May 08, 2023 | 12:29 GMT+7

Khủng hoảng trần nợ Mỹ: Hai đảng vẫn tranh cãi kịch liệt, giới chức Mỹ bất an cao độ

Bình Minh -

Các quan chức tài chính Mỹ tiếp tục có những lời cảnh báo u ám về “sự hỗn loạn” và “thảm hoạ” kinh tế có thể ập đến nếu nước Mỹ không nâng được trần nợ quốc gia, trong bối cảnh Washington đang nhích dần tới vực thẳm vỡ nợ vào đầu tháng 6...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen - Ảnh: Bloomberg.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen - Ảnh: Bloomberg.

Trước thềm một cuộc họp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội nước này vào ngày thứ Ba (9/5), các quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ nhắc lại những lời cảnh báo u ám về “sự hỗn loạn” và “thảm hoạ” kinh tế có thể ập đến nếu nước Mỹ không nâng được trần nợ quốc gia, trong bối cảnh Washington đang nhích dần tới vực thẳm vỡ nợ vào đầu tháng 6.

“Tôi biết là những người Cộng hoà muốn thiết lập một quy trình trong đó các ưu tiên và hạn mức về chi tiêu được thảo luận và đàm phán, nhưng các cuộc đàm phán đó không nên diễn ra theo kiểu có một khẩu súng kề vào đầu nhân dân Mỹ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói trong chương trình ABC This Week hôm Chủ nhật.

“THẢM HOẠ” ĐANG CHỜ NƯỚC MỸ

Các thành viên cấp cao của Đảng Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ muốn ràng buộc việc nâng trần nợ với cắt giảm ngân sách và chi tiêu, nhưng chính quyền ông Biden cho rằng đây là hai vấn đề tách biệt.

Bà Yellen và Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đều đưa ra một bức tranh u ám về “sự hỗn loạn kinh tế” nếu trần nợ không được nâng kịp thời và khẳng định các số liệu mới nhất của Bộ Tài chính vẫn cho thấy nước này có thể vỡ nợ ngay vào ngày 1/6.

“Nếu chúng ta rơi vào cảnh vỡ nợ, việc đó sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lãi suất, mà lãi suất là điều quan trọng nhất đối với bất kỳ ai muốn mua nhà, mua xe, hay những ông ty muốn đầu tư”, ông Adeyemo nói trong một chương trình của kênh MSNBC, cảnh báo rằng môi trường bất ổn hiện nay đã có ảnh hưởng tới nền kinh tế vì các doanh nghiệp đang lên kế hoạch cho một “thảm hoạ” có thể xảy đến thay vì vạch ra những khoản đầu tư tương lai.

“Chúng ta đã bắt đầu chứng kiến tác động đối với nền kinh tế từ việc Quốc hội không giải quyết được bất ổn này”, ông Adeyemo phát biểu.

Các chuyên gia kinh tế của nhà trắng Nhà Trắng và các nhà phân tích độc lập đã cảnh báo rằng tình trạng bấp bênh hiện nay và khả năng vỡ nợ của Washington có thể gây ra tác động hủy hoại đối với nền kinh tế Mỹ, khiến thị trường chứng khoán lao dốc và xóa sổ hàng triệu việc làm.

“Nếu họ không giải quyết được rắc rối này, chúng ta sẽ gặp phải một thảm họa kinh tế và tài chính do chính chúng ta gây ra và Tổng thống Biden cũng như Bộ Tài chính Hoa Kỳ không thể làm gì để ngăn chặn thảm họa đó”, bà Yellen phát biểu và nói thêm rằng “chẳng có lựa chọn khả dĩ nào khác” nếu Quốc hội không hành động.

Bình luận trên của người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra khi một số người suy đoán về khả năng ông Biden viện dẫn Tu chính án thứ 14 (14th Amendment) trong Hiến pháp Mỹ, hoặc thực hiện một hành động cực đoan nào đó khác, nếu trần nợ không được nâng lên kịp thời. “Tôi vẫn chưa tính đến việc đó”, ông Biden nói trong một cuộc phỏng vấn vào hôm thứ Sáu khi được hỏi về một động thái như vậy.

Mặc dù viện dẫn Tu chính án thứ 14 là một giải pháp trên phương diện lý thuyết, các chuyên gia cũng cho rằng việc Tổng thống đơn phương phát hành nợ mà không tăng trần sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp và tạo ra sự bất ổn nghiêm trọng dẫn đến khủng hoảng kinh tế và tài chính. Các chính quyền trước đây đã coi một động thái như vậy là không khả thi.

 “Không có cách nào để bảo vệ hệ thống tài chính và nền kinh tế của chúng ta ngoài việc Quốc hội làm công việc của mình và nâng trần nợ”, bà Yellen khẳng định.

CUỘC ĐẤU KHẨU CỦA HAI ĐẢNG

Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận một đề xuất rõ ràng, sạch sẽ về việc tăng trần nợ. Theo dự kiến, ông Biden sẽ ngồi lại với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - một nghị sỹ Cộng hoà đến từ bang California - và các nhà lãnh đạo Quốc hội khác vào ngày thứ Ba để thảo luận về trần nợ.

Vào hôm Chủ nhật, Chủ tịch Uỷ ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Patrick McHenry đã bày tỏ sự “bi quan khiêm tốn” về triển vọng đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ. Vị nghị sỹ Cộng hòa đến từ North Carolina này nói trên chương trình Face the Nation của đài CBS rằng thỏa hiệp cuối cùng để tăng giới hạn nợ sẽ phải “rất giống với dự luật mà chúng tôi đã thông qua ở Hạ viện. Ông nói thêm rằng “ở giai đoạn này của cuộc chơi, một thành phần quan trọng mà tôi chưa có được chính là những gì mà chính quyền sẽ phải chấp nhận”.

Dự luật được phe Cộng hoà khởi xướng và đã thông qua ở Hạ viện do phe này chiếm đa số đề xuất nâng trần nợ quốc gia Mỹ thêm 1,5 nghìn tỷ USD từ mức 31,4 nghìn tỷ USD hiện nay, đổi lại là một khoản cắt giảm chi tiêu tương tự của Chính phủ liên bang. Dự luật này được cho là khó được thông qua ở Thượng viện do những người Dân chủ chiếm đa số. Tuy nhiên, dự luật chủ yếu nhằm củng cố các nỗ lực của Đảng Cộng hoà để đàm phán với Đảng Dân chủ.

Hôm Chủ nhật, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện, ông Hakeem Jeffries, đã gọi đề xuất của Đảng Cộng hoà là “lá thư tống tiền”, là “Đạo luật nước Mỹ vỡ nợ”.

“Phe Cộng hòa muốn chúng tôi chấp nhận những khoản cắt giảm chi tiêu mạnh tay này hoặc chấp nhận một vụ vỡ nợ quốc gia thảm khốc. Đó là lập trường vô lý và hy vọng trong vài ngày tới, đảng Cộng hòa sẽ tỉnh táo và làm những gì đúng đắn với người dân Mỹ”, ông Jeffries nói trong chương trình Meet the Press của kênh NBC.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ độc lập Kyrsten Sinema đến từ bang Arizona cho rằng Đảng Cộng hòa và Nhà Trắng phải rà soát các phương án nâng trần nợ vì cả hai lập trường hiện nay đều khó được thông qua.

“Thực tế là dự luật mà ông McCarthy và các đồng nghiệp của ông ấy đã thông qua Hạ viện sẽ không phải là giải pháp. Thượng viện sẽ không thông qua dự luật đó. Nhưng những gì Tổng thống đang đưa ra cũng không phải là một giải pháp thực tế. Không thể có một giới hạn nợ sạch sẽ và đơn giản. Sẽ không có đủ phiếu thuận cho phương án đó”, bà Sinema nói với kênh CBS vào hôm Chủ nhật, cho rằng hai bên cần thương lượng một giải pháp “bảo vệ toàn bộ niềm tin và uy tín của nước Mỹ”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate