July 02, 2024 | 13:30 GMT+7

Khởi động dự án xây dựng băng tải chuyển than từ Lào về Việt Nam, tổng vốn 1.500 tỷ

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Dự án băng tải than dài hơn 6km, từ biên giới Việt Nam - Lào về nội địa có khả năng vận chuyển 30 triệu tấn than đá/năm, nhằm khắc phục hạn chế về đường bộ chật hẹp, xuống cấp...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư Dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Dự án nhằm đảm bảo an ninh năng lượng đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu than trong nước, đồng thời giảm áp lực thông quan hàng hóa lên cửa khẩu quốc tế La Lay và quốc lộ 15D.

Dự án có điểm đầu tại biên giới Việt Nam - Lào, điểm cuối tại kho bãi hàng hóa ở thôn A Đeng (xã A Ngo, huyện Đakrông).

Quy mô sử dụng đất của dự án là 23,82ha, công suất 30 triệu tấn than đá/năm, chia làm 2 giai đoạn, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư ngay trong năm 2024, giai đoạn 2 từ năm 2030.

Dự án xây dựng tuyến băng tải dài 6km; các trạm chuyển tải và hệ thống dây chuyền công nghệ tiếp nhận và vận chuyển than được điều khiển tự động, gồm hệ thống camera giám sát, thông tin liên lạc, hệ thống kiểm soát người, hàng hóa và điều khiển tự động băng tải; hệ thống cân băng tải điện tử; hệ thống cung cấp điện, cấp nước, phòng cháy chữa cháy và các hạng mục phụ trợ đồng bộ khác.

Trong 2 năm gần đây, hoạt động nhập khẩu than đá từ Lào về Việt Nam rất sôi động và được thông quan chủ yếu qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) và La Lay (tỉnh Salavan, Lào). Mỗi ngày, cửa khẩu quốc tế La Lay tiếp nhận khoảng 4.000 tấn than, những ngày cao điểm, không ùn tắc giao thông có thể lên đến 12.000 tấn than với 400 - 450 xe và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong năm 2023, Quảng Trị nhập khẩu 2,2 triệu tấn than đá từ Lào. Tuy nhiên, lượng xe tải tăng đột biến khiến hạ tầng ở cửa khẩu quốc tế La Lay, quốc lộ 15D, đường Hồ Chí Minh nhánh tây và quốc lộ 9 có dấu hiệu quá tải, xuống cấp. Việc xây dựng dự án băng tải vận chuyển than dạng kín từ bãi tập kết phía Lào qua biên giới tới bãi tập kết tại Việt Nam là một giải pháp hữu hiệu, giải quyết các khó khăn và tăng khối lượng vận chuyển than.

Ngoài dự án băng tải dài hơn 6km này, nhà đầu tư còn đề xuất với Quảng Trị xây dựng một đoạn băng tải khác nối dự án này về với cảng biển Mỹ Thủy. Đồng thời, nhà đầu tư xây dựng một hệ thống băng tải khác ở Lào, nối mỏ than ở tỉnh Sekong với biên giới Việt Nam - Lào.

Ba dự án sẽ tạo thành hệ thống băng tải thống nhất, dài 160km để đưa than đá từ mỏ than ở Lào về cảng biển Việt Nam, xuất đi các tỉnh thành và các nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate