April 25, 2022 | 15:44 GMT+7

Khốc liệt, VN-Index “bay” 68 điểm, 240 mã giảm sàn

Kim Phong -

Ngay cả với các nhà đầu tư thâm niên, mức sụt giảm trên 5% của VN-Index cũng đã là rất hiếm thấy. Ngưỡng giảm sâu nhất của chỉ số hôm nay là -5,86% tương đương 80,85 điểm. Rổ VN30 cũng có tới 15 mã giảm sàn lúc đóng cửa và thời điểm đáy là 22 mã...

VN-Index lao dốc nặng.
VN-Index lao dốc nặng.

Ngay cả với các nhà đầu tư thâm niên, mức sụt giảm trên 5% của VN-Index cũng đã là rất hiếm thấy. Ngưỡng giảm sâu nhất của chỉ số hôm nay là -5,86% tương đương 80,85 điểm. Rổ VN30 cũng có tới 15 mã giảm sàn lúc đóng cửa và thời điểm đáy là 22 mã.

Độ rộng sàn HoSE cuối phiên chỉ còn 37 mã tăng/443 mã giảm, trong đó 171 mã giảm sàn. Rất hiếm mã đi ngược dòng thành công mà có thanh khoản tốt.

4 cổ phiếu kịch trần là DXV, SJF, ST8 và VRC thì chỉ có SJF là thanh khoản khá tốt với 19,3 tỷ đồng. Mã này lại còn dư bán giá trần. Trong vài chục mã còn xanh thì chỉ đếm trên đầu ngón tay số lượng có thanh khoản hơn 10 tỷ đồng: SCR tăng 3,46% giao dịch 106,5 tỷ đồng; FLC tăng 2,87% giao dịch 117,4 tỷ; SHI tăng 2,74% giao dịch 10,9 tỷ; ROS tăng 1,75% giao dịch 66,9 tỷ; BCM tăng 1,32% giao dịch 50,4 tỷ; HAI tăng 0,28% giao dịch 11,2 tỷ.

Số giảm giá và giảm sàn thì quá nhiều, kể không xuể. Đáng chú ý là blue-chips tổn thương nặng nề khi chỉ số VN30-Index đóng cửa giảm tới 5,4%. Mức giảm này chỉ đứng sau phiên hoảng loạn vì covid ngày 28/1/2021 khi chỉ số này giảm 6,7%. Tuy nhiên rõ ràng lúc này thị trường tốt hơn nhiều so với giai đoạn tháng 1/2021.

Cổ phiếu ngân hàng chiếm 5 mã trong số blue-chips giảm sàn, là VPB, CTG, BID, STB, TCB. Ngoài ra có thêm LPB và OCB. Toàn bộ 27 cổ phiếu nhóm này thì 25 mã giảm trên 2%, trong đó 17 mã giảm từ 5% trở lên.

Nhóm blue-chips lớn nhất của VN-Index cũng giảm sàn la liệt.
Nhóm blue-chips lớn nhất của VN-Index cũng giảm sàn la liệt.

Rổ Midcap sàn HoSE có 43 mã sàn và chỉ số đại diện giảm 5,85%. Smallcap có 91 mã sàn, chỉ số giảm 5,38%. Toàn sàn HoSE ghi nhận 171 mã sàn, HNX là 53 mã và UpCOM 16 mã. Như vậy tổng cộng toàn thị trường 240 cổ phiếu giảm sàn. Riêng hai sàn niêm yết có 224 mã, chỉ đứng sau phiên 28/1/2021 (410 mã giảm sàn).

So sánh về độ rộng thì phiên bán tháo hôm nay cũng chưa phải quá ghê gớm, dù cũng rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên với các nhà đầu tư mới nhảy vào thị trường hơn một năm trở lại đây thì hôm nay là rất sốc. Điều sốc hơn là thị trường đã trải qua chục phiên giảm rất mạnh, khiến phiên hôm nay như thể một cú “nốc ao” trong tình cảnh đã “choáng” sẵn.

Điều bất ngờ là thanh khoản phiên này không cao. Tổng giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm 15% so với phiên trước, chỉ đạt 19.575,7 tỷ đồng. Khối lượng khớp lệnh cũng giảm khoảng 13%. Nếu tính cả mức giảm giá thì thanh khoản phiên này vẫn thấp. Điều này thể hiện sự sợ hãi ngay cả với người mua, còn người bán cố gắng hạ giá xuống hết mức có thể để tìm thanh khoản.

Việc đi tìm lý do lúc này rất dễ sa vào các tin đồn – mà thực tế thì rất nhiều. Thị trường tưởng như đã giảm được áp lực giải chấp cuối tuần qua, nhưng đột nhiên lại rất xấu hôm nay. Chứng khoán thế giới lao dốc, giá dầu sụt giảm mạnh, nhất là chứng khoán châu Á hôm nay, nhưng mọi thứ không phải lần đầu. Đặc biệt các blue-chips lại có một phiên giảm cực mạnh ngay khi kết quả kinh doanh quý 1 được công bố. Rất nhiều mã nhóm này đã giảm xuống đáy nhiều tháng, thậm chí trước cả kết quả kinh doanh quý 4 năm ngoái. Nói cách khác, việc giá đã phản ánh kết quả kinh doanh không hoàn toàn chính xác.

Nhà đầu tư nước ngoài trong phiên hoảng loạn này mua ròng 214,7 tỷ đồng tại HoSE, 14,4 tỷ ròng tại HNX và 10,1 tỷ ròng tại UpCOM. Giá trị giải ngân trên HoSE khoảng 2.160,6 tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng giá trị sàn này.

VN-Index mất 68,31 điểm hôm nay và trong phiên đã có lúc để mất mốc 1300 điểm. Chỉ số đang ở mức thấp nhất gần 8 tháng, tương đương vùng điểm số cuối tháng 8/2021. Tổng mức giảm trong nhịp giảm 15 phiên này là 14,02%, tương đương với nhịp giảm tháng 1/2021.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate