Trong thế giới của các tập đoàn xa xỉ thống trị, không có động thái nào là không được chú ý, đặc biệt khi nói đến xung đột cạnh tranh. Điều này càng đúng hơn với những tên tuổi lớn nhất trong ngành, chẳng hạn như việc tập đoàn LVMH đang bị đồn thổi về việc tiếp quản đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình, Richemont.
Ban đầu được tờ báo Thụy Sĩ Finanz und Wirtschaft đưa tin, trích dẫn các nguồn tin “không thể tiết lộ”, tập đoàn cao cấp của tỷ phú Bernard Arnault được cho là đã để mắt tới Cartier, đặc biệt là một thương hiệu trang sức do Parisienne thành lập, thuộc sở hữu của Richemont. Nhưng sau đó tin đồn này lại biến hóa thành LVMH muốn sở hữu chính Richemont.
Hiện nay, thế giới có các tập đoàn thời trang xa xỉ gồm LVMH (sở hữu Céline, Fendi, Dior, Givenchy, Louis Vuitton và Moët Hennessy), Kering (sở hữu Gucci, Saint Laurent, Balenciaga và Bottega Veneta), Prada (có Prada và Miu Miu), Richemont (chủ yếu sở hữu các thương hiệu đồng hồ và trang sức như Cartier, Piaget, Van Cleef & Arpels), Luxottica (sở hữu các thương hiệu mắt kính Sunglass Hut, Ray-Ban và Oakley), Swatch (sở hữu các thương hiệu đồng hồ Swatch, Longines, Omega và Tissot)…
Nếu tin đồn là thật, điều này có thể biến LVMH thành một cường quốc về phụ kiện. LVMH hiện đã có Tiffany, Tiffany và Cartier có thể bổ sung cho nhau và đưa tập đoàn lên vị thế hàng đầu của lĩnh vực trang sức cao cấp. Việc tiếp quản cũng sẽ củng cố đáng kể bộ phận chế tác đồng hồ của nhà LVMH, nó có thể hoạt động như Jaeger-LeCoultre và Panerai, cùng với các thương hiệu trong danh mục đầu tư như TAG Heuer và Hublot.
Một số người cho rằng tin đồn tập đoàn LVMH muốn mua lại Richemont là đáng tin cậy. Vì tuy tập đoàn LVMH được xem là hùng mạnh nhất địa hạt xa xỉ phẩm ở thời điểm hiện tại, các thương hiệu của họ nghiêng về thời trang và ẩm thực, còn yếu ở phân khúc trang sức và đồng hồ. Việc thu mua các thương hiệu kim hoàn – nhất là những thương hiệu đã có địa vị như Cartier, Piaget của Richemont – sẽ giúp LVMH củng cố sự kiểm soát ở thị trường này.
Theo nhật báo tài chính Bloomberg, ngày 17/1 vừa qua, cổ phiếu LVMH đã tăng lên mức cao kỷ lục, lần đầu tiên mang lại cho tập đoàn chủ quản mức vốn hóa thị trường vượt ngưỡng 424.2 tỷ đô la Mỹ. Điều này củng cố vị thế của tập đoàn với tư cách là công ty có giá trị nhất châu Âu, sau lần đầu tiên giành được danh hiệu này vào năm 2021 sau khi vượt qua Nestle. Trong khi đó, Richemont với mức vốn hóa thị trường là 83 tỷ USD.
“Họ hoàn toàn có đủ khả năng tài chính để sở hữu Richemont. Nếu mua lại Richemont, thậm chí là chi 30% cao hơn giá cổ phiếu Richemont hiện tại, họ sẽ tiêu tốn khoảng 116 tỷ đô la Mỹ”, tờ Bloomberg ước tính.
Trong báo cáo tài chính quý 4/2022 hôm tháng Hai vừa qua, tập đoàn LVMH báo cáo rằng tổng mức độ tăng trưởng đạt 9%. Đây là lần đầu tiên mức độ tăng trưởng giảm dưới hai con số kể từ 2020. Dẫu vậy, ông Bernard Arnault tỏ ra rất tự tin: “Trung Quốc sắp mở cửa lại. Với đà này, năm 2023 sẽ là một năm thịnh vượng”. Việc mua lại những thương hiệu khác cũng sẽ giúp đẩy mạnh độ tăng trưởng như mong muốn.
Trong khi đó, Richemont vừa phải bán lỗ khoản đầu tư vào YOOX – tập đoàn mẹ của trang web bán hàng xa xỉ Net-a-porter – cho đối thủ cạnh tranh là Farfetch và công ty đầu tư Trung Đông Symphony Global. Bên cạnh đó, doanh thu của Richemont dịp quý 4 năm rồi lại giảm gần 1/4 vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Do đó các nhà đầu tư có bằng chứng để tin tưởng rằng cả hai tập đoàn LVMH và Richemont đều sẽ được lợi nếu đến với nhau.
Một số khác lại cho rằng đây là tin đồn thất thiệt. Richemont do doanh nhân Johann Rupert thành lập năm 1988 và hiện vẫn do gia đình nắm quyền điều hành. Nhiều nhà đầu tư đã tìm cách thâm nhập để thay đổi hội đồng ban quản trị nhưng đều bị ông ngăn cản. Thay vào đó, ông cho củng cố cổ phần của mình trong tập đoàn, bổ sung Anton, một trong ba người con của ông, vào hội đồng quản trị để đảm bảo lợi ích lâu dài.
Ngoài ra, cũng có rất ít bằng chứng cho thấy Richemont có thể muốn bán đi chỉ một thương hiệu, ví dụ như Cartier. Bộ phận trang sức, bao gồm Cartier, chiếm phần lớn tổng doanh thu của công ty mẹ và hoạt động ổn định, tăng trưởng 8% trong khoảng thời gian ba tháng tính đến ngày 31/12/2022. Việc bán đi một thương hiệu đang sinh lời sẽ khiến việc cạnh tranh với LVMH trở nên khó khăn hơn.
Trong một bài phỏng vấn tháng 10/2022 cùng tờ nhật báo tài chính Finanz und Wirtschaft, ông Johann Rupert từng phát biểu: “Chúng tôi có thể phát triển chậm và bảo thủ hơn người khác. Nhưng đây cũng là một lợi thế”. Do đó, chưa chắc gì ông sẽ đồng ý bắt tay với đối thủ cạnh tranh lâu năm của mình. Tất cả các công ty liên quan hiện từ chối bình luận với giới truyền thông về vấn đề này. Còn tờ nhật báo tài chính Finanz und Wirtschaft của Thụy Sỹ thì khẳng định đây chỉ là một tin đồn hành lang.
Dù vậy, thực tế là những thương vụ M&A đình đám trong ngành thời trang chính là lý do khiến tên tuổi ông Arnault được nhắc đến như "nỗi sợ hãi của các đối thủ kinh doanh”. Kể từ khi thành lập đến nay, đế chế thời trang này đã nổi tiếng với việc mua lại, sáp nhập các thương hiệu lớn rồi biến chúng thành một hãng kinh doanh có lợi nhuận khổng lồ. Phi vụ nổi tiếng gần đây nhất của vị tỷ phú này chính là việc mua lại Tiffany&Co vào năm 2021.
Đây cũng không phải là tin đồn duy nhất về sự mở rộng của LVMH. Vào cuối năm 2022, chủ sở hữu của Louis Vuitton và Christian Dior được cho là đang cân nhắc ý tưởng mua Ralph Lauren để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hoa Kỳ. Đầu năm nay, LVMH lại gây chú ý khi được cho là tham gia vào cuộc chiến đấu thầu với L’Oréal để mua Aesop, một nhãn hiệu mỹ phẩm cao cấp của Úc.
Liệu bất kỳ tin đồn nào trong số này có thành hiện thực hay không, chúng ta vẫn phải đợi xem. Tuy nhiên, điều chắc chắn nhất là tham vọng thống trị của LVMH đối với lĩnh vực xa xỉ và hiện không có dấu hiệu nào cho thấy tỷ phú Bernard Arnault, năm nay đã 74 tuổi, sẽ sớm rời ghế chủ nhân của LVMH.
Tập đoàn này gần đây thậm chí đã dỡ bỏ giới hạn độ tuổi với giám đốc điều hành, cho phép ông Arnault nắm quyền lãnh đạo cho tới năm 80 tuổi. Nhưng theo Sydney Morning Herald, những quyết định bổ nhiệm gần đây cho thấy ông Arnault đang cố gắng củng cố quyền kiểm soát của gia tộc trong trường hợp ông không còn tại vị.
Năm ngoái, ông chủ LVMH đã tái cơ cấu công ty mẹ Agache SE nhằm củng cố quyền lực của gia đình Arnault. Agache SE vốn là công ty nắm quyền kiểm soát Christian Dior SE. Tới lượt mình, công ty Christian Dior SE kiểm soát 41% cổ phần của LVMH. Về tổng thể, gia đình Arnault nắm 48% giá trị cổ phần của LVMH và 64% quyền bỏ phiếu. Điều này đồng nghĩa người ngoài thực tế không có khả năng giành quyền kiểm soát của LVMH.