Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cho biết tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang không còn hiếm gặp. Chỉ riêng hai thành phố này đã có hàng chục căn hộ tái định cư không người đến ở.
CẦN CHI PHÍ LỚN ĐỂ CẢI TẠO
Khi nguồn cung nhà ở khan hiếm, giá nhà liên tục tăng cao, nhằm cải thiện tình hình và tránh lãng phí những nhà tái định cư chưa sử dụng, một số ý kiến đề xuất nên chuyển loại nhà này sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá việc chuyển đổi có thể phát sinh khó khăn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea), trước tình trạng tồn tại hàng ngàn căn tái định cư dôi dư cần chuyển đổi công năng, trong dự thảo nghị định thi hành luật nhà ở cũng dự liệu cho phép chuyển đổi nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội.
Hiện nay, Hiệp hội đã góp ý cho phép bán đấu giá nhà tái định cư dôi dư. Nhà tái định cư đầu tư bằng ngân sách nhà nước, do Nhà nước phân phối tới người thụ hưởng, khi giao tới các đối tượng, những ngôi nhà phải đảm bảo chất lượng và đầy đủ dịch vụ tiện ích. Song nhiều nhà tái định cư bỏ hoang, muốn đưa ra đấu giá phải sử dụng khoản chi phí lớn để cải tạo.
Riêng TP.HCM, quan điểm của thành phố là đấu giá cho nhà đầu tư chứ không đấu giá bán thẳng cho người mua nhà. Điều này xuất phát từ nhiều lý do. Nhưng nếu nhà đầu tư trúng đấu giá, khả năng họ tiếp tục cải tạo thành nhà ở thương mại. Cộng thêm biên độ lợi nhuận mục tiêu, chắc chắn, loại nhà này khó lòng trở thành nhà ở vừa túi tiền.
Vì vậy, có ý kiến đề nghị dành một số block nhà bán đấu giá trực tiếp cho người mua. Mỗi người một căn. Tuy nhiên, bán đấu giá lẻ cho từng người lại nảy sinh vấn đề: “Ai sẽ nâng cấp kết cấu hạ tầng chung? Ai tổ chức hội nghị nhà chung cư đầu tiên… là câu chuyện vô cùng thực tế”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars, quy định hiện hành, diện tích thiết kế căn hộ nhà ở xã hội tối đa 70m2; trong khi nhà tái định cư chủ yếu dùng để bồi thường cho hộ gia đình nhiều thế hệ, diện tích thường lớn hơn 70m2, dẫn đến chuyển đổi thành nhà ở xã hội gặp vướng khi phân chia thành các căn nhỏ.
Ngoài ra, đâu đó vẫn còn địa phương không muốn chuyển đổi quỹ nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội. Địa phương muốn duy trì quỹ căn hộ tái định cư dù chất lượng thấp. Họ muốn có sẵn quỹ nhà tái định cư phục vụ công tác bồi thường, tái định cư ngay trên địa bàn. Nếu địa phương không sẵn nhà ở tái định cư, phải mất từ 2 đến 3 năm mới tạo lập được quỹ nhà mới, hoặc phải mua lại nhà ở thương mại giá cao, mà mua nhà thương mại để tái định cư cũng phải theo giá thị trường. Bởi thế, việc chuyển đổi không hề dễ dàng.
MỘT MŨI TÊN TRÚNG HAI ĐÍCH
Theo ông Châu, đưa loại nhà này vào sử dụng sẽ hạn chế tình trạng lãng phí tài sản của xã hội, của Nhà nước. Góp phần thúc đẩy nguồn cung, đáp ứng cho người có nhu cầu thực. Nếu áp dụng chính sách phù hợp, có thể tạo nguồn cung lớn về nhà ở vừa túi tiền. Do đó, Hiệp hội kiến nghị cần nghiên cứu thêm cơ chế hỗ trợ.
Hiện có nhiều dự án tái định cư gặp vấn đề bởi chất lượng xây dựng, thiết kế chưa hợp lý và thi công không đạt chuẩn, thiếu hạ tầng cơ bản như: trường học, bệnh viện, chợ, hệ thống giao thông nội bộ… làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi của cư dân, ảnh hưởng đến tâm lý lẫn niềm tin vào chất lượng nhà tái định cư. Để việc chuyển đổi đảm bảo tiêu chuẩn, phải tiến hành cải tạo, hoàn thiện các căn hộ tái định cư đang xuống cấp, tiếp tục xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính nhận định nhiệm vụ chuyển đổi hàng chục nghìn căn hộ nhiều năm chưa có người sinh sống trở thành nhà ở xã hội chính là 1 mũi tên trúng 2 đích. Vì thế, càng kéo dài, các căn hộ tái định cư càng xuống cấp và mất giá, khi đó, đấu thầu hay bán còn khó khăn hơn.
Trường hợp những luật liên quan chưa có hiệu lực thi hành, Bộ Xây dựng cần tham mưu cụ thể cho Chính phủ; Thống kê chi tiết quỹ đất, quỹ nhà, tình trạng tòa nhà từ địa phương, để Chính phủ sau khi xem xét sẽ đề xuất với Quốc hội. Khi cơ sở pháp lý rõ ràng, các địa phương cấp tỉnh, cấp huyện có thể yên tâm triển khai. “Chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở tái định cư chưa sử dụng sang nhà ở xã hội là khả thi. Bởi đây đều là nhóm đối tượng thụ hưởng nhà ở chính sách, phục vụ mục đích chính sách. Nhóm này không sử dụng mà để hoang hóa, đương nhiên thành lãng phí. Cần linh hoạt sử dụng cho nhóm có nhu cầu nhiều”, ông Đính nhấn mạnh.
Cũng nói về điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm việc chuyển đổi phải nằm trong kế hoạch của thành phố. Làm theo kiểu chắp vá, thấy chỗ này cần làm, chỗ kia cần làm thì không hiệu quả. Đây là vấn đề đòi hỏi Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng… cùng vào cuộc để có thống kê về nhà ở tái định cư hiện tại không được sử dụng, từ đó lên chương trình chuyển đổi nhà ở xã hội cộng với dự báo chi phí, nguồn tài trợ cho việc chuyển đổi này.
"Chúng ta biết rằng nhu cầu nhà ở của người dân Việt Nam rất lớn. Chúng ta không thể lãng phí những khu vực nhà ở tái định cư không sử dụng", ông Hiếu nói.