Bộ Giao thông vận tải vừa có Văn bản số 10109/BGTVT-CQLXD gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận trả lời kiến nghị của cử tri về việc sớm hoàn thành và đưa đường dân sinh (ở hai bên đường cao tốc) cũng như các đường dẫn vào cao tốc vào hoạt động để người dân thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa.
TĂNG TỐC THI CÔNG, SỚM HOÀN THÀNH ĐƯỜNG GOM
Trả lời kiến nghị của cứ tri tỉnh Bình Thuận, Bộ Giao thông vận tải cho biết: Các dự án cao tốc thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã được Bộ Giao thông vận tải khởi công từ cuối năm 2020; ngay sau khi triển khai, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tổ chức thi công, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các dự án đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như công tác giải phóng mặt bằng còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu; dịch bệnh Covid-19 kéo dài; giá cả vật liệu tăng đột biến, ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của các nhà thầu; các dự án triển khai đồng loạt dẫn đến thiếu hụt nguồn đất đắp, mặc dù Chính phủ đã ban hành các nghị quyết để tháo gỡ, nhưng thủ tục cấp phép và gia hạn thời gian khai thác mỏ đất còn kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện (đến tháng 11/2022 mỏ đất cuối cùng mới có thể khai thác, đầu tháng 4/2023 mới hoàn tất thủ tục gia hạn thời gian khai thác).
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, để hoàn thành các hạng mục chính đưa dự án vào khai thác theo đúng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực, tập trung hoàn thành các hạng mục như: thảm bê tông nhựa mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, các cầu vượt ngang, đường gom dân sinh tại các đoạn đông dân cư,... và đã đưa tuyến chính của dự án vào khai thác dịp 30/4/2023 (tuyến Phan Thiết – Dầu Giây) và 19/5/2023 (tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết), phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, giảm áp lực giao thông, đặc biệt là các dịp nghỉ lễ, đáp ứng nhu cầu lưu thông của các phương tiện.
Riêng các hạng mục đường đầu cầu vượt ngang, đường gom, một số nút giao, chưa thể hoàn thành đồng bộ với tuyến chính do thiếu vật liệu đắp như đã nói trên. Sau khi đưa các hạng mục chính (tuyến chính) vào khai thác, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương tổ chức thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành bàn giao toàn bộ dự án. Đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu đã triển khai thực hiện hoàn thành phần lớn khối lượng công việc chính.
Đối với các hạng mục mới bổ sung (đường gom, hệ thống thoát nước, ...) theo kiến nghị của địa phương, để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu đi lại và sinh hoạt của người dân, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, rà soát, xác định phạm vi thực hiện, lập và phê duyệt hồ sơ thiết kế, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng từng phân đoạn cho chính quyền địa phương và sẽ tổ chức thi công ngay sau khi địa phương bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc tổ chức triển khai, đảm bảo kết nối đồng bộ khi đưa các dự án vào khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại và hoạt động sản xuất của người dân.
KHƠI THÔNG LÒNG SÔNG PHAN CHỐNG NGẬP CAO TỐC
Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản thống nhất phương án triển khai thanh thải lòng sông Phan nhằm hạn chế ngập lụt trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Trước đó, Ban quản lý Dự án Thăng Long (Ban Thăng Long), chủ đầu tư đã đề xuất phương án khơi đào lòng sông Phan, đoạn từ hạ lưu cống Km25+416 đến hạ lưu cầu Sông Phan tại Km24+348 trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (đoạn gây ngập nước vào cuối tháng 7 vừa qua). Vị trí khơi đào lòng sông Phan có chiều dài khoảng 1,5 km, chiều rộng lòng sông tính từ hai bên bờ là khoảng 25 m.
Hiện trạng trên toàn tuyến dự kiến khơi đào: Có 7 cù lao nhỏ nằm giữa sông; trên các cù lao có nhiều cây tre, cây le và cây lùm bụi mọc um tùm; hai ven bờ sông Phan có nhiều cây tre, le và cây tạp làm ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của sông.
Chính quyền huyện Hàm Thuận Nam yêu cầu chủ đầu tư trong quá trình triển khai dọn dẹp, khơi lòng sông không được tác động làm sạt lở hai bên bờ sông gây ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Quá trình thi công phải tuân thủ các quy định pháp luật.
Trước đó, vào đêm 29/7/2023, mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng ngập nước một đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tại vị trí Km25+369 - Km25+469 thuộc địa bàn xã Sông Phan, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận). Đoạn ngập sâu lên đến cả mét xảy ra tại Km 25+419 cách nút giao quốc lộ 55 khoảng 2 km. Sự cố đã gây tắc nghẽn giao thông trên tuyến cao tốc kéo dài đến trưa hôm sau 30/7.
Nguyên nhân bước đầu được chủ đầu tư đưa ra là do mưa lớn kéo dài từ chiều 29/7, nước từ hạ lưu không thoát kịp, chảy ngược lại phía thượng lưu, tràn ra đường cao tốc gây ngập cục bộ, làm cho xe cộ không lưu thông được ở cả hai chiều.
Sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã cử đoàn công tác vào trực tiếp kiểm tra và công bố kết quả đánh giá. Theo đó, tại thời điểm xảy ra ngập, dù lượng mưa chưa đạt tới tần suất tính toán nhưng cao độ đã lên đến 45,23 m. Đây là yếu tố bất thường cần phải nghiên cứu, làm rõ. Lòng sông Phan và suối có hệ thực vật xâm lấn, bồi lắng làm thu hẹp dòng chảy, gây dềnh ứ nước cục bộ, dẫn đến mực nước tại khu vực cống dâng cao, gây ra ngập đường.
Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định không đánh đổi chất lượng công trình vì bất cứ lý do gì; đồng thời sẽ xử lý nghiêm các chủ thể liên quan nếu để xảy ra các tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng theo đúng hợp đồng đã ký kết.