Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, ngày 6/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Chỉ thị tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tại chỉ thị, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân địa phương tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán năm 2025; huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác y tế trong dịp Tết.
Tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.
Các đơn vị phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết. Xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Về công tác khám, chữa bệnh, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện ứng trực 24/24 giờ. Bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế.
Chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm, và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân có kế hoạch phối hợp với cơ sở y tế công lập trên địa bàn tham gia triển khai công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán năm 2025; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia phối hợp hoạt động khi có yêu cầu.
Về công tác an toàn thực phẩm, Sở Y tế các địa phương và Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết.
Tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế đề nghị thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh; chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng, và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.
Cùng với đó, bảo đảm điều kiện cần thiết triển khai đội phản ứng nhanh và các phương tiện, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế cần thiết để sẵn sàng hỗ trợ địa phương đáp ứng với các tình huống dịch bệnh. Cung cấp thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh dịp Tết thuộc khu vực phụ trách, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, chính xác.
Với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, cần nâng cao năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm đủ nhân lực, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người.
Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tư vấn sức khỏe, đặt lịch khám và khám chữa bệnh từ xa.
Các bệnh viện cũng cần duy trì và tổ chức tốt đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời đơn vị tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra.