February 17, 2025 | 10:44 GMT+7

Không có lý do để Việt Nam không có chỗ đứng trong cuộc đua AI

Ngô Huyền -

Trí tuệ nhân tạo, xu hướng công nghệ toàn cầu, mà các doanh nghiệp Việt Nam không nằm ngoài cuộc chơi và đang đặt nhiều kỳ vọng. Trong làn sóng công nghệ này, công nghệ Việt Nam đã có tên tuổi trên bản đồ thế giới...

Trong cuộc trao đổi độc quyền với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy trước thềm Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Toàn cầu (Vietnam Global Innovation Connect – VGIC 2025), TS. Vương Bá Quý, cựu quản lý công nghệ và sản phẩm tại Meta và Google, hiện là nhà sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc kỹ thuật Innosearch AI—nền tảng LLM tiên tiến hiện đã có mặt tại Mỹ, Canada, Anh và Australia, cho rằng con đường phát triển AI của Việt Nam đầy lạc quan và xán lạn.

Theo ông, Việt Nam đang bắt nhịp ra sao với các xu hướng công nghệ toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực AI như thế nào? Và Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ phát triển AI so với khu vực và thế giới?

Dễ thấy nhất là lĩnh vực AI đã phát triển rất nhanh, đặc biệt trong hai năm gần đây kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT. Trên thế giới, Mỹ vẫn giữ vai trò tiên phong và dẫn đầu trong phát triển AI. Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc đã cho thấy sự bắt nhịp cực nhanh, minh chứng rõ ràng nhất là sự ra đời của mô hình DeepSeek. Các nước còn lại thì hầu hết vẫn đang đi sau trong cuộc đua này.

TS. Vương Bá Quý, nhà sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc kỹ thuật Innosearch AI: "Riêng Việt Nam, thực ra công nghệ nước ta vốn đã có tên tuổi trên bản đồ thế giới".
TS. Vương Bá Quý, nhà sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc kỹ thuật Innosearch AI: "Riêng Việt Nam, thực ra công nghệ nước ta vốn đã có tên tuổi trên bản đồ thế giới".

Hiện tại, dù Việt Nam chưa có một sản phẩm AI nào thực sự tạo được tiếng vang toàn cầu, nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể làm được. Với nguồn lực dồi dào, sự năng động của các doanh nghiệp và đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, tôi tin rằng không sớm thì muộn, AI Việt Nam sẽ bắt kịp xu hướng và trở thành một ngôi sao sáng.

Vậy theo ông, vì sao đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có sản phẩm AI tạo tiếng vang hay nổi bật? 

Lý do quan trọng có lẽ lĩnh vực AI còn rất mới tại Việt Nam, trong khi tốc độ phát triển của nó lại vô cùng nhanh. Có thể chỉ trong vài tháng mọi thứ đã thay đổi. Thế thì trong một môi trường còn nhiều điều chưa được định hình như vậy, có lẽ chúng ta chưa thể xác định rõ điều mình cần làm. 

Tuy nhiên, đây không phải là thách thức của riêng Việt Nam. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang trong giai đoạn khám phá và học hỏi, trước khi có thể tạo ra những bước đột phá thực sự trong AI.

Gần đây, sự xuất hiện của mô hình AI "giá cực rẻ" từ DeepSeek đã gây chấn động giới công nghệ. Dù vẫn còn tranh cãi về chi phí đầu tư, theo ông, đây có phải là một tín hiệu tích cực đối với lĩnh vực AI của Việt Nam không?

Thực ra tôi khá kinh ngạc về mô hình của DeepSeek. Từ trước đến giờ, nhiều người vẫn cho rằng để xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn, thứ nhất phải có dữ liệu lớn, thứ hai chi phí đầu tư cực kỳ khổng lồ - hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD. Thế nhưng, rõ ràng sự thành công của DeepSeek đã chứng minh rằng cả hai giả thuyết này đều sai dù vẫn còn nhiều tranh cãi về cách họ thực hiện và chi phí thực sự. Việc một công ty Trung Quốc, chịu nhiều lệnh cấm vận từ Mỹ, vẫn có thể phát triển được một mô hình AI tiên tiến là một kỳ tích.

 

AI rõ ràng là một lĩnh vực tiềm năng mà ngay cả những quốc gia bị coi là đi sau, như Việt Nam, vẫn có thể vươn lên và cạnh tranh sòng phẳng trên bản đồ công nghệ thế giới.

Điều này chứng tỏ rằng thứ nhất không chỉ Mỹ, mà bất kỳ quốc gia nào cũng có thể xây dựng các mô hình AI tiên tiến nếu có chiến lược đúng đắn. Thứ hai, không cần chi phí đầu tư quá khủng khiếp vẫn có thể đạt đào tạo được mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến. 

Do vậy, không có lý do gì mà Việt Nam không thể bứt phá tương tự. Chúng ta có nguồn nhân lực tài năng, trong khi rào cản về tài chính cũng không còn quá lớn như trước.

DeepSeek tạo được tiếng vang là nhờ phát triển thành công mô hình LLM, vậy hướng đi này có phù hợp với Việt Nam hay không? Hay chúng ta nên chọn một lối đi khác?

Đúng là AI có rất nhiều hướng phát triển, câu hỏi Việt Nam có nên đốt tiền để xây dựng các mô hình nền tảng hay không? Đây là bài toán kinh tế, không phải bài toán kỹ thuật. Xét về năng lực kỹ thuật, chắc chắn chúng ta có thể làm được. Tuy nhiên, cũng phải tính toán việc bỏ ra một nguồn vốn lớn để đầu tư đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn như thế, thì giá trị thặng dư có được là bao nhiêu?

Điều quan trọng là AI phải có khả năng ứng dụng vào các sản phẩm thực tế, tạo ra giá trị cho người dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu giá trị kinh tế thu về lớn hơn khoản đầu tư, thì chắc chắn việc đầu tư là hợp lý. Tuy nhiên, với dân số 100 triệu và quy mô kinh tế hiện tại của Việt Nam, tôi cho rằng đi sâu vào phát triển mô hình nền tảng không phải là hướng đi tối ưu. Thay vào đó, chúng ta có thể tận dụng những mô hình ngôn ngữ lớn mà thế giới đã xây dựng để tạo ra các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng và lợi ích kinh tế thực sự.

Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực kinh tế có thể ứng dụng AI để tạo ra những sản phẩm thiết thực, không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Thay vì chạy đua trong cuộc chơi tiêu tốn tài nguyên, tận dụng lợi thế sẵn có và tập trung vào giá trị ứng dụng mới là con đường thông minh và bền vững. 

Vậy dưới góc nhìn của một chuyên gia trong ngành và đang làm việc tại thị trường AI phát triển nhất thế giới, ông đánh giá như thế nào về năng lực của các doanh nghiệp AI của Việt Nam? 

Theo kinh nghiệm làm việc của tôi với các doanh nghiệp AI Việt Nam, điều đầu tiên phải khẳng định là chất lượng nguồn nhân lực rất tốt. Các kỹ sư Việt Nam không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có tư duy linh hoạt, sáng tạo. Đặc biệt, chi phí nhân lực tại Việt Nam vẫn ở mức cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

 

Nếu cách đây 10-15 năm, khi nhắc đến nguồn nhân lực công nghệ phần mềm, thế giới chủ yếu nghĩ đến Ấn Độ, Bắc Mỹ hay châu Âu, thì hiện tại, Đông Nam Á có một điểm sáng chính là Việt Nam. 

Các startup AI Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng phát triển những sản phẩm AI có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, có lẽ AI vẫn là một lĩnh vực khá mới tại Việt Nam, dẫn đến việc nguồn nhân lực chuyên sâu về AI chưa nhiều. Các doanh nghiệp trong nước vẫn đang trong giai đoạn khám phá và học hỏi trước khi thực sự tạo ra những sản phẩm đột phá. Dù vậy, với tốc độ phát triển hiện tại, tôi tin rằng thời điểm Việt Nam chứng tỏ vị thế của mình trong lĩnh vực AI sẽ không còn xa.

Từ kinh nghiệm thực tế của mình, với các doanh nghiệp AI Việt Nam, theo ông đâu là hướng đi phù hợp?

Theo tôi, các doanh nghiệp AI Việt Nam hãy tập trung vào việc giải quyết bài toán thực tế, thay vì xây dựng công nghệ rồi mới đi tìm bài toán để ứng dụng. Việc xác định vấn đề cần giải quyết, từ đó phát triển giải pháp phù hợp mới là giá trị cốt lõi của công nghệ. Có rất nhiều bài toán trước đây không thể giải do hạn chế về công nghệ, nhưng với những bước tiến của AI hiện tại, những thách thức cũ nay lại đơn giản hơn bao giờ hết.

Muốn làm công nghệ, phải kết nối và học hỏi. Thế nên các doanh nghiệp hãy đi thật nhiều, kết nối thật nhiều, đừng chỉ ngồi một chỗ tự nghiên cứu, hãy ra ngoài, khám phá xem các công ty trên thế giới đang làm gì, cách họ giải quyết bài toán ra sao. Đôi khi, một vấn đề mà Việt Nam đang loay hoay có thể đã được giải quyết hiệu quả ở Mỹ, Pháp hay một quốc gia khác. Vậy mình hãy học hỏi từ họ, áp dụng công nghệ phù hợp để tạo ra giải pháp cho riêng Việt Nam.

Thực ra, Việt Nam cũng đang có rất nhiều vấn đề cần công nghệ AI để giải quyết. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể làm được, nhưng họ sẽ không giúp chúng ta. Khi mà còn nhiều bài toán bỏ ngỏ như vậy, sẽ cần các doanh nghiệp của Việt Nam quan sát nhiều hơn để xây dựng những giải pháp phù hợp. Chỉ khi làm những điều chưa ai làm một cách xuất sắc, chúng ta mới có thể trưởng thành và khẳng định vị thế của mình. 

Doanh nghiệp Việt Nam thường lo ngại về năng lực của mình. Đây cũng chính là một trong những rào cản lớn khiến chúng ta e dè khi đặt ra những mục tiêu tham vọng. 

Đừng lo lắng nếu vươn ra các thị trường rộng lớn hơn như Mỹ, châu Âu, thì mình sẽ không cạnh tranh được, cứ suy nghĩ thật lớn và suy nghĩ thật rộng, luôn có cơ hội cho chúng ta. 

Bên cạnh nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, theo ông, nên tạo ra một môi trường như thế nào để các doanh nghiệp AI có thể thuận lợi phát triển? 

Mỹ đang đi đầu về AI là điều không thể bàn cãi. Một phần nguyên nhân vì đây là một thị trường cởi mở, việc đăng ký thủ tục thành lập một doanh nghiệp hay là kinh doanh tại Mỹ rất dễ dàng. Thế nên tôi nghĩ thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam cũng nên được đơn giản hóa tối đa, thì câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ còn nhiều hơn. Bởi nếu có một ý tưởng hay nhưng ngay từ những bước đầu thực hiện đã có nhiều rào cản, thì khó để làm cái gì đó bứt phá. 

Tuy nhiên, khi một doanh nghiệp phát triển đến quy mô đủ lớn và có tầm ảnh hưởng rộng rãi, việc vận hành cần có sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tác động của họ là tích cực. Quy định chặt chẽ là điều vô cùng cần thiết nhưng cũng cần có một hành lang pháp lý thông thoáng, giúp khởi nghiệp hay thử nghiệm những ý tưởng mới được dễ dàng. 

 

Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Toàn cầu (Vietnam Global Innovation Connect – VGIC 2025) sẽ diễn ra từ ngày 20 - 22/2/2025 tại Singapore. 

Diễn đàn sẽ quy tụ TOP 100 INNOVATORS, những người Việt và gốc Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo đến từ gần 20 quốc gia (như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ và Singapore). Diễn đàn còn hân hạnh đón tiếp nhiều giáo sư, giảng viên đến từ các trường đại học danh tiếng, các chuyên gia, nhà quản lý cấp cao đến từ Google - một công ty công nghệ hàng đầu thế giới và từ nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác.

VGIC 2025 sẽ thảo luận về 3 lĩnh vực then chốt có tính chiến lược và cấp thiết đối với Việt Nam: Công nghệ bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Công nghệ tài chính (Fintech).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate