Việc Fed có thể không cắt giảm lãi suất trong tháng 12 tới sau khi đã giảm thêm 0,25% trong tuần vừa qua gây thất vọng cho giới đầu tư. Ở trong nước, áp lực tỷ giá tiếp tục tăng mạnh, khối ngoại duy trì áp lực bán ròng ồ ạt trong phiên hôm nay gây tiêu cực cho tâm lý nhà đầu tư. Vn-Index chìm suốt phiên và bay thêm 13,32 điểm nữa lùi về 1.218 điểm với độ rộng cực kỳ xấu 305 mã giảm chỉ còn lại 75 mã tăng. Trong đó, nhóm vốn hóa lớn tiếp tục bị bán tháo, VN30 giảm tới 15,43 điểm hay 1,2% lùi về sâu 1.271 điểm.
Ngân hàng có số mã giảm trên 1% nhan nhản như BID, CTG, TCB, VPB, MBB. Riêng nhóm này gạt bay 3 điểm của Vn-Index. Nhóm chứng khoán nhiều cổ phiếu rơi về đáy của 3 tháng như SSI, VND, VCI... Bất động sản trong khi nhóm khu công nghiệp như KBC vững vàng trước sóng gió tăng 2,44%, SZC tăng 2,3% thì nhóm nhà ở rớt thảm như NVL, KDH, PDR, NLG.
Nguyên vật liệu trong đó có thép HPG, HSG cũng bay màu do ảnh hưởng lớn nếu ông Trump áp mức thuế quan đồng bộ. Nhóm phân bón sau một thời gian được đánh giá tích cực với Luật thuế VAT sửa đổi hôm nay cũng không trụ nổi mà gục ngã như DCM, DPM, LAS, Hầu hết các nhóm còn lại cũng giảm mạnh như vận tải, công nghệ thông tin, thực phẩm đồ uống, năng lượng.
Áp lực bán tháo ồ ạt điểm sáng là dòng tiền bắt đáy đã nhập cuộc, nhờ đó thanh khoản ba sàn tăng lên 20.700 tỷ đồng trong đó khối ngoại xả ròng 1.315 tỷ đồng chủ yếu bán ra VHM 700 tỷ đồng, SSI 208 tỷ đồng, FPT 337 tỷ đồng. VN-Index chốt tuần đã rơi thủng mức 1220 điểm và có khả năng lớn về tận vùng 1200 điểm, coi như xóa sạch sóng tăng trước đó.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1329.4 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 549.5 tỷ đồng. Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm Bất động sản, Bán lẻ. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: KBC, CTG, VTP, CMG, VRE, DGC, TCH, FRT, GAS, HDG.
Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài là nhóm Công nghệ Thông tin. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: FPT, SSI, VNM, VHM, TCB, HDB, HCM, POW, MSN.
Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 342.4 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 201.5 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 10/18 ngành, chủ yếu là ngành Dịch vụ tài chính. Top mua ròng của nhà đầu tư cá nhân tập trung gồm: SSI, FPT, VNM, VIB, TCB, HPG, VPB, HDB, HSG, HCM.
Phía bán ròng khớp lệnh: họ bán ròng 8/18 ngành chủ yếu là nhóm ngành Bất động sản, Bán lẻ. Top bán ròng có: VHM, KBC, CTG, MWG, DGC, CMG, VRE, FRT, KDH.
Tự doanh mua ròng 249.8 tỷ đồng tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 212.0 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh: Tự doanh mua ròng 9/18 ngành. Nhóm mua ròng mạnh nhất là Công nghệ Thông tin, Bán lẻ. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm nay gồm FPT, ACB, MWG, MBB, REE, HPG, TCB, MSN, STB, CTG. Top bán ròng là nhóm Dịch vụ tài chính. Top cổ phiếu được bán ròng gồm VIB, PC1, SSI, E1VFVN30, GVR, VOS, TPB, LPB, SSB, DBC.
Nhà đầu tư tổ chức trong nước mua ròng 737.2 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 136.1 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh: Tổ chức trong nước bán ròng 6/18 ngành , giá trị lớn nhất là nhóm Ngân hàng Top bán ròng có HSG, TCB, STB, VTP, VPB, MBB, HPG, NKG, ACB, DXG. Giá trị mua ròng lớn nhất là nhóm Bất động sản. Top mua ròng có VHM, FPT, KBC, CTG, BID, FUEVFVND, VJC, DGC, KDH, VCB.
Giao dịch thỏa thuận hôm nay đạt 2.560,6 tỷ đồng, giảm -19,7% so với phiên liền trước và đóng góp 12,4% tổng giá trị giao dịch.
Hôm nay có giao dịch đáng chú ý ở cổ phiếu VHM, với hơn 15,7 triệu đơn vị tương đương 636,3 tỷ đồng được Tổ chức nước ngoài bán thỏa thuận cho Tổ chức trong nước. Ngoài ra còn có giao dịch sang tay hơn 19 triệu đơn vị cổ phiếu ACB (trị giá 500,2 tỷ đồng) giữa các Tổ chức nước ngoài.
Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục giao dịch ở nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng (HDB, LPB, VPB, EIB) và KDC.
Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng ở Bất động sản, Ngân hàng, Chứng khoán, Thực phẩm, Bán lẻ, Thiết bị và dịch vụ dầu khí, Phần mềm trong khi giảm ở Thép, Hóa chất, Nuôi trồng nông & hải sản, Thiết bị điện, Kho bãi, hậu cần và bảo dưỡng, Vận tải thủy, Dệt may, Vật liệu xây dựng & Nội thất.
Tính riêng khớp lệnh, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng ở nhóm vốn hóa lớn VN30, trong khi giảm ở nhóm vốn hóa vừa VNMID và nhỏ VNSML.