September 26, 2012 | 10:44 GMT+7

Kiến nghị công nhận đảo Cát Bà là di sản thế giới

Ngô Trang

Thủ tướng vừa chấp thuận việc ký hồ sơ trình UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là di sản thế giới

Một góc đảo Cát Bà.
Một góc đảo Cát Bà.
Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký hồ sơ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) xem xét, đưa vào danh mục di sản thế giới đối với quần đảo Cát Bà (Hải Phòng).

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới UNESCO.

Quần đảo Cát Bà bao gồm 367 hòn đảo lớn, nhỏ, nằm ở phía Nam Vịnh Hạ Long và ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 30 km và cách thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 25 km.

Đảo lớn nhất của quần đảo là đảo Cát Bà (còn gọi là đảo Ngọc), là hòn đảo lớn nhất trong tổng số 1.969 đảo của Vịnh Hạ Long.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định xếp hạng quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng là danh thắng cấp quốc gia. Đây là cơ sở để địa phương tiếp tục giúp triển khai các bước trình UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà - Long Châu là di sản thế giới.

Trước đó, Hội đồng di sản quốc gia gồm 27 thành viên họp với Ủy ban UNESCO Việt Nam và UBND thành phố Hải Phòng đã thông qua hồ sơ trình UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà-Long Châu là di sản thiên nhiên thế giới.

Hiện Việt Nam có 7 di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới, gồm: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, (di sản thiên nhiên) và 5 di sản văn hóa khác là Quần thể di tích Cố đô Huế, Thành phố Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng Thành Thăng Long và Thành nhà Hồ.

Ngoài ra, có 9 di sản phi vật thể khác cũng được UNESCO xem như là di sản thế giới, như: Nhã Nhạc Cung Đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca Trù, Quan họ Bắc Ninh…
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate