Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, về phương án triển khai đầu tư hai tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu (nối TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đi sân bay Long Thành), tỉnh này có thể được giao là đơn vị tổ chức đầu tư xây dựng, nhưng phải được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt.
ĐỒNG NAI: "ĐỊA PHƯƠNG KHÔNG ĐỦ THẨM QUYỀN…"
Các khoản 1, 2 và 4 điều 84 chương IX, Luật Đường sắt 2017 quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt; Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt”.
Dựa vào quy định này, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phân tích: Luật Đường sắt 2017 không quy định việc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia. Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt, Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ quản lý việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt; công bố đóng, mở ga, tuyến đường sắt.
Vì vậy, theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, việc tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu theo quy định là thuộc thẩm quyền Bộ Giao thông vận tải.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phân tích thêm: Tại danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (Quyết định 1831/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 01/11/2021 về danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025), Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải là đơn vị đầu mối liên hệ đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã giao Ban quản lý dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hai tuyến đường sắt trên. Hiện đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo, dự kiến sẽ có kết quả lựa chọn đơn vị tư vấn trong quý III/2022.
Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Hoàng ký, cũng nói rõ: Đây là hai tuyến đường sắt có vốn đầu tư rất lớn, dự kiến sẽ cần huy động thêm các nguồn vốn vay từ các tổ chức nước ngoài. Hai dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao, dự kiến sẽ có sự tham gia của nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công nước ngoài. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai lại chưa có ban quản lý dự án có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm về lĩnh vực đường sắt nên đây cũng là nhược điểm nếu giao Uỷ ban nhân dân tỉnh làm đầu mối triển khai dự án.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng nói thêm: Hai dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định cho nên thời gian thực hiện thủ tục sẽ dài hơn. Vì thế, tỉnh Đồng Nai đề nghị xem xét lựa chọn phương án triển khai hai tuyến đường sắt được thuận lợi để sớm hoàn thành, kịp khai thác cùng với sân bay quốc tế Long Thành, nhằm tăng tính kết nối.
ĐỒNG NAI TỪNG ĐỀ XUẤT XIN LÀM CHỦ ĐẦU TƯ HAI DỰ ÁN
Vào giữa tháng 02/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM đề xuất giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành.
(Tuyến đường sắt nhẹ này kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM đến sân bay quốc tế Long Thành, Đồng Nai và hai địa phương từng làm việc với nhau để thống nhất phương án đầu tư).
Ngày 17/5/2022, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi ký văn bản phản hồi tỉnh Đồng Nai về việc tỉnh này muốn là cơ quan có thẩm quyền đầu tư thực hiện dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.
Uỷ ban nhân dân TP.HCM cho biết, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành là một trong chín tuyến đường sắt quy hoạch mới thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030. Luật Đường sắt năm 2017 không quy định việc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đầu tư các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025, đầu mối liên hệ đối với dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành là Vụ Đối tác công tư thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Do đó, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đề nghị tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất cấp thẩm quyền quyết định giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án này.
Trường hợp bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định, TP.HCM thống nhất đề xuất tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Sau đó, ngày 01/6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành và dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.
Theo tỉnh Đồng Nai, hai dự án đều được hoạch định trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiến độ đầu tư trước năm 2030. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa các tuyến này vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ Giao thông vận tải đã ủng hộ đề xuất này của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai; tuy nhiên, do các tuyến đường sắt nói trên đi qua địa phận nhiều tỉnh, thành nên Bộ Giao thông vận tải đã gửi văn bản cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị thống nhất với các địa phương liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, đầu tháng 12/2021, tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và giao tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Dự án tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành dài 37,5 km, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (Thủ Đức, TP.HCM) và điểm cuối tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 40.566 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu dài 65 km, có điểm đầu tại ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối tại cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng mức đầu tư hơn 50.800 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).