Cục Đường sắt Việt Nam vừa có đề xuất Bộ Giao thông vận tải thống nhất với 13 Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bàn giao cho địa phương tài sản 28 đoạn đường bộ vào ga đường sắt để địa phương tổ chức quản lý, đầu tư, bảo trì, khai thác phục vụ dùng chung cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu vận tải đường sắt quốc gia.
Cụ thể, 13 tỉnh tổ chức đầu tư, bảo trì, khai thác đường bộ vào ga đường sắt gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định.
Các địa phương nói trên có 28 tuyến đường bộ vào 28 ga, đó là: Kim Nỗ, Phú Diễn, Hà Đông (tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển); ga Đa Phúc (tuyến Đông Anh - Quán Triều); ga Mỏ Trạng (tuyến Kép - Lưu Xá); các ga Tiên Kiên, Văn Phú, Lâm Giang (tuyến Hà Nội - Lào Cai); các ga Hạ Long, Cái Lân (tuyến Kép - Hạ Long); ga Nghĩa Đàn (tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn). Tuyến Hà Nội - TP.HCM có đường bộ vào 17 ga, gồm: Núi Gôi, Đồng Giao, Trường Lâm, Hoàng Mai, Cầu Giát, Chợ Sy, Yên Duệ, Chu Lễ, Phúc Trạch, Đại Lộc, Hòa Vinh Tây, Thạch Trụ, Đức Phổ, Thủy Thạch, Bồng Sơn, Vạn Phú, Phù Mỹ.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, nguồn kinh phí bảo trì hàng năm cho đường bộ vào ga không được bố trí, dẫn đến chất lượng đường bộ kém, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của hành khách, làm giảm tính hấp dẫn của vận tải đường sắt; thậm chí nhiều vị trí đường bộ vào ga bị lấn chiếm.
Vẫn theo Cục Đường sắt, một số dự án đầu tư các ga đường sắt như ga Hạ Long, ga Cái Lân, ga Văn Phú, ga Ninh Bình,… sử dụng vốn ngân sách trung ương đều đầu tư đường bộ vào ga và do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quản lý. Còn lại hầu hết đều do địa phương đầu tư, quản lý.
Theo quy định tại Luật đường sắt Việt Nam 2017, đường bộ vào ga đường sắt không phải là công trình đường sắt, cũng không phải là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Tại điểm c mục 2 điều 21 (Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt) quy định: “Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật khi được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng”.
Tuy nhiên, Cục Đường sắt cho biết, nguồn vốn nhà nước ở trung ương bố trí cho đầu tư xây dựng, cải tạo, bảo trì các đường bộ vào ga do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quản lý.
Trên cơ sở đó, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có thể xem xét điều chuyển các tài sản này cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đầu tư, bảo trì, khai thác để thống nhất quản lý đường bộ vào ga, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ người dân và các phương tiện vận tải tiếp cận thuận tiện tới ga đường sắt. Đồng thời, huy động nguồn lực của địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và tính khả thi khi thực hiện.
Trước đó, giữa tháng 4/2022, tại dự thảo báo cáo tổng kết Luật Đường sắt 2017, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, nguồn vốn nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt trong giai đoạn 2016 - 2021 chỉ đạt 6,8% toàn ngành. Trong đó, vốn cho đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia chỉ đạt khoảng 21.288 tỷ đồng, trung bình 2.129 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, Cục Đường sắt cũng cho biết, trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch đến năm 2030 cần khoảng 240.000 tỷ đồng. Song thực tế hiện nay, ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021 - 2025 là 14.025 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,8% so với nhu cầu.
Vì vậy, Cục Đường sắt cho rằng với kinh phí được bố trí như vậy chưa bảo đảm được mục tiêu chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt được nêu tại Luật Đường sắt 2017.
“Với kinh phí được bố trí giai đoạn 2021 – 2025 là 14.025 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,8% so nhu cầu là quá thấp, chưa bảo đảm mục tiêu chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt được nêu tại Luật Đường sắt 2017.
Vì vậy có thể xem xét điều chuyển các tài sản này (đường bộ vào ga đường sắt – NV) cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành tổ chức đầu tư, khai thác, bảo trì để thống nhất quản lý đường bộ vào ga”, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất.