Kỳ họp Quốc hội thứ sáu sắp khai mạc. Tại đây, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Là người theo sát sự ra đời và quá trình hoạt động của các tập đoàn kinh tế, TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng giám sát hoạt động các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước là một hoạt động thể hiện thực quyền của Quốc hội, được cử tri quan tâm, nhưng hiện chưa được xác định cụ thể, rõ ràng.
Theo ông, hiện vẫn có nhiều cái nhìn sai lệch theo kiểu “thầy bói xem voi” đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, một phần do các cuộc giám sát bị "khống chế" bởi thời gian và lực lượng chuyên gia tham gia, nên để nắm và hiểu thực tế của doanh nghiệp cũng đã là một nhiệm vụ rất khó, chưa kể đến còn có sự khác nhau về phương pháp đánh giá và kỹ năng đánh giá. Trong đó, đặc biệt là các đánh giá về thực trạng kinh doanh, thực trạng tài chính của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Trao đổi với VnEconomy, TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, không thể có các ý kiến, đánh giá, kiến nghị khi thiếu những thông tin tin cậy đã được lượng hóa. Đó cũng là lý do ông và một số chuyên gia kinh tế đang hoàn tất hơn 100 trang tài liệu về mô hình tập đoàn kinh tế để cung cấp cho các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này.
Thống nhất nhận thức
Những nghiên cứu đầu tiên của ông về tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước bắt đầu từ khi nào?
Tôi bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này từ những năm làm nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế vùng tại Trường Đại học Tổng hợp Karlsruhe, Đức (1992).
Khi về nước, tôi công tác tại Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, nên may mắn được tiếp cận, nghiên cứu và lưu trữ có hệ thống về quá trình hình thành, hoạt động của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, từ khi bắt đầu thành lập các tổng công ty 90, 91.
Sau đó, tôi cùng với các đồng nghiệp đã tham gia biên soạn một số cuốn sách đã xuất bản về tổng công ty Nhà nước hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp Nhà nước đổi mới và phát triển, điều kiện để thành lập tập đoàn kinh tế…
Vậy chuyên đề “Mô hình tập đoàn kinh tế: Hoàn thiện để phát triển” có thể coi là một cái nhìn đầy đủ về tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước không?
Trong nghiên cứu khoa học không thể nói là chỉ một đề tài mà có thể mang đến cái nhìn đầy đủ về đối tượng nghiên cứu. Đây là một phần trong báo cáo kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học được Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (nay chuyển sang cho Viện Nghiên cứu lập pháp ) thực hiện từ năm 2008.
Chuyên đề này gồm có 16 chương, giới thiệu từ sơ lược lịch sử hình thành và phát triển mô hình tập đoàn kinh tế; mô hình tập đoàn kinh tế ở một số nước, vị trí và vai trò của các tập đoàn kinh tế; quy luật hình thành các tập đoàn kinh tế cho đến quá trình và điều kiện hình thành tập đoàn kinh tế ở nước ta…
Qua đó, chúng tôi muốn hệ thống hóa quá trình hình thành và phát triển của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước xem có gì trái với quy luật phát triển kinh tế của đất nước không.
Chúng tôi không đưa ra giải pháp, kiến nghị mà chỉ đưa ra những bất cập hiện nay đang tồn tại trong khi vận hành 8 tập đoàn mà Thủ tướng đã quyết định. Còn tùy từng góc độ để các đại biểu nhìn vào đó và có ý kiến riêng. Vì thế, đây là một tài liệu mở.
Dù là “mở” thì cũng cần có những tiêu chí cụ thể để có thể có những căn cứ thống nhất khi giám sát, thưa ông?
Không dám nói là xây dựng hệ tiêu chí chuẩn mà chúng tôi chỉ đề xuất 5 nhóm tiêu chí cơ bản để có thể có cái nhìn khách quan nhất về đối tượng giám sát thôi. Đó là: định hướng chiến lược phát triển, chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm, Chiến lược đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, chiến lược tài chính và chính sách nguồn nhân lực. Trong 5 nhóm tiêu chí này tùy theo yêu cầu giám sát mà sẽ có thể chia thành nhiều tiêu chí thành phần khác nữa.
Chúng tôi hy vọng, tài liệu này có thể giới thiệu một cách nhìn của chủ sở hữu đánh giá một doanh nghiệp. Bởi Quốc hội là cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hiến pháp đã quy định tài sản doanh nghiệp Nhà nước là tài sản chung quốc gia, do Chính phủ làm đại diện. Vậy thì Quốc hội cần đánh giá theo cách nhìn của chủ sở hữu.
