sẽ cần tới một ê-kíp sắp xếp đồ “có nghề”.

Ước tính hiện tại có khoảng 3.000 nhân viên dọn tủ chuyên nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc. Tờ Sohu cho hay, sau khi “hô biến” những phòng để đồ “ngồn ngộn” quần áo thành nơi gọn gàng và ngăn nắp, một nhân viên có thể được trả đến 2.000 USD/buổi (gần 46 triệu đồng). Trong trường hợp gặp được người chủ chịu chi, số tiền này có thể tăng lên rất nhiều. Nếu được thuê nhiều, việc mỗi người kiếm được hàng trăm triệu mỗi tháng là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Liucundao là trung tâm cung cấp dịch vụ sắp xếp dọn dẹp sớm nhất ở Trung Quốc. Trước năm 2015, khách hàng chính của họ là nhóm người dùng cao cấp như người nổi tiếng, giám đốc doanh nghiệp và nhân vật chính trị từ khắp nơi trên thế giới. Việc lưu trữ và phân loại đã được người dân Trung Quốc chú ý. Nhưng phí dịch vụ cao khiến đây không phải sự lựa chọn của hộ gia đình bình thường.

Tiêu chuẩn tính phí của dịch vụ dọn dẹp cao cấp này là 990 NDT (gần 3,5 triệu đồng) trên một mét, nghĩa là chỉ lấy khoảng cách theo chiều ngang của tủ quần áo. Không tính số lượng nhân viên hay số giờ làm việc, khách hàng không trả tiền cho quy trình dọn dẹp và sắp xếp mà chỉ trả tiền tính theo thành quả nhận được.

Lớp học thẩm định và sắp xếp hàng hiệu tại Bắc Kinh thu hút rất đông học viên tham gia.
Lớp học thẩm định và sắp xếp hàng hiệu tại Bắc Kinh thu hút rất đông học viên tham gia.

Sức mua của giới trẻ đã sinh ra sự trỗi dậy của nghề thẩm định và sắp xếp nơi trưng bày hàng hiệu của giới nhà giàu. Các khóa đào tạo của Trung tâm dịch vụ sắp xếp nhà cửa Liucundao (Lưu Tồn Đạo) có hơn 6.000 học viên tham gia, phí đăng ký khóa học 9 ngày lên tới 28.800 NDT (hơn 100 triệu đồng). Nội dung giảng dạy bao gồm sắp xếp vật dụng, quy hoạch và cải tạo không gian, kỹ năng đàm phán và giao dịch, nhận biết về thương hiệu sang trọng, kỹ năng thể hiện thẩm mỹ, vận hành studio...

Phí đào tạo đắt đỏ không đảm bảo học viên đều có thể “thu hồi vốn”, nhưng ngày càng có nhiều người chọn đến với niềm tin rằng sự giàu có đang vẫy gọi. Khác với dịch vụ dọn phòng truyền thống chủ yếu dọn dẹp thay cho người khác, nhân viên sắp xếp này phải phân loại các vật dụng của gia đình, phân tích bố cục không gian trong nhà, sau đó tiến hành chuyển đổi cách bài trí để nâng cao hiệu quả sinh hoạt của các thành viên trong cuộc sống hàng ngày.

Han Yonggang, một nhân viên “dọn tủ” chuyên nghiệp chia sẻ rằng các khách hàng mà anh phục vụ đều là những người giàu, có thu nhập cao, mỗi lượt đến làm việc tại một gia đình, nhóm của Han có thể phải dọn dẹp trong hai ngày: “Tôi thấy làm nghề này giúp tôi kiếm được nhiều hơn so với khi tôi làm một chuyên gia thiết kế đồ họa”, Han tâm sự.

 
Số lượng bưu kiện vận chuyển tính theo đầu người tại Trung Quốc trong năm 2022 lên tới gần 60 bưu kiện/người, gấp đôi con số trung bình của người dân toàn cầu.

Hoạt động mua sắm online quá đỗi dễ dàng, thuận tiện đã tạo nên một nét văn hóa mới trong đời sống hiện nay, khi người ta có thể mua sắm ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào phù hợp. Nhóm các nhân viên “dọn tủ” chuyên nghiệp không bao giờ bàn đến vấn đề “nghiện mua sắm” hay “tâm lý tiêu dùng” của gia chủ. Họ cũng sẽ không bao giờ khuyên gia chủ nên vứt bớt đồ đi hay mua sắm ít hơn.

Thay vào đó, họ tìm cách giữ nguyên số lượng đồ nhưng tốn ít diện tích và dễ dàng tìm kiếm hơn. Tất cả nằm ở nghệ thuật sắp xếp và bài trí. Hiệu trưởng của ngôi trường đào tạo các học viên “dọn tủ” chuyên nghiệp cho hay: “Không có món đồ nào là hoàn toàn vô dụng trong cuộc sống này”.

Bên cạnh đó, nền kinh tế giảm tốc phần nào đã có tác động tích cực đến thị trường bán lại. “Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhiều người đã nghĩ: Tại sao không bán những món đồ xa xỉ đang nằm không ở nhà nhỉ?", anh Zhu Tainiqi, nhà sáng lập nền tảng Zzer, cho biết. Do đó, xã hội lại nảy sinh thêm một ngành nghề mới cũng liên quan đến tủ quần áo của giới thượng lưu: thẩm định hàng xa xỉ.

Cùng với sự rộng mở của thị trường bán lại, các kỹ năng như thẩm định thật giả và giá trị các món hàng cũng ngày càng được quan tâm.
Cùng với sự rộng mở của thị trường bán lại, các kỹ năng như thẩm định thật giả và giá trị các món hàng cũng ngày càng được quan tâm.

Theo Bloomberg, trong một lớp học tại Bắc Kinh, anh Zheng Chen - chuyên gia thẩm định hàng xa xỉ - hướng dẫn các học viên cách phân biệt những chiếc túi xách hàng hiệu của Chanel, Dior hay LV. Để tham gia lớp học, mỗi người sẽ phải bỏ ra số tiền gần 16.000 Nhân dân tệ (hơn 56 triệu đồng). Tuy nhiên anh Zheng cho rằng, số tiền này là hoàn toàn xứng đáng khi các sản phẩm giả hàng hiệu đang ngày càng trở nên tinh vi hơn.

"Hiện có tới hơn một nửa số lượng các món đồ chúng tôi phải thẩm định hàng ngày là đồ giả. Trong đó có khoảng 30% là những món được nhái rất tinh vi, khó phát hiện và tỷ lệ này đang ngày càng tăng", anh Zheng Chen nói. Lớp học này là một phần trong hoạt động của trung tâm thẩm định hàng xa xỉ chuyên nghiệp do anh Zhang Chen sáng lập. Thành viên của lớp học đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng hầu hết là những người có thu nhập cao, muốn có thêm kỹ năng phục vụ cho công việc của mình, hay đơn giản chỉ là muốn mua các món hàng hiệu cũ mà không sợ bị đánh lừa.

Thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng tại Trung Quốc hiện đạt giá trị khoảng hơn 17 tỷ USD. Cùng với sự rộng mở của thị trường này, các kỹ năng như thẩm định thật giả và giá trị các món hàng cũng ngày càng được quan tâm và các chuyên gia như anh Zhang Chen cũng ngày càng có đông đảo khách hàng. Theo báo cáo dữ liệu năm 2020 của PLUM, nền tảng giao dịch đồ hiệu secondhand lớn nhất ở Trung Quốc, hơn 70% người tiêu dùng trên nền tảng này là "những người sinh sau 1990 và 2000".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate