Thực tế này khiến hai quốc gia phát thải carbon lớn nhất châu Á khó đạt được mục tiêu về khí hậu - theo hãng tin CNBC.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều vạch ra kế hoạch tham vọng để cắt giảm khí thải, nhưng tiếp tục có sự phụ thuộc lớn vào than - loại nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm nhất. Đối với hai quốc gia tỷ dân nói riêng và thế giới nói chung, than tiếp tục là nguồn nhiên liệu đáng tin cậy nhất và rẻ nhất để đáp ứng nhu cầu phát điện.
VAI TRÒ CÒN LỚN CỦA THAN ĐÁ
Phát điện bằng than trên toàn cầu đã tăng liên tục trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây, gần gấp đôi từ mức 5.809 terawatt giờ (TWh) vào năm 2000 lên 10.434 (TWh) vào năm 2023 - theo nghiên cứu mới của tổ chức nghiên cứu Ember. Mức tăng trưởng lớn nhất được ghi nhận ở Trung Quốc, tăng 319 TWh và Ấn Độ, tăng 100 TWh, nghiên cứu này cho biết.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), than vẫn là nguồn nhiên liệu lớn nhất để phát điện, cung cấp hơn 1/3 tổng sản lượng điện toàn cầu. Than sẽ tiếp tục giữ một vai trò then chốt trong những ngành công nghiệp như sản xuất sắt thép cho tới khi các công nghệ mới được phát triển.
“Rất khó để có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu nếu không giảm nhanh việc sử dụng than. Đây chắc chắn là một việc ngoài tầm tay”, nhà nghiên cứu cấp cao Francis Johnson thuộc Trung tâm châu Á, Viện Môi trường Stockholm nói với CNBC.
“Thế giới đang giảm tiêu thụ than ở mức độ không đủ nhanh”, ông Johnson cảnh báo.
Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á - có hai mục tiêu lớn về khí hậu: phấn đấu đạt đỉnh về mức phát thải carbon vào năm 2030 và đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2060. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhiên liệu than đá vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Nghiên cứu của Ember cho thấy nhu cầu điện ở Trung Quốc đã tăng gấp hơn 7 lần kể từ đầu thế kỷ này, trong khi nhu cầu than tăng hơn 5 lần so với cùng khoảng thời gian. Dữ liệu từ nghiên cứu này cũng cho thấy Trung Quốc - nước sản xuất than lớn nhất thế giới - đã thải ra 5.491 triệu tấn carbon dioxide từ sản xuất điện vào năm 2023. Con số này cao hơn ít nhất ba lần so với mức của Mỹ là 1.570 triệu tấn CO2 và và Ấn Độ 1.470 triệu tấn CO2.
Về phần Ấn Độ, khi nước này trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm ngoái, nhu cầu điện đã tăng 5,4% so với năm 2022. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức tăng toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo Ấn Độ rất lạc quan về con đường đi tới mức phát thành ròng bằng 0. Họ đưa ra tuyên bố táo bạo rằng đến năm 2030, khoảng 50% sản lượng điện của nước này sẽ đến từ các dạng năng lượng không phải là nhiên liệu hóa thạch.
Theo ước tính của tổ chức Climate Action Tracker, lượng phát thải từ ngành điện của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2030, trong khi tổng lượng phát thải liên quan đến năng lượng nói chung sẽ đạt mức cao nhất vào khoảng năm 2034.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Ember cho thấy áp lực gia tăng từ các đợt hạn hán đã dẫn tới việc 78% sản lượng đến của nước này được phát từ nhiên liệu hóa thạch, trong đó than chiếm 75%.
NHỮNG BƯỚC TIẾN VỀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong phát triển năng lượng tái tạo, dẫn đến tốc độ tăng phát thải giảm dần từ mức bình quân 9% hàng năm trong giai đoạn 2001-2015 xuống còn 4,4% hàng năm trong giai đoạn 2016-2023, Ember cho biết.
Ông Dave Jones, Giám đốc chương trình nghiên cứu chuyên sâu toàn cầu tại Ember, nói với CNBC: “Trung Quốc đang tiến rất gần đến mức phát thải cao nhất và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang diễn ra cực kỳ nhanh chóng. Ngay cả với mức tăng trưởng nhu cầu điện rất cao, có vẻ như tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo sẽ đủ để đáp ứng”.
Báo cáo của Ember cho thấy điện sạch đóng góp tới 35% tổng sản lượng điện của Trung Quốc. Thủy điện - nguồn năng lượng lớn thứ hai - chiếm 13% trong số này, còn tổng sản lượng điện gió và điện mặt trời đạt mức cao mới 16% vào năm 2023.
Báo cáo nhấn mạnh: “Nếu sản lượng điện gió và điện mặt trời không tăng kể từ năm 2015 và thay vào đó nhu cầu được đáp ứng bằng than, lượng khí thải của Trung Quốc đã cao hơn 20% vào năm 2023”, báo cáo nhấn mạnh và cho biết thêm rằng hai nguồn điện này của Trung Quốc hiện có thể đủ để cung cấp năng lượng cho toàn bộ Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông Johnson cảnh báo Trung Quốc vẫn cần giảm bớt phụ thuộc vào các dạng nhiên liệu hóa thạch khác. “Việc giảm dần sử dụng than là hoàn toàn cần thiết nhưng chưa đủ. Ngay cả khi giảm phát thải từ than, điều đó không có nghĩa là loại bỏ được khí thải ở từ các nhiên liệu hoá thạch khác”, ông nói.
Giống như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã có những bước tiến đáng kể trong các dạng năng lượng tái tạo. Theo Ember, vào năm 2023, Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước sản xuất điện mặt trời lớn thứ ba thế giới.
Các nhà nghiên cứu của Ember cho biết sản lượng điện mặt trời của Ấn Độ đạt tổng cộng 113 TWh vào năm ngoái, tăng 145% so với năm 2019. Con số này xếp sau Trung Quốc với 584 TWh và Mỹ với 238 TWh.
“Nói về lộ trình trung hòa carbon cho Trung Quốc và Ấn Độ, người ta cho rằng lượng khí thải sẽ tăng lên khi nhu cầu tăng lên. Nhưng đến một thời điểm nào đó, tăng trưởng GDP sẽ phải phải tách rời khỏi lượng khí thải, vì phát thải sẽ phải đạt đỉnh rồi giảm”, Giám đốc chương trình châu Á của Ember, bà Aditya Lolla, nói với CNBC.