Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc về rà soát, đánh giá tình hình, xu thế biến động giá nhiên liệu đối với lĩnh vực vận tải hàng hải.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của hiệp hội, các doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam chỉ rõ, từ năm 2021, giá dầu trên thế giới bắt đầu gia tăng, mức tăng trung bình khoảng 67,3% so với năm 2020.
Đến đầu năm 2022, giá dầu tiếp tục tăng cao, đỉnh điểm do căng thẳng chính trị của một số nước trên thế giới, đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Vì vậy, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành, Chính phủ xem xét kiểm soát mức tăng giá nhiên liệu ở mức vừa phải với các biện pháp cụ thể.
Đối với lĩnh vực vận tải, giá nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí của doanh nghiệp, khoảng 35-50% trong cơ cấu giá thành, do vậy, giá nhiên liệu tăng sẽ tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và giá vận tải.
Chẳng hạn, giảm thuế bảo vệ môi trường từ 2.000-3.000 đồng/lít, thời gian áp dụng từ tháng 3/2022.
Đồng thời, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 10% xuống 5-6%. Sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để điều tiết giá một cách khoa học, hợp lý trong trong đoạn giá tăng cao như hiện nay.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét chính sách hỗ trợ giảm 50% phí và lệ phí của phương tiện ra vào các vùng nước để giao nhận hàng hóa tại khu vực cảng biển và các bến thủy nội địa, thời gian thực hiện từ tháng 4/2022 đến hết 31/12/2022.
Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải từ 8% xuống 5% và xem xét điều tiết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vận tải từ 20% xuống 15%.
Một doanh nghiệp đại lý hãng tàu tại Hải Phòng cho biết, nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, sớm muộn các hãng tàu container cũng sẽ tăng giá cước theo xu hướng chung của toàn ngành logistics.
Nhiều dịch vụ vận tải hành khách, vận tài hàng hóa đường bộ cũng đang tính toán để tăng giá cước. Trong đó, hãng taxi công nghệ Grab thông báo mức tăng giá tất cả dịch vụ từ 10/03 với mức tăng từ 2.000 – 2.500 đồng cho 2km đầu tiên và 500 – 600 đồng cho các km tiếp theo.
Các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng như các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định cũng đang tính toán mức tăng giá phù hợp nhằm không gây ảnh hưởng quá lớn do hiện nay nhu cầu đi lại vẫn thấp, việc tăng giá có thể càng gây ảnh hưởng đến kinh doanh.
Nhiều hãng hàng không cũng vừa "kêu cứu" khi chi phí nhiên liệu bay đối với hãng hàng không chiếm tỷ trọng lớn, hơn 30% trên tổng chi phí hoạt động khai thác. Giá nhiên liệu bay Jet-A1 có xu hướng tăng cao từ mức trung bình khoảng gần 73 USD/thùng năm 2021 lên tới khoảng 100 USD/thùng, tương ứng mức tăng 37%.
Vì vậy, hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietravel Airlines vừa kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ giao thông vận tải và các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% so với mức 7% hiện nay.
Đồng thời, điều chỉnh giảm mạnh tay thuế bảo vệ môi trường với nhiên liêu bay, về mức 1.000 đồng/lít hoặc miễn 100%, áp dụng đến hết năm 2022. Bên cạnh đó, hỗ trợ giảm 50% giá dịch vụ ngành hàng không. Đối với các khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, đề nghị hỗ trợ giảm 50% giá/phí cho đến hết năm 2022.
Trước tình hình giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới và trong nước có biến động tăng, trong cuộc họp gần đây, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ khẩn trương có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phản ánh về tình hình, xu hướng biến động giá nhiên liệu, tác động của biến động giá đối với lĩnh vực vận tải và đề xuất giải pháp kiểm soát giá dịch vụ vận tải để Thường trực Chính phủ kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.