Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vừa tổ chức Lễ Khởi động dự án thích ứng với biến đổi khí hậu…
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ dự kiến sẽ hứng chịu những đợt mưa lũ nghiêm trọng hơn vào mùa mưa và khô hạn khốc liệt, kéo dài và thường xuyên hơn vào mùa khô.
Điều kiện thời tiết bất lợi gây thêm áp lực cho nông dân, khiến họ phải đối mặt với tình trạng năng suất cây trồng giảm, ảnh hưởng đến sinh kế, an ninh lương thực và thu nhập, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Vì vậy, ông Terence D. Jones, Quyền Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh phải tăng cường khả năng chống chịu, áp dụng các công cụ và thực hành sáng tạo và thích ứng với khí hậu để hỗ trợ nông dân nghèo và cận nghèo ở hai khu vực này thích ứng với tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.
Dự án cũng tiếp tục tăng cường và thúc đẩy cho một dự án GCF khác đang được triển khai thực hiện, trong đó UNDP hỗ trợ 28 tỉnh ven biển tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng nghèo dễ bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
"Hai dự án này có tổng kinh phí hỗ trợ từ GCF lên đến 60 triệu USD, với các cách tiếp cận tổng hợp và sáng tạo, sẽ góp phần tăng cường khả năng chống chịu cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất này", ông Terence D. Jones chia sẻ.
Dự án thích ứng biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đưa ra mục tiêu sẽ có hơn 500.000 người, trong đó trên 50% là phụ nữ, sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án.
Dự án được thiết kế nhằm trao quyền cho các nông hộ quy mô nhỏ, dễ bị tổn thương ở các tỉnh dự án - đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số, giúp quản lý các rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng đối với sản xuất nông nghiệp thông qua việc đảm bảo tiếp cận đầy đủ nguồn nước, áp dụng các thực hành tốt về nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường tiếp cận thông tin về khí hậu nông nghiệp, cũng như tiếp cận tín dụng và thị trường.
Nông dân sẽ được đào tạo, tập huấn cách quản lý rủi ro khí hậu đối với hệ sinh thái nông nghiệp bằng cách áp dụng các thực hành quản lý và quy hoạch đất và cây trồng thích ứng với khí hậu, tăng cường các khoản đầu tư vào an ninh nguồn nước.
Đồng thời, sẽ được cung cấp các hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ tài chính để áp dụng các thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu để tăng sản lượng.
Nông dân sẽ được tham gia vào việc đồng phát triển hội đồng tư vấn các thông tin về khí hậu nông nghiệp được chi tiết hoá theo địa bàn, qua đó họ có thể kết hợp các kiến thức truyền thống với thông tin khoa học hiện đại để quản lý rủi ro ở cấp địa phương.
Để giải quyết vấn đề thiếu nước, dự án sẽ hỗ trợ các nông hộ nhỏ xây dựng đường mương kết nối dẫn nước từ kênh mương đến ruộng vườn, với nguồn kinh phí từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Dự án sẽ hỗ trợ người nông dân giải quyết các vấn đề và tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, tiếp cận tín dụng, đàm phán hợp đồng và tiếp cận suôn sẻ các thị trường hiện có, thông qua thúc đẩy hợp tác chuỗi giá trị, gồm tất cả các bên liên quan, trong đó có nhà sản xuất, đơn vị cung cấp đầu vào, đơn vị cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, người mua và các đối tượng khác.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định thiết kế Dự án đã phản ánh nỗ lực chung và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương, các nhóm dân tộc thiểu số, nông dân nghèo, phụ nữ và nam giới nhằm tăng cường khả năng chống chịu với các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường.
Khởi động dự án cũng sẽ cân nhắc các giải pháp dự phòng để ứng phó với Covid và triển khai hiệu quả các hoạt động đã đề xuất.