Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 1/2024, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp thành viên tháng 1/2024 đạt 19.243 xe các loại, giảm 50% so với tháng 12/2023 và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là kết quả đã được dự báo từ trước khi tháng 1 hàng năm là thời điểm cận Tết Nguyên đán, người tiêu dùng có xu hướng tổng kết tình hình tài chính cá nhân và gia đình, hạn chế mua nhà, mua xe và các mặt hàng xa xỉ. Bên cạnh đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước quy định tại Nghị định 41/2023/NĐ-CP chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023. Do đó, nhiều khách hàng đã kịp chốt hợp đồng mua xe từ cuối năm 2023 để được hưởng ưu đãi. Chính điều này khiến doanh số ô tô tháng 12/2023 tăng cao đột biến lên 38.740 xe, nhưng bước sang tháng 1/2024 lại “ế ẩm”.
Cụ thể, tổng doanh số xe KIA do THACO AUTO sản xuất đạt 2.369 xe, giảm 50% so với tháng 12/2023 và tăng 14% so với tháng 1/2023. Tương tự, xe Mazda của THACO AUTO chỉ bán được 1.972 xe, giảm tới 54,5% so với tháng 12/2023 và chỉ tăng 293 xe so với tháng 1/2023. Tình hình kinh doanh của Ford Việt Nam có phần “khá khẩm” hơn với 2.671 xe được bán ra, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lợi thế về dòng xe bán tải với hai đại diện gồm Ranger và Everest tiếp tục là trụ đỡ về doanh số cho hãng xe này tại Việt Nam. Trước đó, TC Motor công bố báo cáo doanh số ô tô tháng 1/2024 đạt 3.569 xe, giảm 64% so với tháng trước đó; Toyota Việt Nam (TMV) bán được 2.344 xe (đã bao gồm thương hiệu Lexus).
Nhìn chung, đa số các mẫu xe tại Việt Nam đều ghi nhận mức sụt giảm trên dưới 50% so với tháng 12/2023.
Danh sách top 10 xe bán chạy nhất, thông thường đều có mức doanh số trên 1.000 xe, nhưng đến tháng 1 chỉ còn duy nhất hai mẫu xe là Mitsubishi Xpander và Ford Ranger có doanh số trên 1.000 xe, còn lại “ngậm ngùi” với mức doanh số 3 chữ số.
Dù doanh số ô tô toàn thị trường có tăng so với tháng 1/2023, tuy nhiên, nếu tính theo số ngày làm việc, thời điểm tháng 1/2023, các đại lý chỉ có khoảng 20 ngày để bán hàng do Tết Nguyên đán đến sớm, trong khi tháng 1/2024 thì bán được 30 ngày. Điều này cho thấy, khó khăn vẫn còn tiếp nối, khiến các hãng xe thận trọng hơn trong chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình.
Thông thường, định mức sản lượng ô tô hàng năm cho từng thị trường đã được các nhà sản xuất ô tô tính toán từ cuối năm trước đó. Tại Việt Nam, doanh số ô tô tháng 1 dù chưa đủ để nhận định chính xác về xu hướng vận động của thị trường cả năm, nhưng cũng có giá trị tham khảo rất lớn. Với khởi đầu không mấy suôn sẻ lần này, giải pháp cắt giảm sản lượng sẽ phải được tính đến nhằm hạn chế tình trạng cung vượt cầu. Thời gian cắt giảm sản lượng có thể kéo dài đến tháng 6/2024 để chờ đợi tín hiệu tiếp theo của thị trường.
Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, tổng sản lượng ô tô tại Việt Nam đạt hơn 30.200 xe. Trừ đi số lượng xe của các thành viên VAMA và doanh số của một số thương hiệu còn lại ngoài VAMA, lượng hàng tồn kho đã đạt gần 10.000 xe (ước tính). Nếu tính cả tồn kho từ năm 2023 chuyển sang, hiện có khoảng 65.000-70.000 xe chưa bán được. Đây là con số rất lớn, buộc các hãng xe và đại lý phân phối tiếp tục giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng.
Một số chuyên gia nhận định, với tình hình hiện tại, dù tiếp tục áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ của Chính phủ trong năm 2024 cũng sẽ không thể đem lại cơ hội chuyển mình và bứt phá như thời điểm cách đây 2 năm, nhưng ít nhất cũng sẽ giúp các hãng xe lắp ráp trong nước “dễ thở” hơn. Điều này còn tùy thuộc vào cân đối Ngân sách của Bộ Tài chính và quyết định cuối cùng của Chính phủ. Còn đối với các hãng xe, điều cần làm hiện nay vẫn là tìm cách “xả” hàng tồn kho, giảm sản lượng và cơ cấu lại danh mục xe đang sở hữu để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Có thể nói, năm 2024 sẽ là năm “thử lửa” của thị trường ô tô Việt sau một năm 2023 cả thị trường gặp rất nhiều khó khăn.