January 11, 2023 | 18:19 GMT+7

Khởi công nhiều dự án thủy lợi lớn trong năm 2023

Chu Khôi -

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 9/01/2023, giá trị giải ngân vốn thực hiện các dự án xây dựng công trình thủy lợi năm 2022 là 933 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch. Trong năm 2023, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chưa hoàn thành; tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 trước 30/6/2023...

Công trình Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành là thành tựu lớn của ngành thủy lợi.
Công trình Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành là thành tựu lớn của ngành thủy lợi.

Chiều 10/01/2023, Ban quản lý trung ương các dự án Thủy lợi (Ban CPO) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023.

Ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết về nhiệm vụ xây dựng hạ tầng nông nghiệp, ngư nghiệp, tính đến thời điểm hiện nay, đối với các dự án mở mới giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp thực hiện 130 dự án mở mới. Đến nay, đã phê duyệt 73 dự án, một số dự án đã được khởi công từ năm 2011-2012. Phần lớn các dự án sẽ được khởi công trong năm 2023 và những năm tới.

THỦY LỢI GIẢI NGÂN CAO NHẤT NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Theo ông Nguyễn Hải Thanh, năm 2022, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 6.438 tỷ đồng, gồm vốn trong nước 4.538 tỷ đồng, vốn ODA là 1.900 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngành Nông nghiệp đạt 66% so với kế hoạch. Trong đó, riêng các dự án thủy lợi được giao vốn cho cả năm ban đầu là 897 tỷ đồng, sau dó đến giữa năm điều chỉnh lên gần 972 tỷ đồng.

Lũy kế giá trị giải ngân vốn năm 2022 của các dự án thủy lợi tính đến ngày 9/1/2023 là 933 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch vốn của Bộ giao sau điều chỉnh, và đạt 104% so với kế hoạch Bộ giao ban đầu.

“Ban CPO Thủy lợi là đơn vị có giá trị giải ngân lớn nhất ngành nông nghiệp, đóng góp lớn vào tỷ lệ giải ngân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư”, ông Thanh nhận định.

Ông Phạm Đình Văn, Trưởng ban CPO Thủy lợi cho hay năm 2022, phần lớn các dự án đầu tư trung hạn 2016 - 2020 đã cơ bản hoàn thành, phần khối lượng còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2022 không nhiều, chủ yếu là công tác hoàn thiện trước khi bàn giao đưa vào sử dụng.

 

"Thành tựu lớn nhất trong năm vừa qua có thể kể đến là hoàn thành Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 2 công trình đạt chất lượng cao và danh hiệu “Chủ đầu tư xuất sắc”. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã trở thành công trình thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á, là niềm tự hào của Việt Nam".

Ông Phạm Đình Văn, Trưởng ban CPO Thủy lợi.

“Công tác thực hiện, giải ngân các dự án đã đáp ứng được tiến độ, kế hoạch được giao. Nhiều tiểu dự án đã hoàn thành vượt tiến độ, đạt chất lượng tốt cả về mỹ thuật, kỹ thuật, sớm đưa vào vận hành phục vụ sản xuất, phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, đã tranh thủ tối đa nguồn vốn ưu đãi của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai...”, ông Phạm Đình Văn khẳng định.

Theo ông Văn, các dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2026 đã lần lượt được gỡ khó để hoàn thành các khâu thiết kế, đấu thầu và khởi công xây dựng. Trong giai đoạn 2021-2026, các dự án thủy lợi chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong nỗ lực ngăn mặn, trữ ngọt, chống triều cường, sạt lở, nhiều dự án thủy lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long đang được tăng tốc xây dựng. Các công trình này không chỉ đóng góp quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tăng giá trị ngành nông nghiệp, cải thiện sinh kế cho nông dân, mà còn góp phần tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công, thúc đẩy kinh tế vùng Tây Nam Bộ phát triển.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong 8 dự án thủy lợi ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đã phê duyệt được 6 dự án, vượt kế hoạch 3 dự án. 2 dự án còn lại đang được hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt.

Trong tháng 11/2022, đã khởi công xây dựng 8 gói thầu thuộc 3 dự án, gồm: Dự án Nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây; Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

TẠO ĐỘT PHÁ CHO THỦY LỢI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Tại tỉnh Tiền Giang, dự án Công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây được khởi công đầu tháng 11/2022, đây là công trình kiểm soát nguồn nước lớn thứ hai của vùng Đồng bằng sông Cửu Long  (sau cống Cái Lớn - Cái Bé), có chức năng ngăn mặn, trữ ngọt, chống triều cường phục vụ cho hàng chục nghìn hộ dân 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp với mức đầu tư 460 tỷ đồng.

Công trình có phần cống với kết cấu bằng bê tông cốt thép chiều rộng thông nước 40m; cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực; cao trình ngưỡng cống -5,5m. Đặc biệt, phần âu thuyền có kết cấu bằng bê tông cốt thép rộng thông nước 12m; cửa van bằng thép, cao trình ngưỡng âu -5,5m. Hiện, công trình đang đạt tiến độ xây dựng rất nhanh dù mới khởi công.

Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi Cà Mau và Công ty Cổ phần Cầu đường 10 đang thi công đóng cọc bê tông cốt thép đồng loạt ở hạng mục kè phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Dự án này được khởi công tháng 11/2022, nhưng các nhà thầu vào guồng khá nhanh, đảm bảo tiến độ xây dựng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 10/2024.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện gặp rất nhiều vấn đề về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Ban CPO trong năm 2023 là tập trung toàn lực trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt một số dự án của giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, tiến hành khởi công xây dựng các công trình đủ điều kiện trong năm 2023.  

 

"Trong quý 1/2023, sẽ tiếp tục khởi công 2 dự án Công âu Rạch Mọp thuộc Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu và Dự án Nâng cấp, cải tạo kênh trục vùng Tứ giác Long Xuyên. Trong quý 1/2023, cũng sẽ khởi công thêm 3 gói thầu thuộc Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu và Dự án Nâng cấp, cải tạo kênh trục vùng Tứ giác Long Xuyên".

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, cùng với việc kiểm tra các dự án trong thời gian bảo hành như Cống Cái Lớn, cống Cái Bé, cống Xẻo Rô thuộc Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, Ban CPO cần tập trung đôn đốc các dự án được Chính phủ cho phép kéo dài sang 2023 - 2024, trong đó ưu tiên các công trình lớn: hồ Krông Pack Thượng (tỉnh Đắk Lắk), hồ Cánh Tạng (tỉnh Hoà Bình), hồ Bản Mồng (tỉnh Nghệ An) và hồ Sông Chò (tỉnh Khánh Hòa).

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu cần phải tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để khởi công các công trình trong năm 2023, đặc biệt là còn 8 dự án chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn.

"Phải tăng cường công tác đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công và an toàn tuyệt đối với các công trình an toàn phòng chống thiên tai, đặc biệt là công trình thủy lợi chặn dòng vượt lũ năm 2023”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate