August 13, 2024 | 15:44 GMT+7

Không khoanh và gia hạn trả nợ trái phiếu, VEC khó đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

Anh Tú -

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa chốt phương án mở rộng gần 22km cao tốc TP.HCM - Long Thành, với tổng mức đầu tư 14.955 tỷ đồng. Để "ông lớn" VEC cân đối được vốn đầu tư dự án cần hai cơ chế, đó là (i) tăng vốn điều lệ gấp gần 34 lần; (ii) hưởng chính sách khoanh và lùi trả gốc, lãi vay trái phiếu đã được ứng trả nợ trước đây...

Đoạn TP.HCM - Long Thành đã vượt giới hạn năng lực thông hành.
Đoạn TP.HCM - Long Thành đã vượt giới hạn năng lực thông hành.

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 5678/VPCP-CN gửi các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai xem xét về phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành thuộc dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

VEC TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ GẤP 34 LẦN

Xét đề nghị của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành thuộc dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ chủ trì cuộc họp về nội dung này, thời gian họp cụ thể sẽ thông báo sau.

Để bảo đảm nội dung phục vụ cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các đơn vị, cơ quan có ý kiến chính thức về đề xuất phương án đầu tư do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, phải làm rõ cơ sở pháp lý, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ theo hướng tìm phương án khả thi, kịp thời để triển khai được dự án đáp ứng kết nối giao thông theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; quán triệt tinh thần chỉ đạo “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/08/2024.

Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn ban hành Quyết định số 286/QĐ-UBQLV về việc phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đến năm 2025 của VEC.

Theo đó, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cần huy động 14.955 tỷ đồng để thực hiện dự án mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhu cầu cần bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.600 tỷ đồng.

Làm rõ năng lực, khả năng của VEC, Ủy ban Quản lý vốn nêu rõ sau gần 20 năm thành lập và hoạt động, bước đầu VEC góp phần thực hiện chiến lược phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia thông qua việc đầu tư 05 tuyến đường bộ cao tốc với chiều dài 540km, tổng mức đầu tư khoảng 108.865 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn trong và ngoài nước.

 

Về khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng đầu tư dự án, Uỷ ban Quản lý vốn cho rằng vốn điều lệ hiện tại Công ty mẹ - VEC rất thấp (1.115 tỷ đồng), ảnh hưởng tới chỉ số tín nhiệm trong việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính tín dụng, đặc biệt nguồn vốn có chỉ phí sử dụng vốn thấp từ nguồn vốn vay thương mại, phát hành trái phiếu công trình.

Với vai trò quản lý vận hành, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc Nhà nước giao, VEC đã đưa vào khai thác ổn định 490km thuộc 04/05 dự án đường cao tốc, chiếm khoảng 27% tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc đang vận hành khai thác, phục vụ khoảng 430 triệu lượt phương tiện.

Tổng doanh thu thu phí (không bao gồm VAT) đạt hơn 30.000 tỷ đồng, đảm bảo trả các khoản nợ đến hạn theo phương án tài chính được phê duyệt. 

Cũng theo Uỷ ban Quản lý vốn, trong 3 năm gần nhất, tình hình tài chính của VEC có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

“Ông lớn” đường cao tốc không phát sinh các khoản nợ quá hạn, quản trị hiệu quả dòng tiền tích lũy, chủ động cân đối 7.547,57 tỷ đồng thay thế vốn đầu tư công để thực hiện các hạng mục còn lại của dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của VEC là 1,32 lần, đảm bảo điều kiện huy động vốn theo quy định.

Mặt khác, Đề án chủ trương về phương án tái cơ cấu VEC đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn Ủy ban và VEC việc tăng vốn điều lệ. Dự kiến vốn điều lệ của VEC là 38.625 tỷ đồng, tăng 37.510 tỷ đồng so với vốn điều lệ hiện nay của VEC là 1.115 tỷ đồng.

"Sau khi hoàn thành đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tài sản là 05 tuyến đường cao tốc do VEC quản lý được tính thành vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hoàn thành việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định, VEC đủ điều kiện huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính để đầu tư mở rộng dự án", Uỷ ban Quản lý vốn nhìn nhận.

NÂNG CẤP 22KM QUY MÔ 8-10 LÀN XE

Trên cơ sở báo cáo của VEC, Ủy ban Quản lý vốn đề xuất phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành thuộc dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cụ thể, đoạn tuyến có chiều dài 21,92km; điểm đầu: Km4+000 (nút giao Vành đai 2) thuộc thành phố Thủ Đức, TP.HCM; điểm cuối: Km25+920 (nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Trong đó, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+00 đến Km8+770) được đầu tư 08 làn xe theo quy hoạch.

Còn đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 đến Km25+920) có quy mô 10 làn xe theo quy hoạch. Cầu Long Thành đầu tư xây dựng 01 đơn nguyên cầu mới quy mô tương tự cầu hiện tại, tổ chức giao thông khai thác với quy mô 10 làn xe (châm trước không bố trí làn khẩn cấp, kết hợp tổ chức giao thông mỗi bên 5 làn xe rộng 3,5m).

 

Về hình thức đầu tư, VEC huy động 100% vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý khai thác, thu phí hoàn vốn. Ngân sách trung ương/ngân sách địa phương (TP.HCM, Đồng Nai) hỗ trợ 904,03 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tách thành dự án độc lập, giao cho địa phương thực hiện.

Dự án có tổng mức đầu tư 14.955,03 tỷ đồng, đã bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 5.555,03 tỷ đồng (37%), vốn vay thương mại 9.400 tỷ đồng (63%). 

Về tiến độ thực hiện, dự án dự được chuẩn bị đầu tư từ tháng 3/2024 đến tháng 02/2025. Thực hiện đầu tư từ tháng 3/2025 đến tháng 12/2027.

Với sự quan tâm của Ban chỉ đạo, Ủy ban Quản lý vốn sẽ tập trung chỉ đạo VEC rút ngắn tiến độ, phấn đấu hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng dự kiến là tháng 12/2027. Trong đó phần đường và các cầu cạn hoàn thành vào tháng 01/2027, cầu Long Thành vào tháng 12/2027.

Đóng góp ý kiến cho phương án này, Bộ Giao thông vận tải thống nhất về phạm vi đầu tư mở rộng dự án và quy mô, đầu tư mở rộng quy mô 10 làn xe là phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ được phê duyệt; đồng thời, ủng hộ phương án VEC huy động 100% vốn đầu tư.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng do hiện nay việc cân đối vốn của VEC khó khăn nên có thể xem xét, chấp thuận phân kỳ đầu tư trước 8 làn xe và có khả năng mở rộng lên 10 làn xe đối với phần cầu cạn. Cơ quan này cũng đề nghị VEC nghiên cứu đầu tư bổ sung nút giao kết nối với đường Long Phước.

NGUY CƠ MẤT CÂN ĐỐI TÀI CHÍNH NẾU KHÔNG KHOANH, LÙI HẠN TRẢ NỢ TRÁI PHIẾU

Để đảm bảo khả năng huy động vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính nêu trên và đảm bảo trả nợ vay, về cơ chế tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn đề xuất khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến khoản trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022-2026 sang giai đoạn 2031-2034, bao gồm: (i) khoản tiền 3.988,76 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh tương ứng trong giai đoạn 2024-2026; (ii) khoản lãi phát sinh đối với khoản tiền gốc và lãi trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả giai đoạn 2012-2023.

Về khả năng bố trí vốn chủ sở hữu tham gia thực hiện dự án, Uỷ ban Quản lý vốn cho biết hiện tại, VEC đang cân đối bố trí 7.547,57 tỷ đồng từ nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp thay thế vốn đầu tư công thực hiện các hạng mục còn lại thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành trong tháng 9/2025.

Vì vậy, để đảm bảo khả năng huy động vốn chủ sở hữu đầu tư dự án (khoảng 5.555 tỷ đồng), VEC kiến nghị khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ.

Uỷ ban Quản lý vốn cho rằng trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ, lũy kế dòng tiền sau thuế hòa chung 05 dự án luôn dương (mức dương thấp nhất năm 2026 là 669 tỷ đồng). Dự kiến VEC bố trí khoảng 5.555 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng 829 tỷ đồng) để đầu tư mở rộng dự án theo phương án đề xuất.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ và thực hiện theo ý kiến của Bộ Tài chính thì giai đoạn 2026 - 2033, lũy kế dòng tiền sau thuế hòa chung 05 dự án âm với mức âm lớn nhất là 6.241 tỷ đồng năm 2029, phá vỡ phương án tài chính.

"VEC không đảm bảo khả năng trả nợ khoản vay đúng kỳ hạn đã cam kết, không huy động được vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư dự án", Uỷ ban Quản lý vốn nêu rõ.

Góp ý ban đầu về phương án này, Bộ Tài chính cho rằng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tài sản công thuộc sở hữu của Nhà nước, VEC chỉ được giao quản lý, chưa có quyền sở hữu. Vì vậy, cần căn cứ vào Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công để đưa ra đề xuất phù hợp quy định. Bộ Tài chính cũng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn không đặt vấn đề khoanh lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ thay VEC.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate