Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trần Đề.
Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/8/2023 cũng nêu rõ Sóc Trăng được định hướng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.
Trong kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho rằng, việc tỉnh Sóc Trăng thực hiện nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề có ý nghĩa quan trọng trong việc cùng với Bộ Giao thông vận tải thực hiện công tác quy hoạch tổng thể cảng biển quốc gia; quy hoạch vùng đất, vùng nước tỉnh Sóc Trăng.
Tỉnh Sóc Trăng có thể dựa vào đề án này để xin cơ chế chính sách đặc thù cho việc đầu tư xây dựng, khai thác Cảng biển Trần Đề không chỉ cho tỉnh mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu trình tự, thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án để có cơ sở triển khai các nội dung tiếp theo. Tỉnh Sóc Trăng cần kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng bến cảng.
Cảng Trần Đề có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng khoảng 100.000 DWT (tương đương 100.000 tấn), tàu hàng rời 160.000 DWT. Dự án có nhu cầu vốn ở giai đoạn khởi động khoảng 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn mỗi năm. Cụm cảng Trần Đề sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu trực tiếp tại đồng bằng sông Cửu Long mà không phải chuyển đến Vũng Tàu.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, việc xây dựng bến cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Theo đó, quy mô đầu tư bến cảng ngoài khơi Trần Đề gồm có: cầu cảng dài 5.300 mét; hệ thống kè/đê chắn sóng dài 9.800 mét; cầu vượt biển dài 17,8km…
Đồng thời, sẽ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác bao gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy chữa cháy và các công trình phụ trợ khác đảm bảo hoạt động khai thác cho toàn bộ khu cảng cho từng giai đoạn.
Khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics có tổng diện tích khoảng 4.000ha. Khu này cơ sở hạ tầng bao gồm: san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc để kêu gọi nhà đầu tư thuê cơ sở hạ tầng…
Về phát triển cơ sở kết cấu hạ tầng cảng Trần Đề, tỉnh kiến nghị xin hỗ trợ từ ngân sách trung ương kết hợp xã hội hóa xây dựng một số hạng mục thuộc Bến cảng Trần đề theo các dự án thành phần.
Đồng thời, đề xuất một số cơ chế chính sách hỗ trợ về thủ tục, phát triển nguồn hàng và cơ chế chính sách đối với khai thác cát, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; đề xuất thành lập Khu kinh tế Trần Đề, trong đó có khu công nghiệp, khu chế xuất và khu phi thuế quan tại Khu bến cảng Trần Đề, nhằm mục đích tạo động lực phát triển cho Sóc Trăng trong việc thu hút nhà đầu tư và tạo nguồn hàng cho cảng Trần Đề.
Quy mô dự kiến Khu kinh tế ven biển Trần Đề dọc theo cửa biển Trần Đề và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng khoảng 40.000ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề.
Về logistics, tỉnh kiến nghị xây dựng Khu hậu cần cảng, logistics gắn với dự án cảng biển; có giải pháp phát triển nguồn hàng thông qua thu hút phát triển sản xuất, ưu tiên quỹ đất phát triển khu công nghiệp gần cảng, có chính sách phát triển hoạt động trung chuyển hàng hóa quốc tế; phân luồng hàng hóa giữa Khu bến cảng Trần Đề và các cảng khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và Cái Mép - Thị Vải.