Tôi cũng muốn nói là nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên nhiều sự khác biệt trong đánh giá tập đoàn là do không xuất phát từ chủ sở hữu mà cứ phê bình theo các góc nhìn khác. Có nhiều cái tập đoàn làm tốt, làm vượt mức thì không nói, hoặc không muốn nói, hoặc cố tình lảng tránh.
Ông có lo ngại khi tài liệu này được đưa ra ngay tại thời điểm Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, sẽ “ảnh hưởng” đến quan điểm của các vị đại biểu khi xem xét, đánh giá?
Tôi nghĩ là không! Bởi như đã nói, trong đó không có kiến nghị mà qua những phân tích cụ thể chúng tôi muốn giới thiệu với đại biểu phương pháp tư duy logic kinh tế trong khi xem xét một đơn vị kinh tế. Hay nói cách khác là muốn cung cấp cho đại biểu “cái chuẩn” để đánh giá về tập đoàn, tránh trường hợp khi chấm điểm "hoa hậu" người thì coi trọng chiều cao, người khác lại chỉ quan tâm đến cân nặng.
“Đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ”
Khá nhiều lần khi trả lời báo chí, ông đã “phàn nàn” là hiện nay còn nhiều đánh giá chưa khách quan, thậm chí còn có những phê phán khá gay gắt về tập đoàn kinh tế. Vậy điều này liệu có nguyên nhân từ việc cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội?
Trước hết, cần phải khẳng định việc Chính phủ ra các quyết định thành lập các tập đoàn kinh tế trong thời gian qua là hết sức cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển các tập đoàn kinh tế thuộc các ngành và lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.
Việc làm này nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực và lợi thế của doanh nghiệp trên cơ sở tận dụng sức mạnh liên kết giữa nguồn lực chủ sở hữu Nhà nước và các thành phần kinh tế chứ không phải nhằm tạo ra một vỏ bọc hào nhoáng, “hoành tráng”.
Còn hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội chủ yếu là do bất cập về cơ cấu. Với 70% đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, thời gian để đầu tư cho công việc của đại biểu là rất hạn hẹp. Đã vậy, chuyên đề giám sát tối cao lại không thể có kế hoạch từ đầu nhiệm kỳ mà theo vấn đề “nóng” của từng năm nên luôn luôn đẩy đại biểu kiêm nhiệm phải “chạy” theo những vấn đề đó.
Thực ra mà nói, nếu hệ thống các cơ quan của Quốc hội có mối quan hệ mật thiết với đại biểu và các đại biểu có thời gian thích đáng thì có thể giải quyết được vấn đề này.
Tôi ví dụ, trên diễn đàn Quốc hội có một số ý kiến phê phán rất gay gắt hoạt động tập đoàn kinh tế. Nhưng trước đó không có đại biểu nào có phiếu hỏi Ủy ban Kinh tế, nên chúng tôi không biết đại biểu đang thiếu thông tin gì mà cung cấp.
Hay ít nhất là đại biểu có thể trao đổi với Ủy ban qua điện thoại, vì trong Ủy ban có phân công ủy viên chuyên trách chuyên sâu về từng lĩnh vực.
Vậy đánh giá của riêng ông - đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên – về tập đoàn kinh tế thì sao?
Thành công 60%, khuyết điểm 40%.
Như vậy có thể nói thành công vẫn là phần nhiều. Nhưng tại báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế thì tỷ trọng vốn của khối doanh nghiệp Nhà nước trong tổng vốn của nền kinh tế từng năm luôn cao nhất, tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu luôn thấp hơn so với khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh...?
Điều đó mới chứng tỏ sự phát triển đúng hướng. Bởi vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đi trước, mở đường, chịu rủi ro.
Nói ngay như thị trường chứng khoán hiện nay, 92% là doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Ai thành lập nên thị trường này nếu không phải Nhà nước? Nhà nước thành lập nhưng dần dần Nhà nước rút ra, đó là chủ trương đúng.
Hay trong số 97 ngân hàng và các tổ chức tín dụng hiện nay, Nhà nước chỉ có 6, còn lại là ngân hàng thương mại cổ phần. Mặc dù ai cũng biết tài chính ngân hàng là ngành có lợi nhuận cao nhưng Nhà nước vẫn rút ra.
Như vậy là nền kinh tế đang từng bước phát triển tương đối đúng hướng. Đó cũng là thành công lớn nhất của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tức là tương đối hoàn thành nhiệm vụ đi trước mở đường.
Như vậy, những ý kiến phê phán gay gắt hoặc thiếu khách quan là do đã không nhìn từ góc độ nhiệm vụ mà chỉ đơn thuần là lợi nhuận hay đóng góp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty?
Cơ bản là như thế, và đây chính là điều tôi muốn chia sẻ. Thông tin hai chiều giữa đại biểu Quốc hội và Chính phủ đôi khi bị cắt quãng, tạo ra bức tranh không đầy đủ, dẫn đến cái nhìn sai lệch ở cả đại biểu và dư luận xã hội.
Chúng ta hãy thử nhìn vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Từ lúc trong tay chỉ có 7 tàu bay, bây giờ có 42, độ tuổi trẻ thứ ba Đông Nam Á nhưng 21 năm qua không có vụ tai nạn nghiêm trọng nào.
Hay hãy thử nhìn trong lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực đầy những khó khăn. Vậy mà Tập đoàn Cao su ba năm trở lại đây có những bước tiến cực kỳ ngoạn mục. Không chỉ thành công ở Tây Bắc mà còn trúng thầu ở nước ngoài như Lào và Campuchia.
Vậy nên, điều tôi muốn chia sẻ là đánh giá về tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần phải khách quan. Tất nhiên quá trình phát triển thì phải có khuyết điểm nhưng quan trọng là đánh giá thế nào, để có thể phát huy mặt tốt và khắc phục hạn chế, hoạt động tốt hơn.
Muốn thế thì cần phải bình tĩnh, phải lắng nghe, là đại biểu Quốc hội thì cần phải nghe nhiều tai, trái tim nóng nhưng cái đầu nên lạnh, nếu không thì rất nguy hiểm.
Ông đã nói đến thành công trong vai trò đi trước mở đường, vậy còn hạn chế lớn nhất của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước là gì?
Khuyến điểm lớn nhất là định hướng phát triển không giữ được như ban đầu, do chủ sở hữu thực hiện không hết vai trò của mình. Chính phủ với vai trò chủ sở hữu thì giao nhiệm vụ nhưng lại chưa ra được cơ chế chính sách tài chính phù hợp.
Ví dụ, việc bỏ “thuế vốn” là không đúng, làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Nếu nói hoạt động không có hiệu quả là ở chỗ đấy. Cũng một đồng vốn thì doanh nghiệp tư nhân thu về cho chủ sở hữu nhiều hơn doanh nghiệp Nhà nước.
Cần tư duy mới về chỉ tiêu kinh tế
Tại thời điểm này, khi các báo cáo về kinh tế xã hội đang được hoàn thiện để trình Quốc hội, có rất nhiều các nhận định về nền kinh tế năm 2009 được “mổ xẻ”. Quan điểm cá nhân ông thế nào?
Tôi nghĩ 2009 là một năm đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam.
Từ cuối 2008 nền kinh tế đã bộc lộ và đầu năm 2009 thì bộc lộ hết nhược điểm. Và điều đặc biệt ở đây là cơ quan điều hành đã phát hiện những vấn đề cần xử lý ngay từ đầu năm để ứng phó kịp thời. Vì thế các chính sách kích thích kinh tế mới lần lượt ra đời và chặn được đà suy giảm, làm cho quá trình suy giảm của nền kinh tế ngắn lại.
Có thể vẫn còn có những nhận xét phản ứng trong điều hành tuy nhanh nhưng chưa đủ hay chưa xa. Song, ngay trước mắt thì phản ứng như vậy là rất kịp thời. Chuyện này giống như khi thấy em bé qua đường có thể bị nạn thì phải chạy ra giữ lại, chứ không phải giơ điện thoại lên bật chế độ camera chụp ảnh lại rồi phê phán đặt đèn tín hiệu không đúng. Ngăn để tai nạn không xảy ra thì hơn để xảy ra tai nạn rồi mới phân tích.
Và chính vì phản ứng nhanh mà điều xấu nhất tức là suy thoái kinh tế đã không xảy ra. Nền kinh tế không rơi vào suy giảm và an sinh xã hội được đảm bảo là thắng lợi to lớn của năm 2009.
Còn khuyết điểm cố hữu là phát triển kinh tế theo bề rộng, khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn càng bị doãng ra…
Cuối năm ngoái, ông có dự báo năm 2009 sẽ có làn sóng phá sản và sát nhập doanh nghiệp, nhưng trên thực tế việc đó đã không diễn ra?
