November 01, 2024 | 10:07 GMT+7

Khu thương mại tự do thí điểm tại Đà Nẵng sẽ tạo lợi thế thúc đẩy thu hút đầu tư

Vũ Khuê -

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do. Song để thí điểm hiệu quả, rất cần sự tham vấn, góp ý để Đà Nẵng hoàn thiện đề án xây dựng và vận hành...

Việc Đà Nẵng được Quốc hội cho thí điểm triển khai khu thương mại tự do là một lợi thế lớn so với các địa phương khác.
Việc Đà Nẵng được Quốc hội cho thí điểm triển khai khu thương mại tự do là một lợi thế lớn so với các địa phương khác.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng.

CƠ CHẾ ƯU ĐÃI CÒN THIẾU CẠNH TRANH

Việc Quốc hội cho phép TP. Đà Nẵng được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực lớn để kinh tế TP. Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung phát triển. Đây cũng sẽ là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.

Theo đề án, khu thương mại tự do Đà Nẵng gồm 3 khu chức năng chính là sản xuất, trung tâm logistics; khu thương mại - dịch vụ.

Việc Đà Nẵng được Quốc hội cho thí điểm triển khai khu thương mại tự do là một lợi thế lớn so với các địa phương khác, song cũng sẽ có tính cạnh tranh khi mô hình này dần trở nên phổ biến trong tương lai.

Tại buổi giao ban Thương vụ nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức ngày 31/10 với chủ đề “Trao đổi về đề án thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng: Vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”, ông Bùi Bá Nghiêm, Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng Đà Nẵng cần khẩn trương nắm bắt cơ hội, huy động nguồn lực và tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án này, nhằm biến khu thương mại tự do thành hiện thực trong thời gian sớm nhất sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập.

Khu thương mại tự do thí điểm tại Đà Nẵng sẽ tạo lợi thế thúc đẩy thu hút đầu tư - Ảnh 1

Theo đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng, Đà Nẵng có nhiều lợi thế thành lập khu thương mại tự do như vị trí chiến lược; về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; về điều kiện kinh tế - xã hội; nguồn nhân lực …

Song thách thức là diện tích đất hạn chế, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên là tài sản quý của Đà Nẵng, cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa khai thác và bảo tồn hệ sinh thái. Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thể đối mặt với nhiều cạnh tranh do tính tương đồng trong các điều kiện phát triển (vị trí địa lý, tiềm năng du lịch…) từ các thành phố trực thuộc Trung ương, các đặc khu kinh tế trong nước và khu vực Đông Nam Á.

Doanh nghiệp phần lớn quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 99%, dòng vốn FDI còn khiêm tốn chiếm khoảng 0,5% cả nước. Cơ chế ưu đãi cho khu thương mại tự do Đà Nẵng theo Nghị quyết 136 còn thiếu cạnh tranh với các đối chuẩn quốc tế, nhất là các cơ chế ưu đãi theo ngành, lĩnh vực thu hút.

Mặc dù vậy, Đà Nẵng vẫn đặt mục tiêu hoàn thiện mô hình Khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành địa bàn có thể chế ưu việt theo thông lệ quốc tế, có sức hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư hàng đầu trong một số lĩnh vực ưu tiên, có lợi thế.

MÔ HÌNH “KIỀNG 3 CHÂN”

Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho biết trong chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam, Hiệp hội đã đề xuất mô hình “kiềng 3 chân”, lấy đòn bẩy logistics trong phát triển kinh tế, đó là: khu thương mại tự do, cảng và sân bay trung chuyển, hành lang kinh tế.

Dẫn chứng một số mô hình khu thương mại tự do trên thế giới theo mô hình kiềng 3 chân. Như Hong Kong là khu thương mại tự do khổng lồ, toàn lãnh thổ họ là khu thương mại tự do. Là cửa ngõ kết nối thế giới và Trung Quốc thông qua cánh cửa Hong Kong.

