Thị trường bất ngờ nguội đi rất nhanh, không còn bất kỳ dấu vết nào của phiên chiều đầy hưng phấn hôm qua. Ngay khi bước vào phiên áp lực bán hạ giá đã mạnh lên và suốt thời gian còn lại, những nỗ lực phục hồi đều không rõ rệt. Số mã giảm giá đang nhiều gấp gần 3 lần số tăng thể hiện hoạt động bán lan tràn. Khối ngoại có phiên xả ròng cao kỷ lục từ đầu năm.
Thực ra đầu phiên VN-Index cũng xanh trong vài phút, nhưng qua rất nhanh và độ rông chưa bao giờ tương xứng. Đây là diễn biến bất ngờ vì chiều qua thị trường rất hào hứng, điểm số lẫn giá cổ phiếu đều rất mạnh. Đà tâm lý này đã không thể duy trì qua đêm được và sáng nay bên bán hoàn toàn nắm quyền chủ động.
VN-Index kết phiên sáng đang giảm 11,66 điểm tương đương -1,01% với 127 mã tăng/352 mã giảm. Như vậy chỉ số đã mất gần hết mức tăng hôm qua. VN30-Index giảm 1,38% với duy nhất 4 mã tăng và 25 mã giảm. Midcap giảm 1,21%, Smallcap giảm 0,56%. Như vậy thị trường giảm toàn diện ở các nhóm cổ phiếu khác nhau.
Độ rộng quá hẹp này cho thấy không hẳn thị trường đang bị tác động bởi các trụ. Đúng là VN30 giảm nhiều nhất và các cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất đều thuộc rổ blue-chips này, nhưng các mã khác cũng lao dốc cả loạt. Các trụ dẫn đầu nhóm giảm là VCB giảm 1,25%, VHM giảm 2%, CTG giảm 2,26%, VNM giảm 1,96%, FPT giảm 2,44%... Trong Top 10 vốn hóa của chỉ số, sót lại BID tăng 0,11% và GAS tăng 1,24%.
Khối ngoại xả khoảng 15,6% tổng giá trị giao dịch của rổ VN30, tương ứng rút ròng 308,6 tỷ đồng. Sức ép này cũng không phải là lớn, nhưng cầu có tín hiệu suy yếu ở vùng gần tham chiếu nên khi bên bán tranh thủ lướt sóng, giá chịu áp lực rõ rệt. Tổng thể khối ngoại sáng nay cũng bán ròng tới 670,5 tỷ đồng trên sàn HoSE, mức cao nhất kể từ đầu năm.
Loạt cổ phiếu bị rút vốn rất lớn là STB -68,4 tỷ, GMD -52,5 tỷ, SSI -43,6 tỷ, PLX -41,8 tỷ, CTG -39,5 tỷ, VIX -28,5 tỷ, VND -27,2 tỷ, VIC -26,1 tỷ… Phía mua chỉ có GAS +14,5 tỷ và VCB +10,6 tỷ là đáng kể.
Thực ra khối ngoại xả tổng hợp cũng chưa tới cỡ ngàn tỷ, mới đạt 910,5 tỷ đồng ở HoSE. Trong tuần thứ 2 của tháng 9 đã có những phiên sáng khối này bán ra tới trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên do sáng nay khối ngoại mua quá ít, chỉ gần 240 tỷ nên mức bán ròng lại đột biến. Việc khối ngoại giảm cầu cũng là tín hiệu bất lợi vì nhà đầu tư trong nước có xu hướng giao dịch lướt sóng nhanh.
Mặc dù VN-Index mới chỉ phục hồi hôm qua, nhưng nhiều cổ phiếu được bắt đáy sớm hơn và nhờ phiên tăng mạnh chiều qua, giá đang có lãi tốt trong T+. Điều này kích thích các giao dịch lướt sóng là bình thường. Thậm chí nếu nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu và bắt đáy hôm qua thì cũng có thể bán ngay đầu phiên.
Thanh khoản hai sàn niêm yết phiên sáng giảm nhẹ 2% so với sáng hôm qua, đạt gần 8.062 tỷ đồng. Rõ ràng là nhà đầu tư đã không mua thêm lên cao vì độ rộng thể hiện trạng thái giá giảm áp đảo. Thanh khoản không tăng cũng cho thấy bên bán đang thoát hàng chủ động và cầu chỉ chờ ở giá khá sâu. Trong 352 mã giảm giá ở HoSE, có 150 mã đang giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm hơn 61% tổng giá trị khớp của sàn.
Một thống kê khác cũng cho thấy lực bán áp đảo: HoSE có 18 mã đạt thanh khoản trên 100 tỷ đồng sáng nay thì chỉ 5 mã tăng là MWG, GMD, PVT, NVL và HAH, còn lại toàn giảm. Số giảm có những cổ phiếu lao dốc nặng dưới áp lực thanh khoản cao như STB giảm 3,3% với 583,8 tỷ đồng; SSI giảm 2,42% với 468 tỷ; VND giảm 2,97% với 278,3 tỷ; VIX giảm 4,23% với 234,7 tỷ; DIG giảm 3,33% với 232,5 tỷ… Nếu còn nhớ thì chiều qua nhóm chứng khoán và bất động sản nhiều mã được đầu cơ lên tận giá kịch trần.
Nhóm 127 mã đang tăng ngược dòng có 45 mã tăng trên 1%, trong đó 17 mã thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên. Ngoài MWG, GMD, PVT, HAH kể trên, có thêm DCM tăng 1,38% với 69 tỷ đồng; NTL tăng 4,12% với 59,7 tỷ; FTS tăng 2,49% với 52,1 tỷ; VOS tăng 5,6% với 41,8 tỷ là đáng chú ý.
Sức ép bán ra xuất hiện khá sớm trong phiên sáng hứa hẹn thị trường sẽ nhiều kịch tính trong buổi chiều. Hôm qua thị trường cũng chán nản buổi sáng nhưng sôi động trở lại rất nhanh. Điểm khác là khối ngoại đang bán nhiều, trong khi các phiên trước nâng đỡ tốt. Đến gần thời điểm chốt NAV quý 3, khối ngoại quay lại rút vốn ròng là điều bất ngờ.