Một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bơm tiền vào thị trường và tiến hành cắt giảm lãi suất trong ngày hôm nay để ngăn chặn bước tiến của khủng hoảng tài chính.
Australia giảm mạnh lãi suất
Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), tức ngân hàng trung ương nước này, hôm nay đã cắt giảm lãi suất cơ bản 1%, từ mức 7% xuống còn 6%, nhằm tạo một “tấm đệm” cho nền kinh tế trong tình hình tín dụng căng thẳng.
RBA đã phải hành động gấp sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm, khủng hoảng diễn biến theo chiều hướng xấu ở châu Âu khiến đồng Euro mất giá mạnh so với các loại ngoại tệ khác, giá dầu giảm xuống dưới mức 90 USD/thùng do lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm qua tăng gấp đôi số tiền bơm định kỳ vào thị trường lên 300 tỷ USD.
Mức cắt giảm lãi suất nói trên của RBA mạnh hơn dự báo trước đó của giới quan sát và là mức cắt giảm lãi suất lớn nhất ở Australia kể từ lần suy thoái năm 1992 tới nay.
“Động thái cắt giảm lãi suất mạnh hơn bình thường là phù hợp nhằm cắt giảm đáng kể chi phí cho người đi vay tiền”, Thống đốc RBA Glenn Stevens phát biểu. Theo Viện Địa ốc của Australia, việc cắt giảm lãi suất 1% này sẽ giúp một người vay 250.000 Đô la Australia (tương đương 181.000 USD) để mua nhà ở nước này giảm được số tiền thanh toán nợ hàng tháng một khoản là 200 Đô la Australia.
Các ngân hàng trên khắp thế giới bắt đầu đẩy mạnh găm giữ tiền mặt từ sau vụ phá sản của Lehman Brothers, đẩy lãi suất cho vay liên tục tăng cao trên phạm vi toàn cầu trong những ngày gần đây. Ngày 6/10, lãi suất Libor kỳ hạn 3 tháng trên thị trường liên ngân hàng ở London đã tăng lên mức 4,29%, đạt mức chênh cao nhất so với lãi suất USD cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kể từ khi FED bắt đầu áp dụng loại lãi suất này như một công cụ điều hành chính vào khoảng năm 1990.
Thị trường chứng khoán Australia và tỷ giá Đô la Australia cùng tăng sau khi quyết định cắt giảm lãi suất trên, đạt mức 72,29 xu Mỹ đổi được 1 Đô la Australia. Hiện Đô la Australia đã mất giá 28% so với mức cao kỷ lục trong vòng 25 năm là 98,49 xu Mỹ đổi được 1 Đô la Australia hôm 16/7.
“Phát súng” mở màn
Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, sẽ có ít nhất 24 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tiến hành họp vào tháng này. Các nhà phân tích cho rằng, việc RBA cắt giảm lãi suất mạnh tay ngày hôm nay có thể sẽ là “phát súng” mở màn cho một đợt phối hợp hành động cắt giảm lãi suất trên toàn cầu để chặn bước tiến của khủng hoảng.
Hội đồng Thương mại Anh cho rằng, trong cuộc họp ngày 9/10 này, Ngân hàng Trung ương Anh (BoA) có thể cắt giảm lãi suất đồng Bảng 0,5% xuống còn 4,5%.
Giới quan sát cũng cho rằng, trong cuộc họp ngày 28-29/10 tới, FED sẽ hạ lãi suất cơ bản USD xuống từ mức 2% hiện nay.
Ngân hàng Morgan Stanley hôm nay cũng dự báo, Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 5 lần trong thời gian từ nay tới cuối năm 2009. Theo đó, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm của Trung Quốc sẽ giảm xuống từ mức 7,2% hiện nay xuống mức 5,85% rồi mới dừng lại.
Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tức ngân hàng trung ương của nước này, đã cắt giảm lãi suất cho vay 1 năm từ 7,47% xuống còn 7,2%, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên trong vòng 6 năm qua.
Nhật duy trì lãi suất, bơm tiền
RBA và Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) sáng nay đã bơm tổng số tiền 11 tỷ USD vào hệ thống tài chính hai nước. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng tại Nhật đang ở mức 0,87%, cao nhất từ đầu năm đến nay, buộc BoJ bơm số tiền 1.000 tỷ Yên, tương đương 9,8 tỷ USD vào thị trường tiền tệ.
RBA cũng bơm 1,815 tỷ Đô la Australia, tương đương 1,3 tỷ USD, vào hệ thống ngân hàng Australia.
Trong ngày hôm nay, BoJ đã duy trì lãi suất cơ bản đồng Yên ở mức 0,5% và thừa nhận, sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể ngưng lại, đồng thời nhận định, viễn cảnh kinh tế Nhật ở thời điểm này là khá mờ mịt. BoJ cho rằng, kinh tế Nhật sẽ khởi sắc “trong dài hạn”.
Hàn Quốc có thể dùng tới dự trữ ngoại hối
Tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Tài chính nước này là ông Shin Je Yoon hôm nay tuyên bố sẽ sử dụng tới nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này để bơm vốn vào hệ thống tài chính trong trường hợp cần thiết.
Trong ngày hôm nay, tỷ giá đồng Won của Hàn Quốc có lúc sụt giảm tới 7% xuống mức thấp mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua do những lo ngại về việc giới đầu tư quốc tế sẽ tháo chạy khỏi các thị trường đang nổi lên như Hàn Quốc trong bối cảnh khủng hoảng căng thẳng như hiện nay.
Lúc đóng cửa tại Seoul, đồng Won mất giá 4,4%, còn 1 USD đổi được 1.328,1 Won. Từ đầu năm tới nay, đồng Won đã mất giá 30%.
Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Kang Man Soo tuyên bố, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nước này là ổn định đồng nội tệ, đồng thời thúc giục các ngân hàng trong nước bán đi các tài sản nước ngoài để có tiền cho các doanh nghiệp trong nước vay vì việc vay tiền trên thị trường quốc tế hiện rất khó khăn.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng, hôm qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã có hành động can thiệp vào thị trường sau khi đồng Won mất giá tới 5,6%. Hiện hàn Quốc là nước có lượng dự trữ ngoại hối 243,2 tỷ USD, lớn thứ 6 trên thế giới.
Indonesia ưu tiên chống lạm phát
"Lạc điệu" với xu thế cắt giảm lãi suất của thế giới như được dự đoán ở trên, Ngân hàng Trung ương Indonesia hôm nay đã tăng lãi suất cơ bản từ mức 9,25% lên mức 9,5% để chống lạm phát và giữa giá đồng Rupiah.
Hôm qua, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Indonesia giảm tới 10% do tác động của khủng hoảng toàn cầu, tuy nhiên, đối với các nhà chức trách nước này, chống lạm phát là mục tiêu cấp thiết hơn vào thời điểm hiện nay.
Tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng của Indonesia tăng 12,1%, cao nhất trong vòng 2 năm, sau khi đã tăng 11,85% trong tháng 8.
(Theo Bloomberg, CNBC)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate