Chiều 26/7/2022, tại TP.HCM, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức lễ khởi động "Hợp phần 3 Dự án Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ”...
Cũng tại buổi lễ này, Ban tổ chức đã công bố Mẫu đề xuất tài trợ - Chương trình Hỗ trợ đổi mới và cạnh tranh - Đợt 1.
Dự án Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ” (Dự án SwissTrade), là chương trình hỗ trợ kỹ thuật về thương mại trong 4 năm (từ 2021 - 2024) do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) tài trợ.
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm tỷ lệ đói nghèo thông qua tăng cường hoạt động thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thông qua cải thiện các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển xuất nhập khẩu, tăng cường cơ chế đối thoại công tư và phát triển hệ sinh thái năng động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.
Cục Xúc tiến thương mại cho biết, mục tiêu tổng thể của dự án nhằm nâng cao thành tích xuất khẩu và năng lực cạnh tranh quốc tế của các SMEs Việt Nam một cách bền vững và toàn diện thông qua cải thiện các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển xuất nhập khẩu, tăng cường cơ chế đối thoại công - tư và phát triển hệ sinh thái năng động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.
Dự án gồm 3 hợp phần; trong đó, hợp phần 3 hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ đổi mới và cạnh tranh để tài trợ kinh phí thực hiện hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ kinh doanh năng động. Đồng thời triển khai các sáng kiến về hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khuôn khổ dự án này, Cục Xúc tiến thương mại là cơ quan đầu mối được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai các hoạt động thuộc Hợp phần 3 của dự án.
Hợp phần 3 Dự án SwissTrade tập trung xây dựng và triển khai “Chương trình Hỗ trợ đổi mới và cạnh tranh – gọi tắt là chương trình ICG” với mục đích tăng cường năng lực dịch vụ xuất khẩu, hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái xúc tiến xuất khẩu thông qua tài trợ cho các tiểu dự án của Tổ chức Hỗ trợ Thương mại (BSO) ở cả khu vực công và tư, để triển khai các sáng kiến về hỗ trợ các SMEs nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chương trình ICG dự kiến sẽ tài trợ từ 10 đến 15 tiểu dự án, được lựa chọn thông qua một quy trình cạnh tranh và triển khai qua ba đợt mời nộp đề xuất dự án. Quy mô tài trợ tối đa là 150.000 USD/tiểu dự án, trong thời gian từ 12 - 24 tháng.
Chương trình ICG sẽ nhận hồ sơ quan tâm và đề xuất sơ bộ của các BSO tiềm năng từ ngày 25/7 - 25/8/2022. Các sáng kiến đủ điều kiện qua vòng “Đề xuất sơ bộ” sẽ được hướng dẫn, tiếp tục phát triển thành các đề xuất chi tiết. Kết quả lựa chọn các tiểu dự án đủ điều kiện nhận tài trợ theo tiêu chí của Chương trình ICG dự kiến được công bố vào tháng 11/2022. Cục XTTM là đơn vị quản lý trực tiếp và hỗ trợ kỹ thuật cho các BSO triển khai các hoạt động của tiểu dự án.
Phát biểu tại buổi lễ, ôg Werner Gruber, - Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam, đại diện nhà tài trợ SECO, nói: “Tôi hy vọng rằng Thông báo mời nộp đề xuất này sẽ mở đầu cho nhiều sáng kiến mới mang tính đột phá và sáng tạo, giúp hỗ trợ nhu cầu xuất khẩu của SMEs. Thông qua đó, Chương trình hỗ trợ đổi mới và cạnh tranh của Dự án SwissTrade sẽ tạo một động lực mới, quan trọng nhắm tới thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu, tạo đà tăng trưởng và phát triển cho các SMEs tại địa phương; đồng thời góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới và một khu vực tư nhân năng động”.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mai, Bộ Công Thương khẳng định: “Cục cam kết sẽ nỗ lực, phối hợp với các đối tác liên quan, triển khai hiệu quả Hợp phần 3 của dự án. Đặc biệt, Cục sẽ phối hợp với các nhà tư vấn trong và ngoài nước hỗ trợ các đối tác thụ hưởng xây dựng và triển khai các sáng kiến trong khuôn khổ hợp phần theo đúng mục tiêu của dự án”.