Hay các khu thương mại tự do của Panama gồm khoảng 20 khu, dày đặc hai bên kênh đào Panama, kết nối thương mại với Bắc Mỹ, tạo hành lang thương mại rộng khắp châu Mỹ, kết nối cả nội vùng Nam Mỹ và thế giới. Hệ thống cảng trung chuyển cũng dày đặc… là cơ hội phát triển khu thương mại tự do.

Mô hình Dubai – khu thương mại Jabel Ali có thế mạnh kết nối với thế giới về hàng không. Giờ đây, khu thương mại Jabel Ali còn mạnh về kết nối đường biển.

Với Việt Nam, khu thương mại tự do thí điểm tại Đà Nẵng sẽ là công cụ tạo lợi thế thúc đẩy thu hút đầu tư vào Đà Nẵng. Cảng Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng vẫn khai thác thấp, chưa được định vị là sân bay trung chuyển. Mới có hành lang kinh tế Đông Tây nối giữa Myanmar và Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ Liên đoàn logistics thế giới, VLA đã đề xuất hành lang mới là IPEC (hành lang kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương). Các quốc gia được kết nối trong IPEC gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Mỹ, Bắc Á, Đông Nam Á.

Năm 2023 Tổng thống Mỹ Biden đã tuyên bố hành lang do Mỹ bảo trợ nối liền Ấn Độ xuyên qua các nước Trung Đông đến đầu Israel và đi thẳng đến châu Âu. Trên cơ sở này, VLA đã mạnh dạn đề xuất Liên đoàn logistics thế giới bảo trợ cùng phát triển hành lang kinh tế IPEC.

Việt Nam đang ở trung tâm vùng châu Á Thái Bình Dương, kết nối thương mại với các nước Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) với tiềm năng thương mại hiện tại là 200 tỷ USD, với Mỹ 246 tỷ USD, Đông Nam Á 97 tỷ USD và với Ấn Độ.

“Chúng ta phải tạo ra được kết nối về thương mại, phải uốn nắn dòng thương mại chảy qua khu thương mại tự do Đà Nẵng. Tức là chúng ta dùng lực đẩy của thương mại quốc tế để chảy qua Việt Nam”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Minh, với vị trí trung tâm ở hành lang thương mại IPEC và cộng với hành lang kinh tế Đông Tây đã được hình thành sẽ thúc đẩy sự tích hợp chuỗi giá trị và tăng cường kết nối trong khu vực Ấn Độ - Đông Dương.

Hành lang IPEC bao phủ 13/16 FTA mà Việt Nam đã ký kết phát triển thương mại. Do sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm cho IPEC bao phủ công xưởng sản xuất thứ 2 của thế giới: Ấn Độ – Việt Nam – Đông Nam Á – Nhật Bản – Hàn Quốc - Mexico.

Ông Minh cũng đưa ra một vài giả thuyết về các chủ hàng tiềm năng cho Đà Nẵng. Đó là trở thành Trung tâm dự trữ bông cho toàn bộ châu Á và tạo mắt xích sản xuất sợi - vải. Vì bông sẽ mua từ Hoa Kỳ để giải bài toán hàng xuất khẩu sang Mỹ thì hàng về là gì? Nhập khẩu bông từ Hoa Kỳ sẽ cân bằng luồng hàng nhập khẩu từ Mỹ với luồng hàng xuất khẩu.

Hiện Đà Nẵng đã xuất hiện doanh nghiệp sản xuất linh kiện máy bay, là hướng hé mở Đà Nẵng có thể là tổ hợp công nghệ ô tô, hàng không – vũ trụ, gắn với Khu kinh tế Chu Lai, Tây Nguyên, hành lang kinh tế Đông Tây và liên kết với hành lang kinh tế có tính bao trùm thương mại – kinh tế - công nghiệp - logistics như hành lang IPEC.

Ngoài ra, nếu phát huy lợi thế đường biển, các ngành hàng như nông sản - thủy hải sản, thực phẩm chế biến, Halal food, dệt may, nội thất… cũng là thế mạnh của Đà Nẵng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate