August 14, 2023 | 13:56 GMT+7

Không bổ sung nước khoáng và nước thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của dự luật

Vy Vy -

Sáng 14/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi)...

Toàn cảnh Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đồng thời, thống nhất không bổ sung nước khoáng và nước thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của dự luật,...

Tại Phiên họp, trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo tóm tắt 07 vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG 7 ĐIỀU MỚI, BỎ 4 ĐIỀU, SỬA ĐỔI 74 ĐIỀU VÀ TĂNG 3 ĐIỀU

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa 15, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có 98 lượt đại biểu quốc hội phát biểu tại tổ, với 439 ý kiến góp ý và 23 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường, với 112 ý kiến góp ý. Trên cơ sở này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác hoàn thiện dự thảo luật, tiếp thu giải trình cơ bản các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Đồng thời, các ý kiến cũng tán thành nhiều nội dung đã được chỉnh sửa, bổ sung tại dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. 

Liên quan đến quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ tán thành không bổ sung nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh luật này như các lý do được nêu tại báo cáo giải trình, tiếp thu.

Đối với các nội dung khác, về đăng ký cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, quy định đối với nước ngầm cần cân nhắc quy định chặt chẽ.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định về tổ chức lưu vực sông là điều mới, tuy nhiên,  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, không cần quy định vào dự thảo luật. Bởi vì, nội dung này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ theo như quy định Luật Tổ chức Chính phủ.

Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 Chương, 86 Điều, bổ sung 07 điều mới, bỏ 04 điều, sửa đổi 75 điều, tăng 03 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Tán thành việc không điều chỉnh nước khoáng và nước nóng thiên nhiên tại dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lý giải, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao (điều kiện khai thác, cấp quyền khai thác, giá trị khai thác, sử dụng…). Bên cạnh đó, hiện nay loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản và cho đến nay chưa có vướng mắc, bất cập gì. Do đó, không nên bổ sung 02 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật là hoàn toàn phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Liên quan đến dữ liệu về quản lý tài nguyên nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đây là nền tảng cơ bản để các cơ quan quản lý và người dân chọn mô hình sử dụng hợp lý,… Các thông tin dữ liệu phải dựa trên các nghiên cứu khoa học và hiện trạng tài nguyên nước. Từ việc phân tích hạn chế của cơ sở dữ liệu này hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cần có dữ liệu thống nhất từ trung ương tới địa phương, tránh phân tán ở các bộ ngành địa phương. Do đó, luật để đảm bảo tính khả thi cũng cần có quy định cụ thể hơn về cách thức kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước…

TRÁNH LỢI ÍCH NHÓM TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT, HẠN CHẾ “XIN - CHO”

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác nghiên cứu tiếp thu của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo; đồng thời đề nghị rà soát lại các điều khoản quy định chi tiết để luật hóa tối đa trong dự thảo luật tránh tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, hạn chế “xin - cho”;…

Nhấn mạnh, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu rõ quan điểm rất lớn “phải kinh tế hóa” ngành tài nguyên môi trường, nhưng trong thực tế chưa triển khai được hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong dự luật phải bám sát cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong quản lý sử dụng tài nguyên nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu rõ quan điểm rất lớn “phải kinh tế hóa” ngành tài nguyên môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu rõ quan điểm rất lớn “phải kinh tế hóa” ngành tài nguyên môi trường.

Về phạm vi điều chỉnh, thống nhất dự luật này không điều chỉnh nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vì tính chất giá trị cao hơn và đã được điều chỉnh ổn định trong Luật khoáng sản, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, sau khi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc  hội chuyên trách, nếu thống nhất cao chỉ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 là 01 phương án.

Ngoài ra, đối với các nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: Cần bổ sung thêm khái niệm nước mặn, Cân nhắc lại tên tại Điều 3 để đảm bảo tính tính bao trùm; Không nên quy định tại dự thảo Điều 5 về phổ biến giáo dục pháp luật; Các hành vi bị nghiêm cấm đề nghị nêu cụ thể các quy hoạch khác có liên quan;…

Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý, nên chăng tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí để quản lý để hậu kiểm, để các đối tượng tự giác thực hiện; quy định rõ việc lấy đối tượng trong quy hoạch tài nguyên nước; quy định rõ hơn cơ chế điều chỉnh ngân sách; bổ sung 1 điều mang tính nguyên tắc bảo vệ nước mặn; vấn đề nước sạch nông thôn;…

Cho rằng, quá trình giải trình, tiếp thu đã được thực hiện tốt, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để đảm bảo các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 6 trước khi Quốc hội xem xét thông qua sẽ đạt chất lượng cao nhất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate