November 11, 2024 | 17:47 GMT+7

Khơi thông “điểm nghẽn” hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA

Song Hà -

Trong khi doanh nghiệp FDI tận dụng tốt các FTA thì các doanh nghiệp nội lại tận dụng tương đối hạn chế, khiến tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào các thị trường FTA còn khiêm tốn...

Hỗ trợ doanh nghiệp thuỷ sản tận dụng được FTA trong xuất khẩu.
Hỗ trợ doanh nghiệp thuỷ sản tận dụng được FTA trong xuất khẩu.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Trong kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới của Bộ Công Thương, một trong những cấu phần quan trọng đó là xây dựng các chương trình hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, kết nối với các doanh nghiệp FDI, tiếp cận công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ về quản trị, tín dụng…

THÁCH THỨC TIẾP CẬN CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ

Tuy nhiên, việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ lại là thách thức lớn với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình thực thi các Hiệp định: CPTPP, EVFTA và UKVFTA đã chỉ ra những điểm hạn chế trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các FTA.

Theo báo cáo, mặc dù các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực vẫn được triển khai tại các địa phương, nhưng phần lớn các hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của tỉnh, không phải dành riêng cho việc thực thi FTA nào đó. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa có điều kiện tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng có thế mạnh của tỉnh và có cơ hội tiếp cận từ thị trường các FTA.

Cùng với đó, các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan với các ngân hàng thương mại nhằm tạo nguồn tài chính phù hợp, riêng cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ FTA chưa hiệu quả.

Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin cũng như kết nối thương mại tại các thị trường EVFTA, CPTPP và UKVFTA dù được đẩy mạnh nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều thách thức lớn khi đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế. Nhà nước thiết kế rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đến khi triển khai trong thực tế lại vướng bởi nhiều lý do.

Đơn cử như tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% quy trình thủ tục quá phức tạp. Doanh nghiệp vay được về phải phân tách ra, độc lập với nguồn vốn doanh nghiệp và số tiền vay này chỉ hỗ trợ cho các nội dung của gói 2% mà không được làm việc khác. Trong khi hạch toán riêng đòi hỏi có cả một bộ máy kế toán… khiến doanh nghiệp mệt mỏi, không mặn mà.

Từ các FTA cũng có nhiều thách thức. Khi thuế giảm về 0% hoặc ở mức rất thấp, các nước sẽ áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn cao với hàng xuất khẩu, nhiều rào cản kỹ thuật. Với thị trường EU, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, sản phẩm nông nghiệp xuất sang EU kiểm tra đến 30 chỉ tiêu về dư lượng kháng sinh. 30 chỉ tiêu này để đáp ứng được phải từ nguyên liệu, đất canh tác…

“Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu, đầu tiên chúng ta phải có kiến thức là nhà mua yêu cầu gì, đưa cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch, phải ứng dụng chuyển đổi số để theo dõi sự tăng trưởng của cây trồng hay của vật nuôi theo dõi hàng ngày. Thậm chí, để đáp ứng tiêu chuẩn bền vững còn phải gửi cho họ báo cáo 30 ngày trong một tháng,… tức là yêu cầu của khách hàng cao đến mức các doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng vô cùng khó khăn”, bà Thủy nêu thực tế.

Đồng quan điểm, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, thừa nhận thách thức đầu tiên trong các chương trình hỗ trợ đó là tiền. “Những hỗ trợ bằng tiền hiện nay của chúng ta không phải là quá nhiều và  còn tản mác, chưa nhất quán được với nhau. Do đó, cần thống nhất được các nguồn lực còn đang tương đối hạn chế để trở thành một nguồn lực thống nhất nhằm tận dụng hiệu quả hơn”, ông Khanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hỗ trợ nhưng phải đảm bảo phù hợp với các cam kết, phải nhất quán từ Trung ương xuống địa phương. Bởi vì thực tế cho thấy nhiều địa phương hỗ trợ rất đa dạng, nhưng các biện pháp hỗ trợ cần không bị trùng lắp, không bị chồng chéo và phải kết hợp được với nhau. Trung ương phải kết hợp với địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp.

PHẢI THAY ĐỔI TƯ DUY, TIẾP CẬN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ các thị trường FTA, các ý kiến đều cho rằng cần có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những thị trường này một cách bài bản. Đại diện Bộ Công Thương cho rằng đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ về một chương trình hỗ trợ dành riêng cho các FTA, thậm chí xây dựng chi tiết cho từng hiệp định. Hỗ trợ theo từng hiệp định sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được các nguồn lực.

Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng một hệ sinh thái tận dụng FTA. Tư duy của hệ sinh thái này chính là kết nối tất cả các chủ thể có liên quan từ chuỗi giá trị.

Ví dụ như ngành thủy sản, kết nối từ người nông dân nuôi trồng thủy sản đến các công ty thu mua, công ty chế biến, các tổ chức tín dụng, logistics, kết nối với địa phương, với bộ ngành. Hệ sinh thái này sẽ tập trung trước mắt vào 6 ngành: dệt may; da giày; thủy sản; cà phê; quế và điều, với mục tiêu tận dụng tối đa sức mạnh của các chủ thể, từ đó có định hướng trọng tâm để tận dụng tối đa các FTA.

“Hệ sinh thái dự kiến tháng 9/2025 đi vào cuộc sống. Chúng tôi rất kỳ vọng nếu thành công, thì những vướng mắc của doanh nghiệp phần nào được giải quyết. Hệ sinh thái được ban hành sẽ có được sự tập trung nguồn lực từ các bộ và từ Hiệp hội, tạo sự cộng sinh trong hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Khanh chia sẻ.

Theo bà Thủy, cần phải có một chương trình chuyên sâu hơn, ngoài xúc tiến thương mại, hỗ trợ nâng cấp thông thường thì phải có riêng một gói cho các doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu để đáp ứng được, tận dụng được yêu cầu của FTA. Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp với các hiệp hội để bàn bạc, thống nhất đưa những chính sách hỗ trợ vào gói này, khi đó chúng ta sẽ phát huy được những ưu thế, cơ hội của FTA.

Với các doanh nghiệp, bà Thủy khuyến nghị cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu về các thị trường, chủ động nắm bắt các yêu cầu của thị trường  để đến khi Chính phủ có những chương trình hỗ trợ, doanh nghiệp phải quan tâm. “Đã có nhiều thông tin, kiến thức cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ qua các cuộc hội thảo, tập huấn nhưng chủ doanh nghiệp không có thời gian để tham gia, nếu như vậy không bao giờ có kết quả. Bởi muốn thay đổi, người lãnh đạo phải là người quyết định đầu tiên và quyết định ngay”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2024 phát hành ngày 11/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Khơi thông “điểm nghẽn” hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate