December 04, 2021 | 19:06 GMT+7

Không để lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp nhà nước “ngồi nhầm chỗ”

Vũ Khuê -

Bức tranh tổng thể về kinh tế năm 2020 cho thấy, khối doanh nghiệp nhà nước có sức ì và độ trễ lớn hơn nhiều so với khối doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước phát triển chưa như kỳ vọng, một trong những nguyên nhân là chất lượng nguồn nhân lực…

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp” ngày 4/12 do Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các ý kiến đều nhận định, doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo mục tiêu chiến lược về quốc phòng, an ninh quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội.

Tính đến 31/12/2020, cả nước có khoảng 807 doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó 459 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 187 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, an ninh, nông lâm nghiệp… Khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp 28% cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động (8,3%), chiếm 29% tổng vốn toàn khu vực doanh nghiệp, tạo ra 22,9% lợi nhuận so với lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp, đóng góp trên 12% cho tổng thu ngân sách quốc gia. Đóng góp 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường. 

Bàn chủ toạ
Bàn chủ toạ

Nhiều doanh nghiệp như Viettel, Vinaphone, Vietcombank đã và đang dẫn dắt thị trường, tạo điều kiện vững chắc cho nền kinh tế bước vào kỷ nguyên số.

SỨC Ì VÀ ĐỘ TRỄ LỚN 

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Năng lực cạnh tranh đặc biệt cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, chưa chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bức tranh tổng thể về kinh tế năm 2020 cho thấy khối doanh nghiệp nhà nước có sức ì và độ trễ lớn hơn nhiều so với khối doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp nhà nước phát triển chưa như kỳ vọng, mà một trong những nguyên nhân được nêu tại hội nghị là chất lượng nguồn nhân lực. Quy trình tuyển chọn và bố trí cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, còn nặng về quy trình tuyển chọn có tính hành chính.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho rằng, những nhiệm kỳ gần đây, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đã chỉ ra một số cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Trình độ quản lý, năng lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp của một số cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước hạn chế, do việc bố trí công chức quản lý nhà nước chuyển sang quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa phù hợp.

Bộ chủ quản vừa làm chức năng quản lý nhà nước về chuyên môn, vừa là chủ sở hữu vốn nhà nước, chi phối nhân sự cấp cao của doanh nghiệp, cùng các kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển, nghĩa là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Tổng kết hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khoá X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, trong toàn Đảng bộ khố doanh nghiệp trung ương có 30 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật do vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, quy định của Đảng.

Đồng thời đã thi hành kỷ luật 1.872 đảng viên, trong đó có 440 cấp uỷ viên, 216 trường hợp bị khai trừ, nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Quá trình xử lý để lại những bài học đắt giá trong quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nói chung, công tác lựa chọn, bổ nhiệm, quản lý, giám sát cán bộ trong doanh nghiệp nhà nươc nói riêng, nhất là những đảng viên được giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp”, ông Long nhận định.

MẠNH DẠN THAY THẾ LÃNH ĐẠO LÀM VIỆC KHÔNG HIỆU QUẢ

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhà nước tụt hậu đến từ công tác đào tạo cán bộ, nên việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì thế luôn là mục tiêu hàng đầu trong quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phân tích đánh giá cán bộ lãnh đạo của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban trong thời gian qua nhận thấy, nhiều điểm yếu cần phải khắc phục đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp.

Đòi hỏi cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành đặc biệt tư duy chiến lược đối với lãnh đạo quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Tăng cường sự kiến thức và sự hiểu biết về thông lệ và pháp luật quốc tế với doanh nghiệp. Bởi trong quá trình hội nhập quốc tế luôn nảy sinh các tranh chấp ngoài các thoả thuận, thoả ước chung còn có những thoả thuận song phương hay mang tính chuyên ngành trong những lĩnh vực chúng ta chưa có kinh nghiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần khẩn trương nghiên cứu, từng bước triển khai thực hiện thí điểm cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và vị trí công việc khác trong doanh nghiệp nhà nước.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành, Thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên. Thực hiện cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, ban điều hành đồng thời có chế độ đãi ngộ thoả đáng tương xứng với trách nhiệm, hiệu quả công việc.

Ngoài ra, theo ông Long, phương thức lựa chọn người đại diện và điều hành doanh nghiệp nhà nước cũng cần đổi mới theo hướng tuyển người kèm theo phương án kinh doanh, có hội đồng đánh giá, bỏ phiếu kín, lựa chọn người được điểm cao nhất để bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quản trị điều hành doanh nghiệp trong nhiệm kỳ 3 năm…

Tuy nhiên, cũng cần giám sát và có cơ chế thưởng phạt hàng năm bằng chế độ lương, thưởng, cũng như kỷ luật, sa thải.

Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp – viễn thông quân đội (Viettel) đồng tình cho biết, Viettel rất mạnh dạn trong bổ nhiệm lãnh đạo quản lý nhưng khi không đáp ứng yêu cầu thì cũng mạnh dạn thay thế người khác…, như vậy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mới thực sự hiệu quả.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate