Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng với mức tăng trung bình 7,2%. Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/1/2026.
Với đề xuất mức tăng 7,2%, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 – 350.000 đồng/tháng tùy từng vùng lương, mức bình quân chung đạt 4,47 triệu đồng/tháng.
Lương tối thiểu vùng I sau điều chỉnh từ ngày 1/1/2026 dự kiến sẽ tăng từ 4,96 triệu đồng/tháng lên 5,31 triệu đồng/tháng; vùng II tăng từ 4,41 triệu đồng/tháng lên 4,73 triệu đồng/tháng; vùng III tăng từ 3,86 triệu đồng/tháng lên 4,14 triệu đồng/tháng; vùng IV tăng từ 3,45 triệu đồng/tháng lên 3,7 triệu đồng/tháng.
Trao đổi về lý do cần thiết sớm tăng lương tối thiểu vùng, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết các chỉ số kinh tế nửa đầu năm 2025 rất tích cực, tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 15 năm qua; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI); thu ngân sách cũng khả quan; số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng giảm...
Bên cạnh đó, định hướng chiến lược phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước đã thể hiện tầm nhìn, tư duy khoa học, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương từ trên xuống dưới, thống nhất, đồng lòng để cùng phát triển.
Đàng và Nhà nước cũng đã tập trung tháo gỡ các chính sách bất cập cho doanh nghiệp, theo đó đã giảm thiểu các chi phí chính thức và không chính thức. Đặc biệt, nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là việc giảm thuế đã tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Như vậy, doanh nghiệp đang được hưởng rất nhiều thuận lợi. Đồng nghĩa người lao động cũng phải được hưởng lương, thu nhập tương xứng.
Theo ông Hiểu, tình hình đời sống người lao động hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi giá cả tiêu dùng tiếp tục tăng, trong đó có nhiều mặt hàng rất thiết yếu như giá xăng, giá điện, tiền thuê nhà…
Đây là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy sức mua và chi tiêu của người lao động bị tác động, càng làm nổi bật nhu cầu phải có một mức điều chỉnh lương phù hợp, đủ để bù đắp phần nào tác động của lạm phát.
“Năm nay, chúng ta đặt mục tiêu tăng tưởng 8%, và từ sang năm tăng trưởng 2 con số. Với mức tăng trưởng này, chúng tôi thấy rằng phải đảm bảo mức lương, thu nhập xứng đáng để tạo động lực cho người lao động làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ”, ông Hiểu nói.

Đồng thời, việc tăng lương cho người lao động cũng tạo áp lực để doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao. Còn người lao động sẽ có niềm tin, phấn khởi để làm việc trong yêu cầu hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Ngoài ra, ông Hiểu cho biết nếu so sánh với các đối tác khác đang cạnh tranh với Việt Nam trong xuất khẩu, nhất là ở lĩnh vực thâm dụng lao động, cho thấy hầu hết các nước hiện đã công bố mức áp thuế đối ứng với phía Mỹ.
Việt Nam dù chưa có thông báo mức thuế chính thức từ phía Mỹ, nhưng cần chuẩn bị để cạnh tranh với chính các đối tác khác liên quan đến Việt Nam.
Liên quan đến lương tối thiểu vùng, tại Nghị quyết số 205/NQ-CP ngày 6/7/2025 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ cũng giao các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện hiệu quả các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, nhất là việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng để đảm bảo đời sống cho người lao động.
Trong hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường được điều chỉnh vào ngày 1/1 hằng năm, riêng năm 2022 và 2024 là từ ngày 1/7, với cùng mức tăng 6%.
Như vậy, việc Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất thời điểm tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2026 là quay lại thông lệ trước đây nhiều lần điều chỉnh từ ngày 1/1 hàng năm.
Từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu trải qua nhiều lần điều chỉnh với mức tăng như sau: 15,2% (năm 2014); 14,2% (năm 2015); 12,4% (năm 2016); 7,3% (năm 2017); 6,5% (năm 2018); 5,3% (năm 2019); 5,5% (từ năm 2020 đến tháng 6/2022); 6% (từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2024); 6% (từ tháng 7/2024 đến nay).
Lần điều chỉnh gần nhất của lương tối thiểu vùng là vào 1/7/2024, với mức tăng 6%, được đánh giá là hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động, cơ bản đảm bảo mức sống tối thiểu trong năm 2025.
Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Mức lương này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.