Đà tăng vượt đỉnh cuối tuần trước đã không thể tận dụng khi cả thế giới rực lửa trong phiên đầu tuần. Để mất 5,14 điểm, VN-Index đã trượt nhẹ khỏi đỉnh cao lịch sử và áp lực bán từ khối ngoại đột ngột dâng cao.
Phiên cuối tuần trước cả hai quỹ ETF đồng loạt tái cơ cấu, nhưng thanh khoản không có sự gia tăng đột biến. Khối này mua ròng rất tốt ở nhiều mã, nhưng phía bán lại hầu như không thấy. Do đó lực kéo mạnh từ phía mua đã giúp thị trường tăng tích cực.
Tuy nhiên có thể các quỹ ngoại đã không thể mua bán thoải mái được. Đến hôm nay lực bán đột ngột tăng vọt. Sàn HoSE ghi nhận mức bán ròng tới 1098,9 tỷ đồng, với nhiều cổ phiếu bị bán rất lớn cũng nằm trong danh sách tái cơ cấu cuối tuần qua.
Nổi bật là HPG, đã bị xả ròng gần 336 tỷ đồng hôm nay. Điều khó đoán chính là việc khối ngoại vốn xả HPG ròng rã rất nhiều phiên nên không phân biệt được các quỹ ETF xả hay là các giao dịch thông thường. Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài bán ra tổng cộng 7,54 triệu HPG, chiếm 33,3% tổng thanh khoản. HPG có phiên lao dốc giảm 1,73%. Như vậy kể từ sau phiên tăng kịch trần nhờ hiệu ứng điều chỉnh giá tham chiếu hôm 31/5, HPG đã không thể vượt đỉnh cao đó, giá hiện đang thấp hơn đỉnh khoảng 7,75%.
NVL cũng là mã ghi nhận bán ròng rất lớn từ khối ngoại. Cổ phiếu này bị bán gần 3,5 triệu cổ, chiếm trên 66% thanh khoản hôm nay. Tuy vậy dường như khối ngoại lại bán được giá hơn nhiều so với HPG, NVL đóng cửa vẫn tăng mạnh 5,83% so với tham chiếu. Thậm chí NVL trở thành cổ phiếu có ảnh hưởng nhất tới VN-Index, dù vốn hóa còn khá khiêm tốn.
Ngoài NVL và HPG, VNM, GEX, SSI, CTG, VPB cũng ghi nhận mức bán ròng rất lớn, thấp nhất 69 tỷ đồng. SBT, VJC, DXG, POW, KBC đều bị bán trên 30 tỷ đồng. Phía mua có VHM nổi bật, đạt 127,8 tỷ đồng ròng. Điều bất ngờ là các cổ phiếu được bán nhiều nói trên không hẳn nằm trong danh mục bán của các quỹ.
Tổng giá trị bán ròng sàn HoSE lên gần 1.099 tỷ đồng là con số rất lớn, cho thấy việc đảo ngược sang mua ròng ở một vài phiên trong tuần trước chỉ là thay đổi mang tính thời điểm. Các quỹ ETF ngoại mua nhiều hơn bán có thể làm thay đổi số liệu một vài phiên. Tuy nhiên sau đó dòng vốn này dừng lại, nên lực bán từ các nhà đầu tư nước ngoài khác lộ rõ hơn.
Tuần trước giao dịch của khối ngoại lần đầu tiên sau 7 tuần liên tiếp đảo sang mua ròng cổ phiếu sàn HoSE, khoảng 318 tỷ đồng. Tuy nhiên mức bán hôm nay cho thấy thực chất dòng vốn này vẫn đang trong xu hướng rút ra.
Thị trường phiên chiều chịu áp lực rất lớn từ khối ngoại (cuối phiên sáng mới bán ròng 561 tỷ đồng). Tuy nhiên điều tích cực là các blue-chips có dấu hiệu cải thiện giá. VN30-Index chốt phiên giảm 0,2%, gần như không thay đổi so với thời điểm cuối phiên sáng, nhưng độ rộng thì tốt hơn với 10 mã tăng/17 mã giảm. Độ rộng toàn sàn HoSE cũng không xấu hơn, với 173 mã tăng/232 mã giảm. Nói cách khác, thị trường đã duy trì được trạng thái ổn định ở mức giảm nhẹ.
Thanh khoản phiên chiều cũng không gia tăng thêm, cho thấy áp lực bán không đột biến. Thị trường trải qua một nhịp giảm khá nhanh ngay đầu phiên chiều, chỉ số VN-Index giảm sâu nhất 0,72%, nhưng ổn định lại cũng nhanh. Trong bối cảnh chứng khoán thế giới giảm, đây có thể xem là diễn biến tích cực. Tổng giá trị khớp sàn HoSE buổi chiều đạt 7.828 tỷ đồng, giảm 9% so với chiều hôm thứ Sáu và bằng khoảng 62% phiên sáng nay.
Dù vậy thị trường vẫn đang trong trạng thái “mất trụ”. Các mã tăng trong VN30 chỉ có GAS thuộc thuộc Top 10 vốn hóa. Nhóm cổ phiếu lớn hàng đầu giảm mạnh: VCB giảm 1,75%, VHM giảm 0,44%, VNM giảm 1,63%, TCB giảm 1,18%, HPG giảm 1,73%, BID giảm 2,49%, CTG giảm 1,76%... Nhóm tăng mạnh hôm nay hầu hết thuộc các mã đầu cơ thuần túy, như VOS, DLG, TGG, APG, HNG, HHP và không có ảnh hưởng gì tới thị trường.