Thiệt hại về nông nghiệp do bão số 4: một số diện tích lúa, hoa màu, thuỷ sản bị ngập úng, thiệt hại; gia súc, gia cầm bị chết cuốn trôi. Về ngập lụt: ngập cục bộ một số vị trí đường giao thông, ngầm tràn tại khu vực trũng, thấp thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Tại tỉnh An Giang, ngày 21/9/2024 đã xảy ra sạt lở bờ Nam Kênh Xáng, thuộc khóm Long Thạnh, phường Long Châu, thị xã Tân Châu, với chiều dài khoảng 20m, sâu vào phía bờ 4,0m. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức căng dây, hạn chế người dân đi vào khu vực nguy hiểm và huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn.
KHÔNG KHÍ LẠNH GÂY MƯA TIẾP TỤC
Trong 3 ngày từ 19/9 đến sáng 23/9, Khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 150-250mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Xã Bản Mù (Yên Bái) 276mm, Lũng Vân (Hoà Bình) 343mm, Tân Kỳ (Nghệ An) 453mm, Dừa (Nghệ An) 442mm, Sơn Kim 1 (Hà Tĩnh) 306mm, Trọng Hóa (Quảng Bình) 370mm...
Ngày 23/9, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa trời mát, vùng núi Bắc Bộ có nơi trời lạnh.
Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hoá phổ biến từ 20-23 độ, vùng núi có nơi dưới 19 độ. Ngày 23/9, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 20-50mm, cục bộ có nơi trên 100mm; khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, cục bộ có nơi trên 120mm. Từ ngày 24/9 mưa lớn giảm dần ở các tỉnh Trung Bộ.
Hiện các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo và triển khai phương án ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn trong những ngày tới; các tỉnh Bắc Trung Bộ ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 4 và mưa lũ. Trong đó tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức di dời 662 hộ/2.423 người.
Đề cập về cứu trợ quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đến nay, đã có hơn 35 Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, phi chính phủ thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cứu trợ và cam kết cứu trợ khẩn cấp khoảng 16 triệu USD để khắc phục hậu quả bão số 3. Trong ngày 22/9/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận viện trợ hàng hoá đợt 2 (đèn pin, bộ dung cụ nhà bếp, chăn,...) từ tổ chức Samaritan Purse.
Do không khí lạnh đang tiếp tục gây mưa, nguy cơ lũ và sạt lở đất vẫn còn xảy ra ở các tỉnh miền núi Phía Bắc, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai đề nghị các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ triển khai phương án ứng phó với mưa lớn; các tỉnh Nam Bộ ven sông Cửu Long rà soát phương án ứng phó với ngập, sạt lở bờ sông do triều cường và lũ về từ thượng lưu; các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục đảm bảo an toàn và khắc phục sự cố đê điều; khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão, tìm kiếm người mất tích, dọn dẹp, vệ sinh môi trường sớm ổn định đời sống của nhân dân; các tỉnh Bắc Trung Bộ khắc phục thiệt hại do bão số 4.
TỈNH CAO BẰNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI
Ngày 22/9/2024, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai và thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại do mưa, lũ sau bão số 3 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Về phía tỉnh Cao Bằng, tiếp và dẫn đoàn công tác có Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Hoàng Văn Thạch, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh…
Đoàn công tác kiểm tra thực địa, nắm tình hình tại khu vực sạt lở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn 2 xóm xảy ra sạt lở đất, vùi lấp hoàn toàn 12 căn nhà của 12 hộ dân, làm 20 người chết.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, tỉnh chỉ đạo trực tiếp khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Nguyên Bình; thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại huyện để trực tiếp chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai tại hiện trường về công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở đất làm ách tắc trên tuyến giao thông trọng yếu của tỉnh. Huy động trên 7.600 lượt người, các lực lượng vũ trang, phương tiện để nhanh chóng di dời người dân ở các khu vực nguy hiểm; triển khai các biện pháp xử lý sạt lở trên các tuyến giao thông, đặc biệt là quốc lộ 34, khôi phục hệ thống điện và thông tin liên lạc.
"Đến nay, huyện Nguyên Bình đã hoàn thành công tác san lấp mặt bằng, di dời dân đến ở tạm thời tại 80 nhà bạt dã chiến trong thời gian chờ xây dựng khu tái định cư. Hiện nay, khu tái định cư xóm Lũng Lỳ đã khởi công xây dựng, xóm Lũng Súng đang lựa chọn địa điểm và phương án xây dựng tái định cư phân tán theo nguyện vọng của người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn".
Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.
Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, tỉnh Cao Bằng kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, xem xét, hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại về nhà ở; các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế; kinh phí khôi phục sản xuất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do sạt lở, ngập lụt…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao công tác chủ động chỉ đạo ứng phó, phòng chống bão lũ, thiên tai của tỉnh, phát huy được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, góp phần quan trọng giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.
Nhấn mạnh công tác ứng phó sau mưa bão là vấn đề rất quan trọng, không được chủ quan, lơ là; Bộ trưởng đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc. Đồng thời, cần sớm khắc phục hậu quả sau thiên tai, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Với kiến nghị liên quan đến các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bộ sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ tỉnh tái thiết lại sinh kế, ổn định sản xuất cho bà con vùng thiệt hại.
Bộ trưởng đã trao 2 phần quà cho 2 xã Yên Lạc và Ca Thành, mỗi phần quà là 200 triệu đồng để hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ; đồng thời tặng 12 suất quà, mỗi suất là 5 triệu đồng đến 12 hộ gia đình tại 02 xã Yên Lạc và Ca Thành có người chết và bị sạt lở toàn bộ nhà trong vụ sạt lở.
Chiều 22/9, đoàn công tác đã đến thăm mô hình nông thôn mới tại xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Đoàn công tác tham quan mô hình trồng dâu tây, dưa lưới và các loại cây ăn quả khác trong nhà màng của Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Anh, xã Hưng Đạo. Đây là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, sau ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên 6.000 m2 diện tích cây trồng trong nhà lưới của Hợp tác xã bị ngập, thiệt hại toàn bộ giống cây và hư hỏng các van tưới nước, tổng thiệt hại khoảng 686,4 triệu đồng.