Sắc đỏ lan rộng trên bảng điện sáng nay khi đến lượt nhà đầu tư trong nước muốn rút khỏi thị trường và tăng dần sức ép lên. Nửa đầu phiên VN-Index còn xanh, nhưng chủ yếu nhờ cổ phiếu trụ nâng đỡ còn độ rộng phản ánh đà giảm giá rất rõ. Nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh quy mô bán ra xuống mức thấp nhất 7 tuần, thậm chí còn quay lại mua ròng nhẹ nhưng không hỗ trợ được tâm lý.
Số lượng cổ phiếu giảm giá là tín hiệu rõ ràng nhất về một trạng thái giao dịch yếu ớt. VN-Index đạt mức cao nhất ngay sau khi mở cửa và khoảng 10h15 vẫn còn tăng hơn 4 điểm nhưng độ rộng rất hẹp với 138 mã tăng/275 mã giảm. Đến khoảng 10h35 khi chỉ số bắt đầu nhào xuống dưới tham chiếu, độ rộng còn 110 mã tăng/318 mã giảm. Rõ ràng là chỉ số không phản ánh hết diễn biến giao dịch cổ phiếu. Chốt phiên, sàn HoSE chỉ có 84 mã tăng/376 mã giảm.
VN-Index giảm nhẹ 4,39 điểm tương đương -0,35% cũng không phản ánh hết thiệt hại của nhà đầu tư. Có tới 41% số cổ phiếu phát sinh giao dịch ở HoSE sáng nay giảm quá 1%. Thanh khoản nhóm giảm sâu này cũng chiếm một nửa tổng khớp của sàn. Điều đó nghĩa là xác suất nhà đầu tư chứng kiến danh mục giảm mạnh là rất cao, bất chấp chỉ số vẫn chỉ lình xình yếu.
Nguyên nhân là VN-Index vẫn còn trụ nâng đỡ. VCB tăng 1,39%, VNM tăng 1,8%, BID tăng 0,98% đang kéo lại khoảng 3,1 điểm. Trong 10 mã vốn hóa hàng đầu, thêm VIC tăng nhẹ 0,21%, VPB tăng 0,26%. Đồng thời số giảm mạnh ở nhóm này chỉ có CTG giảm 1,17%, HPG giảm 1%, TCB giảm 1,39%. VN30-Index đang giảm 0,4% so với tham chiếu, độ rộng 8 mã tăng/21 mã giảm. Chốt phiên sáng, rổ blue-chips cũng mới có 7 mã giảm từ 1% trở lên. Dù vậy biên độ trượt giảm trong phiên lại khá cao, tới một nửa rổ (15 mã) đã bốc hơi tối thiểu 1% so với mức đỉnh đầu ngày.
Diễn biến khá bất ngờ sáng nay là nhà đầu tư nước ngoài giảm hẳn cường độ giao dịch. Tổng giá trị bán ra trên sàn HoSE chỉ còn 763,9 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 7 tuần trở lại đây. Phía mua có 810,5 tỷ, tức là khối này đã mua ròng trở lại dù mức độ không đáng kể, khoảng 46,6 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng chú ý vì liên tục từ ra Tết đến hôm qua, ngày nào khối ngoại cũng bán ròng trong phiên sáng hàng trăm tỷ đồng. Một số mã được mua tốt sáng nay là VNM +84,6 tỷ, DBC +65,9 tỷ, VCB +46,1 tỷ. Phía bán có HPG -85,6 tỷ, VHM -69,8 tỷ, DIG -27,5 tỷ.
Dù khối ngoại giảm áp lực nhưng thị trường vẫn khá yếu. Thực ra giao dịch của nhà đầu tư trong nước mới là sức ép chính, kể cả các phiên khối ngoại xả ròng lớn trước đây cũng không quá 15% tổng giao dịch. Các cổ phiếu giảm sâu sáng nay ít bóng dáng của khối ngoại, ví dụ MWG giảm 1,99% thanh khoản 345,7 tỷ thực ra còn được khối ngoại mua ròng nhẹ. VIX giảm 1,71% với 343,3 tỷ, hầu như chỉ có nhà đầu tư trong nước giao dịch. GEX giảm 2,04% với 341 tỷ, VTP giảm 4,86% với 231,1 tỷ, KBC giảm 2,33% với 221 tỷ, PDR giảm 2,33% với 214 tỷ… cũng không có giao dịch nhiều của khối ngoại.
Trong số 84 mã đi ngược dòng, hầu hết thanh khoản rất nhỏ. Tổng thanh khoản nhóm tăng giá này chỉ chiếm 24% giao dịch sàn HoSE. Nhóm tăng trên 1% có 24 mã và thanh khoản chiếm gần 14%. Một số cổ phiếu đáng chú ý là DBC tăng 266% thanh khoản 422,5 tỷ đồng; VNM tăng 1,8% thanh khoản 337,8 tỷ; NVL tăng 1,45% giao dịch 531,2 tỷ. Ngoài ra lác đác vài mã thanh khoản cỡ vài chục tỷ khác là CMG, CSV, VCB, NTL.
Với độ rộng quá hẹp, phân bổ thanh khoản ở nhóm tăng giá quá ít, đại đa số nhà đầu tư sáng nay chịu thiệt hại. Mức độ giảm giá ở cổ phiếu đang mạnh hơn chỉ số cho thấy quan điểm giao dịch phòng thủ đang là chủ đạo khi nhà đầu tư phải xử lý vị thế cụ thể của mình. Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn cũng đang giam 12% so với sáng hôm qua thể hiện sự thận trọng đang gia tăng trong nhóm bắt đáy, hoặc ít nhất khi chưa xuất hiện đợt hạ giá mạnh đáng kể.