Bộ Xây dựng cho biết, cử tri TP.Hà Nội vừa gửi kiến nghị với nội dung liên quan đến nhà ở xã hội.
Theo cử tri Hà Nội, để tránh những bất cập khi quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, đề nghị Bộ nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, chấp thuận theo hướng bố trí nhà ở xã hội tập trung, thay thế việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, để phục vụ xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên. “Việc này nhằm tạo điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ”, cử tri Hà Nội nhấn mạnh.
Đối với vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời: trong khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì:
Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 Nghị định số 100 về quy mô dự án phải dành quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, theo hướng giảm quy mô sử dụng đất của dự án, dành quỹ đất 20% này để phát triển nhà ở xã hội (từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I).
Quy định cũng góp phần tăng nguồn cung quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội, gián tiếp tăng nguồn cung nhà ở xã hội và góp phần giảm giá bán nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho đối tượng là người thu nhập thấp ở khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận và mua, thuê, thuê mua nhà ở, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, nhằm tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập trong thực tế về quy hoạch khi bố trí quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội ở các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ còn nêu rõ: "Trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương, dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp, thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận".
Bộ Xây dựng cho rằng, bên cạnh những vướng mắc được tháo gỡ tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ, vẫn còn một số nội dung tồn tại cần được sửa đổi trong Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có vấn đề như kiến nghị của cử tri TP.Hà Nội.
Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 (có cả nội dung về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhằm xử lý triệt để bất cập liên quan đến quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị), dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tháng (10/2023).
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Văn Tuấn có thông tin: Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm 2021-2025 (đã được HĐND TP.Hà Nội thông qua). Trên cơ sở đó, xác định nhu cầu nhà ở xã hội đến 2030 trên địa bàn toàn thành phố là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng vào khoảng 12.500 tỷ đồng.
Về kết quả đạt được, giai đoạn 2016-2020, TP.Hà Nội hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn; đang triển khai 52 dự án với khoảng 4,14 triệu m2 sàn. Nhà ở xã hội của thành phố được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị; được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội. Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai 5 khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung, hiện đại với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ.