Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III năm nay. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7.
Cách đây chưa lâu, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là bởi lo ngại việc giảm 50% lệ phí trước bạ với sẽ vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Thực tế, Việt Nam gia nhập WTO từ năm 2007 và đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Điểm nhấn trong các hiệp định FTA đó là không phân biệt đối xử đối với hàng hoá nhập khẩu từ tất cả các nước thành viên WTO. Điều này có nghĩa nếu một nước thành viên WTO dành bất kỳ ưu đãi thuế quan nào cho hàng hóa từ một nước thành viên WTO thì cũng phải cho hàng hóa đến từ tất cả các thành viên khác ưu đãi tương tự.
Từ năm 2019, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Không thể phủ nhận những tác động tích cực của việc giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, nếu việc làm này kéo dài, các chuyên gia trong ngành cho rằng sẽ vi phạm Hiệp định WTO, các FTA mà Việt Nam đã tham gia và sẽ phản ứng. Để giải quyết bài toán này, nếu như Việt Nam vẫn tiếp tục giảm lệ phí trước bạ xe sản xuất và lắp ráp trong nước thì theo quy định của WTO và các FTA, chúng ta cũng phải có chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô nhập khẩu. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, điều này hoàn toàn không có lợi cho ngành sản xuất ô tô trong nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đưa ra cam kết với thế giới là sẽ đưa lượng phát thải khí nhà kính về 0 - Net Zero vào năm 2050. Nhưng hầu hết các ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chúng ta hiện nay là xe chạy bằng năng lượng hoá thạch, đồng nghĩa với việc giảm thuế trước bạ 50% sẽ có mâu thuẫn. Vì vậy, để đảm bảo được mục tiêu chung, về lâu dài, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích sản xuất ô tô trong nước nên tập trung vào các loại xe xanh.
Không chỉ thế, việc giảm thuế trước bạ cũng chỉ trong vòng 6 tháng, “liều thuốc” giảm 50% này được đánh giá không xử lý triệt để gốc rễ vấn đề của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Vì vậy, các chuyên gia trong ngành đều có đồng quan điểm cho rằng cần có một phương án chính sách dài hơi, bền vững hơn một cách toàn diện. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô tô trong nước. Điều này sẽ giải quyết vấn đề giảm giá thành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước vì tăng được tỷ lệ nội địa hoá.
Theo báo cáo doanh số bán hành các thành viên của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), trong tháng 6, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 12.962 xe, tăng 8% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 13.613 xe, giảm 1% so với tháng trước.
Đáng chú ý trong báo cáo của VAMA đó là trong tháng 6, lượng xe nhập khẩu đạt 13.613 chiếc, trong khi xe sản xuất lắp ráp trong nước chỉ đạt 12.962 xe.
Vào tháng 5, xe lắp ráp tụt khá sâu khi doanh số chỉ là 11.985 xe, trong khi xe nhập khẩu đạt 13.809 xe.
Xa hơn là mốc tháng 4, doanh số xe lắp ráp đạt 11.983 xe còn xe nhập khẩu đạt 12.367 xe. Tháng 4 cũng là thời điểm có thông tin về việc Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Từ những số liệu trên có thể thấy rằng người tiêu dùng trong nước rất chờ đợi chính sách giảm thuế trước bạ 50% với xe lắp ráp, sản xuất trong nước. Chính vì vậy, khi Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sau mốc thời gian phải báo cáo Chính phủ, đã có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý toàn thị trường. Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp ô tô “đỏ mắt” kỳ vọng đây là một trong những yếu tố giúp kích cầu thị trường trong nửa cuối năm 2024.
Do đó, trong trường hợp không có chính sách giảm thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước, nửa cuối năm 2024 sẽ thực sự cam go với đa phần các doanh nghiệp trong nước. Tâm lý người tiêu dùng cũng rất khó đoán định khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Nhiều chuyên gia đánh giá năm 2024 rất có thể là năm “tạo vùng đáy” của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi nhiều biến động vô cùng khó lường và doanh số sụt giảm, xe trong nước thất thế trước xe nhập khẩu.