Thông tin tại hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng do Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Sóc Trăng vừa phối hợp tổ chức cho thấy theo quy hoạch, diện tích cảng biển nước sâu Trần Đề khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài khoảng 16km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng 100.000DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000DWT.
Việc xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề còn có ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh của vùng và khu vực; tạo điều kiện thuận lợi cho kết hợp giữa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh...
SỚM HOÀN THIỆN QUY HOẠCH ĐỂ MỜI GỌI NHÀ ĐẦU TƯ
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, tại khu vực ngoài khơi cảng biển Trần Đề, theo cự ly và chi phí vận tải, vùng hấp dẫn trực tiếp bến cảng Trần Đề là 8 tỉnh nam sông Hậu gồm: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Vị trí cảng Trần Đề nằm cửa sông Hậu và tuyến vận tải thủy sông Mekong, cũng sẽ thu hút hàng khu vực Đông Nam Á trung chuyển từ Campuchia.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, Chính phủ đã đưa cảng Trần Đề vào mục tiêu đầu tư phát triển quốc gia. Đây là dự án rất tâm huyết của Chính phủ, Quốc hội để đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, hiện tỉnh Sóc Trăng đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các đại biểu tại hội thảo, đề nghị trong báo cáo cần đưa ra những đề xuất phù hợp, nhất là liên quan đến ưu đãi về thuế, phí.
Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, xem xét kiến nghị đầu tư công dẫn dắt bằng ngân sách nhà nước giống như đã đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng.
Bên cạnh đó, “Bộ Công thương và tỉnh Sóc Trăng quan tâm đến ý tưởng của tư vấn lập quy hoạch trong kết hợp xây dựng các dự án điện gió với dự án cảng biển. Cần có nhà đầu tư nghiên cứu sâu vấn đề này”, Thứ trưởng Sang đề nghị.
Tỉnh Sóc Trăng cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư vào dự án cảng biển nước sâu quốc tế Trần Đề bằng hình thức xã hội hóa. Theo đó, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng được miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất.
HÀNG HOÁ KHÔNG CÒN ĐI ĐƯỜNG VÒNG, CƠ HỘI ĐỂ KHU VỰC BỨT PHÁ
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nguyên Bí thư tỉnh Sóc Trăng, cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long chưa có cảng cửa ngõ. Chính vì vậy, toàn bộ hàng hóa của vùng này muốn xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào vùng phải trung chuyển qua TP.HCM, mỗi một tấn hàng xuất đi phải chịu thêm chi phí khoảng hơn 230.000 đồng.
Theo thống kê, hiện hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP.HCM, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, tạo áp lực lên giao thông đường bộ.
Hơn nữa, cảng biển Trần Đề có nhiều lợi thế hơn so với các cảng khác.
Cùng với hệ thống đường cao tốc, cảng biển Trần Đề sẽ thúc đẩy công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Chính vì vậy, khi xây dựng, những vị trí cách cảng Trần Đề từ 50 - 70km chắc chắn sẽ hình thành các khu, cụm công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Việc thiết kế, xây dựng cần lưu ý các hạng mục để đáp ứng cho tàu 80.000 - 100.000 tấn cập cảng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện để làm rõ hai vấn đề cốt yếu, đó là kết nối và nguồn hàng ổn định cho dự án phát triển cảng Trần Đề. Bên cạnh đó, cần phát triển các nền tảng số và phù hợp với các yêu cầu của hãng tàu, tiếp tục hoàn thiện các chính sách phát triển chuỗi các mặt hàng là điểm mạnh của khu vực…
Đưa ra góp ý phát triển cảng biển Trần Đề, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), cho rằng cần xem xét các quy hoạch cảng và cơ chế giao cho nhà đầu tư khai thác các mỏ vật liệu ở ngoài khơi khu vực cửa biển Trần Đề, tạo quỹ đất phát triển khu, cụm công nghiệp.
Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đầu tư kết nối các tuyến đường bộ, đường thủy đến với cảng Trần Đề, tạo động lực phát triển cho cảng.
Trên cơ sở các ý kiến đề xuất, kiến nghị và giải pháp mà các đại biểu nêu lên tại hội thảo, tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, bổ sung trong quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu dự án đầu tư Cảng biển Trần Đề, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 24/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, nổi bật là việc kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng.
Tổng diện tích quy hoạch cảng Trần Đề là 5.400ha; trong đó, diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400ha; diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ: 4.000ha (giai đoạn 2030: 1.000ha). Chỉ tiêu chính quy hoạch bến cảng Trần Đề, đê chắn sóng 8,3km; cầu dẫn vượt biển 18km; cỡ tàu 100.000DWT hoặc lớn hơn (tương lai đến 200.000 DWT); tàu hàng rời đến 160.000DWT; công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn/năm.
Cảng Trần Đề sẽ kết nối giao thông với đường bộ Quốc lộ 1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B và Quốc lộ 60, cùng các tuyến đường thủy chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia và các hành lang vận tải kết nối từ các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long về sông Hậu ra cửa Trần Đề đảm bảo cho hoạt động đầu tư, khai thác cảng Trần Đề. Các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh - Sóc Trăng, mở rộng Quốc lộ 91B đang chuẩn bị đầu tư, đảm bảo kết nối cảng Trần Đề với các tỉnh, thành.