Đó chính là nhờ tác động của chính sách hỗ trợ lãi suất. Có thể nói dự báo về “làn sóng” đó đã được tiếp nhận và xử lý bằng chính sách hỗ trợ lãi suất 4%, giúp cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và đảm bảo việc làm cho người lao động.
Mặc dù chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp được nhận vốn hỗ trợ, song phải hiểu rằng chính sách này có tác dụng dây chuyền. Ví dụ một doanh nghiệp may đứng vững thì công ty xuất nhập khẩu, vận tải, cảng đều có vệc làm. Chưa kể hàng loạt lao động phổ thông cũng có việc.
Hoặc vốn trái phiếu Chính phủ dành xây một công trình hạ tầng như đường giao thông thì công nhân có việc, mỏ đá có việc, công ty nhập nhựa đường… có việc. Đường làm xong thì doanh nghiệp xung quanh giảm chi phí đầu vào. Như vậy một doanh nghiệp được hỗ trợ trực tiếp thì hàng trăm doanh nghiệp khác được lợi chứ.
Cũng tại thời điểm cuối năm ngoái, ông đã cho rằng “việc cơ cấu lại nền kinh tế lúc này là hết sức cần thiết rồi”. Và gần đây vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế được nhắc đến rất nhiều. Vậy đã có động thái nào cho thấy việc “cơ cấu lại” được bắt đầu chưa, thưa ông?
Có thể nói việc này đã được manh nha từng bước thực hiện nhưng chưa có bước đi dài hơi. Hạn chế những khoản vay không cần thiết của Tập đoàn Vinashin chẳng hạn, cũng là từng bước tái cơ cấu lại Vinashin. Tức là cũng bắt đầu tái cơ cấu nền kinh tế.
Năm 2010, vấn đề tái cơ cấu sẽ được công khai hóa, vì, đã không còn đường lùi nữa rồi.
Thêm một câu hỏi về vấn đề không mới, thưa ông. Là người trực tiếp tham gia thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội Chính phủ trình Quốc hội, theo ông, việc xây dựng một số chỉ tiêu quan trọng có còn nặng về hình thức như một số nhận xét từ nhiều năm trước không?
Chính phủ đã dự kiến 25 chỉ tiêu trình Quốc hội thông qua cho kế hoạch năm 2010. Các chỉ tiêu đều rất quan trọng với nền kinh tế. Nhưng mục tiêu của nền kinh tế là gì, nếu vẫn là tăng trưởng thì tổng phương tiện thanh toán, chính sách tài khóa phải mở. Còn nếu giữ ổn định an sinh xã hội và phát triển bền vững thì GDP không phải là chỉ tiêu quan trọng nhất.
Năm 2010, quan trọng nhất là Chính phủ phải nâng cao hiệu quả chi ngân sách. Trong đó, điểm cốt tử là chọn đầu tư có sức lan tỏa.
Cũng đã đến lúc bắt đầu phải có tư duy mới về hệ thống chỉ tiêu của nền kinh tế. Hiện nay vẫn đang tồn tại tư duy mỗi đơn vị hành chính là một nền kinh tế. Sang nền kinh tế hội nhập thì điều này không chính xác, vì không phát huy hết lợi thế so sánh của từng địa phương.
Đơn cử với Sóc Trăng, nơi tôi ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu bảo phải theo cơ cấu kinh tế mà tỷ trọng nông nghiệp hiện nay đang là khoảng 50% xuống dưới 16% thì phải lấy bao nhiêu đất lúa? Quan trọng là chuyên môn hóa, chuyên sâu hóa.
Nếu Sóc Trăng có thế mạnh về gạo thì Nhà nước cứ giao cho tỉnh sản xuất 1,8 triệu tấn lúa, nuôi tôm công nghiệp 72.000 ha. Còn thì toàn bộ chi phí xây dựng hạ tầng thì Trung ương phải cấp thì mới chuyên sâu hóa được chứ. Còn nếu chỉ tiêu GDP vẫn tăng 10% thì sẽ không thay đổi được gì hết, vẫn buộc phải lấy đất lúa để làm công nghiệp.
Tư duy mới về hệ thống chỉ tiêu đã đang được bắt đầu và sẽ thể hiện trong Đại hội Đảng tới đây. Còn tại kỳ họp này thì Quốc hội có thể cũng sẽ nhấn nút cho 25 chỉ tiêu của 2010, vì hệ thống chỉ tiêu đó vẫn đang phù hợp.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate