Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải ngày 11/10, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, ba quý đầu năm 2023, hoạt động vận tải tiếp tục khởi sắc, sản lượng vận chuyển hành khách ghi nhận tín hiệu tích cực trên cả 5 lĩnh vực.
“Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp lễ, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại. Công tác quản lý giá cước vận tải, công khai niêm yết giá cước, chuẩn bị phương tiện phục vụ,... được cơ quan quản lý triển khai kiểm tra đôn đốc; các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm nhiều so với các năm trước đây”, ông Ngọc khẳng định.
ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, TĂNG TRƯỞNG VẬN TẢI TOÀN DIỆN
Cụ thể, luỹ kế 9 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 1.686 triệu tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa ước đạt 360 tỷ tấn.km, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, vận tải hàng hoá đường thuỷ có mức tăng mạnh nhất (hơn 23%). Sở dĩ vận tải đường thủy nội địa 9 tháng năm 2023 tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ 2022 do chi phí vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa có tính cạnh tranh cao. Cùng với đó, đội phương tiện vận tải hiện nay có tốc độ tăng trưởng tốt, đang từng bước áp dụng công nghệ tiến tiến; nhất là đối với phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB, sau gần 10 hình thành tuyến vận tải ven bờ biển nay đã có đến trên 2.844 phương tiện.
Tiếp đến là vận tải đường bộ (tăng gần 13%), vận tải đường thuỷ nội địa (tăng 12%), vận tải hàng hoá hàng không (tăng hơn 7%).
Riêng vận tải hàng hoá đường sắt ghi nhận mức giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 với mức giảm hơn 23%.
Còn về vận chuyển hành khách, thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho thấy luỹ kế 9 tháng ước đạt 3.406 triệu lượt, tăng 13,1% so với cùng kỳ; luân chuyển hành khách ước đạt 184 tỷ hành khách.km, tăng 27,9% so với cùng kỳ.
So với cùng kỳ năm 2022, vận chuyển hành khách lĩnh vực đường sắt ghi nhận mức tăng cao nhất (tăng hơn 44%), tiếp đến là vận chuyển hành khách đường biển (tăng gần 43%), vận chuyển hành không tăng xấp xỉ 22%, vận chuyển hành khách đường bộ tăng gần 24%.
RÀ SOÁT XE HỢP ĐỒNG, MẠNH TAY XỬ LÝ VI PHẠM
Theo đánh giá, công tác quản lý hoạt động vận tải của Bộ Giao thông vận tải tiếp tục có nhiều đổi mới giúp năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là từ thiết bị giám sát hành trình, xử lý xe dù, bến cóc, tăng giá vé sai quy định...
Đồng thời, toàn ngành thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phát triển vận tải quốc tế nhất là lĩnh vực đường bộ, hàng không, đường sắt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Phải rà soát lại hoạt động xe hợp đồng, phải tìm kẽ hở và bịt lại kẽ hở để hoạt động kinh doanh phải trong khuôn khổ của pháp luật. Hai vấn đề lớn cần chú trọng là doanh thu, tình hình đóng thuế theo quy định của pháp luật và kiểm soát hành trình di chuyển, luồng tuyến đăng ký", lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải lưu ý.
Đặc biệt quan tâm đến tình hình trật tự an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng những quý đầu năm, tình hình tai nạn giao thông tiếp tục giảm về số vụ, số người chết nhưng số người bị thương vẫn tăng, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn còn xảy ra.
Điều này đòi hỏi các cục quản lý chuyên ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ siết chặt quản lý hoạt động vận tải; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là việc chấp hành quy định kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết theo rà soát, hiện nay, trong khoảng 540.000 xe ô tô kinh doanh vận tải khách trên cả nước, số lượng phương tiện hoạt động theo hình thức xe hợp đồng là 240.000 xe.
Để kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải, hơn 8 năm qua, thiết bị giám sát hành trình đã được đưa vào quản lý nhưng hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Hiện Cục Đường bộ Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo Sở Giao thông vận tải cùng C08 (Bộ Công an) căn cứ dữ liệu giám sát hành trình để tăng cường quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải.
Thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất điều chỉnh điều kiện kinh doanh trong hoạt động vận tải tại Luật, Nghị định liên quan theo hướng chặt chẽ hơn.