Miếng bánh thị phần của nhóm Top 10 công ty chứng khoán đã nhỏ lại và xuất hiện nhiều thành tố mới đến từ cả khối ngoại và nội cho thấy cuộc đua chia lại thị phần ngày càng kịch tính hơn.
XÁO TRỘN MẠNH VỊ THẾ TOP 10 THỊ PHẦN MÔI GIỚI
Cụm từ cạnh tranh "gay gắt" và "khốc liệt" trong cuộc chiến giữ và tăng thị phần của các công ty chứng khoán chưa bao giờ được nhắc nhiều đến vậy kể từ năm 2018. Dù vậy, đến năm 2018, 10 gương mặt quen thuộc của Top 10 công ty chứng khoán nắm giữ thị phần lớn nhất thị trường vẫn chia nhau hơn 70% thị phần.
Nhưng từ quý 2/2018, thành tố mới xuất hiện trong Top 10, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) đã xác lập thành quả của sự cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến giành thị phần mà hầu hết các công ty chứng khoán đều đã đề cập tới.
Sự sụt giảm mạnh bắt đầu nhìn thấy rõ rệt từ năm 2019 khi các doanh nghiệp nằm trong Top 10 chỉ còn giữ được hơn 62% thị phần (tính riêng cho sàn HoSE) cho thấy sự trỗi dậy của các công ty chứng khoán nhỏ. Đồng thời các thành tố mới xuất hiện như MAS, VPS cùng sự trở lại của 2 gương mặt cũ KIS và BOS – Artex Securities đã làm xáo trộn vị thế của những "đế chế" quen thuộc cũng như đánh bật ra khỏi Top 10 như ACBS, SHS, BSC.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, thị phần của Top 10 tiếp tục có những biến động mạnh ghi nhận sự xuất hiện của MBKE, TCBS và sự nhảy vọt của VPS. Từ quý 4/2018 với vị trí số 9 trong Top 10, VPS đã nhảy đều đặn để lên vị trí số 3 trong quý 3/2020, đẩy VCSC tụt xuống vị trí số 5. Cuộc chiến giành thị phần trong Top 10 diễn ra khá sôi động và gay cấn khi MAS vượt mặt MBS leo lên vị trí số 5 vốn của MBS trong nhiều năm. Tuy nhiên, ngay sau đó quý 2 và 3/2020 MAS đã bị VPS và MBS đẩy xuống vị trí số 7.
VẪN LÀ CUỘC ĐUA CỦA "MẠNH VÌ GẠO BẠO VÌ TIỀN"
Từ người trong cuộc, các công ty chứng khoán đánh giá, sự tranh giành thị phần giữa các công ty chứng khoán đang diễn ra rất gay gắt trên các mặt. Đó là cuộc chiến giảm phí môi giới, giảm phí tư vấn, cạnh tranh lãi suất margin để lôi kéo khách hàng, đặc biệt là đối với các công ty "mới" hồi sinh/được bơm vốn mới/đổi chủ mới; cuộc chạy đua về công nghệ thông tin, nâng cấp hạ tằng, mặt bằng kinh doanh, đặc biệt chú trọng cung cấp các công cụ, tiện ích phục vụ giao dịch cho các nhà đầu tư; cạnh tranh thu hút nhân sự lẫn nhau.
Làn sóng vốn ngoại (bao gồm cả tiền và nhân sự) đổ bộ vào Việt Nam trong 2 năm trở lại đây qua hình thức tăng vốn, M&A…. đã thúc đẩy tiến trình phân chia lại thị phần của các công ty chứng khoán.
Và rõ ràng, một loạt tên tuổi "mới" có nguồn vốn ngoại kinh doanh hiệu quả hơn như MAS, KIS, MBKE, KB Việt Nam, Yuanta Việt Nam, Pinetree và góp mặt trong Top 10 thị phần như MAS, KIS, MBKE. Đồng thời, sự trỗi dậy của các công ty chứng khoán có vốn ngoại đã làm thu hẹp thị phần của nhóm Top 10.
Ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam chia sẻ với báo giới rằng, môi giới là một nghiệp vụ cơ bản của các công ty chứng khoán và cho vay margin là yếu tố tiên quyết để có thể tham gia vào thị trường môi giới chứng khoán.
Thống kê báo cáo tài chính 20 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay khách hàng lớn và chứa Top 10 thị phần môi giới lớn nhất (trong đó cho vay margin chiếm khoảng 95% tổng dư nợ) cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý 3 đạt 57,6 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 13,4% so với cuối năm 2019 và tăng 20,7% so với cuối quý 2/2020.
Ngay trong Top 10 thị phần, từ số liệu báo cáo tài chính các công ty cho thấy, cho vay margin đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến giành thị phần. Cụ thể, đến cuối quý 3/2020, số dư vay nợ của SSI hơn 16.441 tỷ đồng, VNDS 9.332 tỷ đồng, VPS Securities 7.904 tỷ đồng; Mirae Asset 4.947 tỷ đồng.
Đồng thời, doanh số giao dịch vay trả trong kỳ của các công ty chứng khoán với các ngân hàng lớn gấp nhiều lần so với số dư vay nợ cuối kỳ như VNDS là 87.437 tỷ đồng (gấp hơn 9 lần tổng nợ vay cuối kỳ), HSC là 19.724 tỷ đồng (gấp 5 lần) và Mirae Asset là 12.759 tỷ đồng (gấp 2,6 lần)….
Bên cạnh công nghệ và các công cụ phục vụ nhà đầu tư, sự nhảy vọt và trụ hạng của công ty chứng khoán còn có sự góp mặt của yếu tố nhân sự, đặc biệt là các công ty chứng khoán có vốn ngoại/mới hồi sinh. Sự dịch chuyển nhân sự cấp cao từ công ty chứng khoán này sang công ty chứng khoán khác đã làm ảnh hưởng đến sự ổn trong kinh doanh của các công ty chứng khoán như làn sóng dịch chuyển nhân sự từ công ty chứng khoán Y sang công ty chứng khoán M trong thời gian qua.