Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra hai phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng với mức 8,3% và 9,2%. Trong khi đại diện người sử dụng lao động đề xuất mức cách biệt từ 3 – 5%. Song các bên đều đưa ra thời điểm tăng lương từ ngày 1/1/2026.
CÁC CĂN CỨ ĐỀ XUẤT MỨC TĂNG LƯƠNG
Theo phương án mức tăng bình quân 9,2%, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng từ 320.000 - 450.000 đồng so với năm 2024 - 2025. Còn với phương án tăng 8,3%, mức điều chỉnh dự kiến từ 290.000 - 410.000 đồng.
Lý giải về đề xuất mức tăng trên, ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết mức tăng đã được tổ chức Công đoàn căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, các mục tiêu phát triển đất nước, cũng như những báo cáo tại diễn đàn Quốc hội, cùng với kết quả điều tra, khảo sát thường xuyên của Công đoàn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng dựa vào căn cứ tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Công đoàn cũng bám sát các yếu tố được nêu tại Bộ luật Lao động 2019 để xác định mức lương tối thiểu của người lao động, đó là dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Về căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%. Năm 2025, Quốc hội đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo tiền để để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau; GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
Về năng suất lao động, năm 2024, năng suất lao động tăng 5,88% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Cụ thể, năm 2024, Quốc hội đề ra mức tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 4,8 - 5,3%. Mục tiêu của chiến lược tăng năng suất lao động đến năm 2030 của Việt Nam là đạt trên 6,5%/năm.
Về chỉ số giá tiêu dùng năm 2025, theo Nghị quyết số 158/2024/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Quốc hội đã thông qua mục tiêu kiểm soát lạm phát, cụ thể là tốc độ tăng CPI bình quân năm 2025 khoảng 4,5%.
Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới tăng trưởng cao và ổn định, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng trong năm 2025, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được triển khai, tập trung vào việc giảm, giãn, hoãn và miễn thuế, phí, lệ phí, cũng như hỗ trợ tiếp cận đất đai và tài chính.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW..., được đánh giá là những “cú hích” chính sách, tạo động lực cho khu vực kinh tế này phát triển mạnh mẽ.
Hiện cơ quan Thống kê quốc gia cũng đã thực hiện và hoàn thành điều tra mức sống dân cư năm 2024, mức tăng CPI năm 2024 và dự kiến của năm 2025, 2026, từ đó làm căn cứ xác định mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ cho năm 2025, 2026.
TĂNG LƯƠNG - ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Năm 2026, đất nước tròn 40 năm đổi mới, là năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cũng là năm bắt đầu triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.
Từ những căn cứ trên, tổ chức Công đoàn cho rằng cần thiết phải xây dựng chính sách tiền lương hợp lý, đảm bảo người lao động có đủ thu nhập để trang trải cuộc sống và có tích lũy.

Thực tế các quốc gia và nhiều doanh nghiệp cho thấy, việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động, mà còn là động lực giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, là tiền đề gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.
Mặt khác, trên cơ sở kết quả những tháng đầu năm 2025, và căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, cũng như dự báo, đánh giá của các tổ chức quốc tế có uy tín, sự quyết tâm của Chính phủ, có thể dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2025 sẽ có những bước phát triển thuận lợi với mức tăng trưởng tốt. Đây là cơ sở quan trọng làm căn cứ để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2026.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động - Công đoàn Nhạc Phan Linh cho rằng, nếu mức tăng lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp chỉ quanh mức 5 - 6% thì sẽ tạo ra khoảng cách lớn so với mức tăng sắp tới của khu vực công chức, viên chức. Từ đó có thể gây tâm lý so sánh, tác động đến tâm lý xã hội và sự ổn định chung.
Còn TS. Nguyễn Việt Cường, chuyên gia độc lập của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng nhận định, việc đàm phán tiền lương tối thiểu năm nay có nhiều yếu tố khó dự đoán, do đặt trong bối cảnh liên quan đến đàm phán thương mại Việt - Mỹ. Tác động của tiền lương tối thiểu vùng đến tiền lương thực tế hầu như không đáng kể. Do vậy, ông cho rằng mức tăng khoảng 8% là hợp lý.
Từng nhiều năm tham gia đàm phán tại các phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, Hội đồng cần tổng kết việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng trong một năm qua, trên cơ sở đó để tính toán, đề xuất mức tăng phù hợp.
Phương án điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2026 thì doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Vì hiện nay, các doanh nghiệp đang đứng trước thách thức lớn nhất về thuế, nhất là thuế đối ứng với Mỹ. Trong khi các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động lại chủ yếu làm hàng xuất khẩu đi Mỹ, vì thế cần tính toán chi phí, trong đó có chi phí lao động.
Theo vị chuyên gia, Chính phủ cũng cần cố gắng nỗ lực kiểm soát lạm phát để đảm bảo mức sống người người lao động không bị suy giảm quá nhiều.