Tại Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/NQ-CP vừa được trình Chính phủ, cơ quan soạn thảo đã không còn đề xuất thí điểm cơ chế đánh thuế nhà, đất ở thứ 2 trở lên tại TP.HCM.
Thay vào đó, TP.HCM đề xuất tăng thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở không quá 5 lần thu hiện hành; tăng thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên, nhưng không quá 2 lần hiện hành. Mức tăng cụ thể thế nào sẽ do HĐND thành phố quyết định.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sau khi tham vấn các ý kiến, Bộ thấy còn nhiều quan điểm khác và bất cập. Chẳng hạn, chính sách này không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp.
Ví dụ, người có 01 nhà, đất ở diện tích hoặc giá trị lớn sẽ không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu hai nhà, đất ở diện tích, giá trị nhỏ lại chịu thuế cao.
Ngoài ra, việc chưa số hóa giấy tờ giao dịch bất động sản là kẽ hở để nhiều tổ chức, cá nhân lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên. Nên việc đưa ra thí điểm đánh thuế cao với bất động sản thứ 2 lúc này chưa phù hợp.
Ngoài ra, nếu áp dụng cơ chế này, thị trường bất động sản tại TP.HCM sẽ bị tác động đáng kể, làm giảm cung và cầu bất động sản tại thành phố. Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chưa đưa chính sách này vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
Mới đây, ngày 04/3/2023, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở Tài chính đề nghị không tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên tại TP.HCM vào thời điểm hiện nay và không thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở.
Theo HoREA, đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên tại TP.HCM không hợp tình hợp lý, nhất là trong lúc thu nhập của các hộ gia đình, cá nhân nhìn chung đang bị sụt giảm và cả nước đang trong quá trình nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 lại phải đương đầu với những thách thức rất lớn của "các cơn gió ngược" tác động từ bên ngoài.
Đồng thời, đề xuất này cũng không phù hợp với lộ trình dự kiến đến khoảng năm 2025 Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế. Trong đó có đề án về luật Thuế tài sản (Thuế bất động sản) và nhất là hiện nay dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) bỏ khung giá đất và giao cho cấp tỉnh ban hành "bảng giá đất" hàng năm theo nguyên tắc việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường. Điều này có nghĩa là giá đất trong bảng giá đất sẽ cao hơn và không còn tình trạng giá đất quá thấp, chỉ bằng khoảng 30 - 50% giá đất trên thị trường như hiện nay.
Hiệp hội cho rằng, mức thuế suất sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở tính trên mức giá của bảng giá đất hiện nay như sau: Áp dụng thuế suất 0,03% đối với diện tích đất ở trong hạn mức; áp dụng thuế suất 0,07% đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức; áp dụng thuế suất 0,15% đối với phần diện tích đất ở vượt quá 3 lần hạn mức.
Nhưng nếu tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở theo phương án thí điểm sẽ khiến tăng thêm mức chịu thuế của người dân tại TP.HCM và càng không hợp lý. Bởi lẽ chỉ trong khoảng 2 năm nữa sẽ xem xét sửa đổi các luật thuế, trong đó dự kiến bổ sung thuế tài sản và dự kiến Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét ban hành vào cuối năm 2023.
HoREA nhận thấy, với đề xuất thí điểm tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên với mức thuế suất tăng khá cao so với mức thuế suất hiện nay là 2% giá trị hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất thì người bán, chuyển nhượng nhà đất thứ 2 tại TP.HCM sẽ phải nộp thêm tiền thuế do được thí điểm trước là không hợp tình hợp lý.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính khi xây dựng đề án luật Thuế tài sản (Thuế bất động sản). Trong đó có nghiên cứu đánh thuế người có nhiều nhà đất hoặc chậm hoặc không đưa nhà đất vào sử dụng thì cần phải đánh giá tác động của luật thuế thật đầy đủ, chính xác đối với các đối tượng chịu thuế, nhất là đối với hộ gia đình, cá nhân để luật thuế vừa tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước, vừa phù hợp với đối tượng chịu thuế, vừa bồi dưỡng nguồn thu, không tận thu, vừa là công cụ hiệu quả để điều tiết thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Do vậy, tại thời điểm hiện nay, đề nghị không thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở và không tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên tại TP.HCM.
Trước đó Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản. Trong đó, đề xuất phương án áp dụng mức thuế tài sản chung (gồm cả đất và nhà) với tỷ lệ 0,3% nếu xác định ngưỡng nhà không chịu thuế dưới 1 tỷ đồng hoặc áp dụng tỷ lệ 0,4% nếu ngưỡng nhà không chịu thuế là 700 triệu đồng. Phương án này được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng và dự kiến mang về cho ngân sách khoảng 31.000 tỷ đồng.