December 30, 2023 | 09:59 GMT+7

Không để xe khách vi phạm tràn lan, xử nghiêm nhà xe cố tình không nộp phù hiệu

Anh Tú -

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các đơn vị triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Xử nghiêm các trường hợp vi phạm bị thu hồi phù hiệu nhưng không nộp về sở...

Lưu ý vi phạm về tốc độ chạy xe, thời gian lái xe, hành trình xe chạy, truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.
Lưu ý vi phạm về tốc độ chạy xe, thời gian lái xe, hành trình xe chạy, truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 15016/BGTVT-TTr gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Đường bộ Việt Nam; Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

QUYẾT LIỆT XỬ LÝ VI PHẠM

Bộ Giao thông vận tải đánh giá thời gian qua, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng triển khai thực hiện cơ bản theo quy định, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra ban đầu của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được còn có tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý dẫn đến còn có vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chưa được ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. 

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo và yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện một số nội dung trọng tâm.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo: Sở Giao thông vận tải tổ chức rà soát để thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

"Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn", Bộ Giao thông vận tải đề nghị.

Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các chế tài xử lý vi phạm có liên quan đến các đơn vị, lái xe ô tô kinh doanh vận tải trên địa bàn địa phương nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

Cùng với đó, bổ sung biên chế cho công tác quản lý hoạt động vận tải của Sở Giao thông vận tải.

Các Sở Giao thông vận tải thực hiện rà soát, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, công bố, ban hành đầy đủ các quy định về quản lý hoạt động vận tải tại địa phương theo quy định tại khoản 5 Điều 55, khoản 4 Điều 63 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT; công bố đưa vào khai thác các điểm dừng đón, trả khách cho vận tải hành khách trên tuyến cố định trên địa bàn đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại Điều 18, khoản 13 Điều 63 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch của địa phương về phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả, giảm chi phí và đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn giao thông theo các kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải đã ban hàn.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Kế hoạch số 12882/KH-BGTVT ngày 14/11/2023, xử lý nghiêm và quyết liệt các vi phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra theo quy định.

NÂNG CẤP PHẦN MỀM ĐỂ NGĂN CHẶN SỚM VI PHẠM

Cũng trong công văn này, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, nâng cấp các phần mềm phục vụ công tác quản lý vận tải đường bộ theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đảm bảo thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt vi phạm về tốc độ chạy xe, thời gian lái xe, hành trình xe chạy, truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

Đồng thời, có các giải pháp kết nối dữ liệu của các phần mềm hiện hữu để nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ, nhân viên các Sở Giao thông vận tải trong công tác quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

Nghiên cứu, xử lý các đề xuất, kiến nghị của các Đoàn kiểm tra Bộ Giao thông vận tải, các Sở Giao thông vận tải về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

 

Các Sở Giao thông vận tải thực hiện quyết liệt các biện pháp để xử lý đối với các trường hợp vi phạm bị thu hồi phù hiệu nhưng không nộp phù hiệu về Sở theo quy định, trong đó chỉ đạo Thanh tra Sở xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị kinh doanh vận tải về lỗi “Không nộp lại phù hiệu về Sở Giao thông vận tải theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các Sở Giao thông vận tải thường xuyên truy cập, khai thác, phân tích, tổng hợp các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình, dữ liệu hình ảnh camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải, thông tin trên Lệnh vận chuyển do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp và từ cơ sở dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam theo quy định, để phục vụ công tác quản lý vận tải, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đồng thời, tổ chức giám sát việc tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 16 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT để đảm bảo công tác tập huấn đúng quy định.

Yêu cầu, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển trước khi thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 7, khoản 5 Điều 8 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP; khai thác, sử dụng thông tin từ thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển khách để phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm.

Sở Giao thông vận tải tổ chức rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở theo quy định.

Cụ thể, các sở chỉ đạo Thanh tra Sở xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm o khoản 4 Điều 28 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đối với các đơn vị kinh doanh vận tải không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển khách tới Sở trước khi thực hiện hợp đồng theo quy định.

Thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đối với các đơn vị không kinh doanh vận tải trong thời gian 06 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 06 tháng liên tục. 

Sở Giao thông vận tải thông báo danh sách các xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng, biểu hiệu xe du lịch (nếu có) đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 7, khoản 8 Điều 8 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. 

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm theo quy định các vi phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Ngoài ra, thực hiện các kiến nghị của các Đoàn kiểm tra Bộ Giao thông vận tải trong Biên bản kiểm tra, làm việc tại đơn vị.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate