Sau 6 lần liên tục leo thang kể từ cuối tháng 12/2021, giá xăng dầu trong nước phá đỉnh 8 năm; trong đó, xăng RON 95 tiến sát ngưỡng lịch sử 27.000 đồng/lít, một số chuyên gia dự kiến có thể lên tới 30.000 đồng/lít.
Theo các chuyên gia, giá xăng dầu trong nước hiện nay chịu tác động kép bởi 2 yếu tố: nguồn cung trong nước khan hiếm và giá thế giới leo thang – hệ quả của những biến động chính trị, đặc biệt là chiến sự Nga – Ucraine cùng lạm phát khắp thế giới, nhất là Mỹ, Trung Quốc.
XĂNG DẦU TĂNG GIÁ VÔ HIỆU HOÁ CHÍNH SÁCH GIẢM VAT
Bộ Tài chính lo ngại, nhiều mặt hàng thiết yếu từ lương thực, thực phẩm, tới xăng dầu liên tục tăng giá trong khi “hầu bao” của nhiều người dân có thu nhập thấp vẫn phải thắt chặt vì dịch bệnh, khiến nguy cơ lạm phát bắt đầu nhen nhóm trong đời sống người dân cũng như nền kinh tế.
“Dự đoán CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,42%. Tuy nhiên, CPI tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 tăng khoảng 4,9% do một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như tổng cầu hồi phục từ sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế cũng làm tăng áp lực lên mặt bằng giá; chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ”.
Liên quan đến kết quả công tác quản lý, điều hành giá trong 2 tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 biến động tăng. Trong đó, ngoài những tác động theo quy luật hàng năm do trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng thế giới, trong đó, có mặt hàng xăng dầu và gas.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giá xăng dầu thế giới đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, lý do là căng thẳng chính trị giữa Nga – Ucraine chưa tìm thấy lối thoát, dự trữ xăng dầu nhiều quốc gia giảm mạnh trong khi xu hướng đầu tư trên toàn thế giới tiếp tục được mở rộng. Bởi vậy, những kỷ lục của giá dầu thô diễn ra hiện nay chưa có dấu hiệu chững lại, dù đã đạt đỉnh kể từ năm 2014.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Như vậy, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 6 đợt. Theo đó, giá xăng RON 95 tăng 2.990 đồng/lít; giá xăng E5RON92 tăng 2.980 đồng/lít và giá dầu diesel tăng 3.230 đồng/lít. Một chuyên gia phân tích: bình quân 2 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.
Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có mức tác động lớn nhất đến CPI 2 tháng đầu năm, trong đó, giá gas trong nước tăng từ ngày 1/2 sau khi giảm trong tháng trước và mức giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng 6 lần kể từ đầu năm đến nay.
Ở chiều ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2 góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.
Tuy nhiên, điều các chuyên gia kinh tế lo ngại là chính sách giảm thuế suất thuế VAT 2% trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị "vô hiệu hóa" từ các đợt tăng giá xăng dồn dập.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa giảm thuế VAT và giảm chưa đồng đều. Ông Phú cho rằng, dự kiến chính sách giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ nguồn kinh phí khổng lồ 49.000 tỷ đồng, nhưng đối tượng hưởng lợi phần lớn là người có nhập cao.
“Với mức lương khoảng 15 triệu/tháng, người tiêu dùng sẽ mua sắm tại siêu thị nhưng dưới mức thu nhập này, phần lớn tiêu dùng ở các chợ dân sinh nhưng tại đây không có giảm VAT. Không lẽ giảm VAT chỉ dành cho người thu nhập khá?”, ông Phú đặt câu hỏi.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, chính giá xăng dầu mới ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người dân. Theo ông, các nhà quản lý thiếu nhạy bén do chuyên gia đề xuất giảm thuế, phí xăng dầu ròng rã nhiều tháng nhưng chỉ đến khi Thủ tướng Phạm Minh Chính “ra lệnh” khoảng 10 ngày, Bộ Tài chính mới trình đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
CẦM 500 NGHÌN ĐI CHỢ NHƯ CẦM "VIÊN ĐÁ LẠNH", TAN RẤT NHANH
Hiện tại, mặt bằng giá cả hàng hóa rục rịch tăng từ 5% - 30%, cả tăng ngầm lẫn công khai, từ đó, đánh vào túi tiền của người dân, nhất các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau quả, thuốc chữa bệnh…
Dẫn câu chuyện từ thực tế, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng một gói bim bim điều chỉnh trọng lượng giảm từ 39 gram xuống 37 gram, nhà sản xuất thay đổi bao bì rất tế nhị để che mắt người tiêu dùng. “Không ít hộ kinh doanh, đơn vị té nước theo mưa đã làm như vậy. Người dân cầm 500.000 đồng đi chợ như cầm "viên đá lạnh" trong tay, tan rất nhanh”, ông Phú ví von.
Thực tế, tiền lương nhiều người lao động vốn đã thấp lại chỉ nhích vài phần trăm trong khi giá cả trượt giá kinh khủng, đã dồn áp lực lên người lao động, đặc biệt là cộng đồng thu nhập thấp.
Phân tích kỹ hơn về nguyên nhân mặt bằng giá mới được xác lập, ông Vũ Vinh Phú lưu ý đến 2 nhân tố.
Thứ nhất, giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao trong khi nhiều ngành sản xuất trong nước như dệt may, da dày, điện tử… vẫn nhập khẩu nguyên vật liệu các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore…
“Nếu giá dầu lên mức 150 USD/thùng trong khi trong nước không hạ nhiệt được giá xăng dầu, không tổ chức tốt hệ thống phân phối, không điều hành tốt nội bộ, giảm phí thuế, siết chặt chống buôn lậu, cắt giảm khâu trung gian, làm hạ tầng thương mại… thì coi chừng lạm phát lên mức 4,5-5% là chắc chắn.
Nếu giá dầu duy trì dưới mốc 100 USD/thùng, điều hành tốt giá xăng dầu, giảm bớt phí, thuế, tổ chức hệ thống phân phối tốt, lưu thông hàng hóa thông suốt, không ngăn sông cấm chợ, làm ăn tử tế với nhau thì câu chuyện sẽ khác. Tôi cho rằng phải gấp rút hạ giá thuế bảo vệ môi trường, bỏ lợi nhuận định mức, bỏ bình ổn giá để kìm giá xăng xuống khoảng 17.000 - 20.000 đồng/lít”.
Giá cả Tổng cục thống kê mới phản ánh 60% thực tế, quyền số chỉ gồm 500 mặt hàng thiết yếu còn cuộc sống hàng nghìn mặt hàng. Điều này lý giải nguyên nhân giá cả thị trường tăng ầm ầm nhưng chỉ số CPI chỉ tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%”.
Thêm vào đó, “cú sốc” từ giá xăng dầu bồi liên tục, khiến khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam gặp không ít trở ngại. Mặt khác, tình hình địa chính trị Ukraina-Nga, mâu thuẫn giữa các nước OPEC+, Nga, Ả Rập dẫn đến nguồn cung dầu khan hiếm, dự trữ không còn nhiều và dự báo tiếp tục đứt đoạn. Giá dầu Brent ngày 3/3 chạm mức đỉnh mới lên tới 115 USD/thùng trước bối cảnh các lệnh cấm vận mới đối với Nga có thể làm trầm trọng hơn gián đoạn nguồn cung, đây một cú sốc rất mạnh tới giá cả hàng hoá. Thậm chí, tổ chức JPMorgan Chase & Co cho rằng, kết thúc năm 2022, giá dầu Brent có thể lên tới 185 USD/thùng nếu nguồn cung từ Nga không tiếp cận được thị trường.
Thứ hai, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy 2 năm qua khiến giá cước container, cước vận chuyển đường biển xuất khẩu… tăng lên 2 - 3 lần thậm chí 4 lần.
Mặt khác, hệ thống phân phối chưa được đầu tư đúng mực. Hiện nay, 10% hàng tươi sống bán ở siêu thị, 90% ở chợ nhưng tại Hà Nội có nhiều năm không “rót” đồng nào cải tạo chợ, chợ dân sinh luôn nhếch nhác mái che, mái vẩy, hệ thống phân phối bị “bỏ quên”.
Củ khoai nông dân sản xuất ra chỉ 5.000 đồng, nhưng đến siêu thị lên tới 20.000 đồng do trung gian chiết khấu 30-40%, một số nhà bán lẻ thao túng độc quyền, thậm chí 3 tháng sau bán hàng mới thanh toán, chiếm dụng vốn. Đó còn chưa kể chi phí đầu kệ, phong bì… khiến hàng hoá đội giá khi đến tay người tiêu dùng.
Điều đáng nói, giao dịch thương mại của Việt Nam không công khai, minh bạch. Ở nhiều quốc gia có sàn giao dịch nông sản, nơi người mua – người bán gặp nhau. Còn tại Việt Nam mua bán dấm dúi, mua đứt bán đoạn, ép giá ngay từ con cá đánh từ biển lên.
THÁCH THỨC MỤC TIÊU KIỂM SOÁT LẠM PHÁT
Căn cứ diễn biến giá cả thị trường 2 tháng đầu năm và các dự báo cho năm 2022, Bộ Tài chính cho rằng có nhiều rủi ro tiềm ẩn cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022.
Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Một trong những giải pháp góp phần kiểm soát giá cả đó là Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội xăng dầu đối với Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Phân tích cấu phần trong giá mỗi lít xăng phá kỷ lục lịch sử, 4 loại thuế chiếm 38% giá xăng và đối với dầu khoảng 20%. Tức với 1 lít xăng A95, người dân phải “còng lưng” gánh tới hơn 11.300 đồng thuế, phí. Trong lúc bình thường, khi giá xăng thấp, mức phí, thuế khoảng 7.000 – 8.000 nhưng hiện phí, thuế lên đến 11.000 – 12.000 đồng.
Trong đó, thuế bảo vệ môi trường đánh “kịch khung” vào các mặt hàng xăng dầu. Bên cạnh đó, 1 lít xăng còn “cõng” các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế nhập khẩu, thuế VAT 10%; khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng/lít xăng; các chi phí khác như chi phí vận chuyển, quỹ bình ổn... Tóm lại, các loại chi phí này chiếm 62%, dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao.
Dự kiến nếu giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/4 đến hết năm 2022 với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn, với mức giảm từ 500 – 1.000 đồng/lít/kg, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm khoảng 11.982 tỷ đồng.
"Giá xăng dầu tăng phi mã không chỉ trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), gây ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân như nhiều chuyên gia hay đề cập, mà điều nguy hiểm là đẩy chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng cao trong tất cả các ngành kinh tế. Do xăng dầu, đặc biệt là dầu diesel chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực.
Dưới sức ép của việc tăng chi phí đầu vào và giá cước vận tải dẫn đến chỉ số PPI tăng, doanh nghiệp đứng trước hai lựa chọn khó khăn, hoặc tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận thì động cơ mở rộng sản xuất sẽ bị triệt tiêu. Còn nếu lựa chọn tăng giá bán hàng hoá, dịch vụ thì trong những chu kỳ sau, khi nền kinh tế sử dụng đầu vào tăng giá sẽ đẩy chi phí trung gian tăng lên và “vòng xoáy” tăng giá tiếp tục lặp lại dẫn đến lợi nhuận lại giảm sút.
Tăng PPI dứt khoát ảnh hưởng đến CPI, tạo ảnh hưởng kép vô cùng ghê gớm. Sau nhiều chu kỳ, giá cả thị trường sẽ bước vào một chu kỳ tăng mới, nguy cơ giá cả hàng hóa tăng mạnh là điều có thể dự đoán. Hệ luỵ giá xăng dầu leo thang giống như ném gạch xuống nước, sẽ tạo nên những gợn sóng nước vòng này bám sát vòng kia trong nhiều chu kỳ.
Bộ Tài chính khi vừa trình Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, trong đó, đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500 – 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn. Khi đó, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm sẽ khoảng 11.982 tỷ đồng. Tôi cho rằng, thu ngân sách nhà nước sau vỏn vẹn 2 tháng đầu năm đạt khá, xấp xỉ 23% dự toán và tăng hơn 10% so với cùng kỳ nên việc Nhà nước chia sẻ, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu là điều cấp thiết.
Tuy nhiên, cần lưu ý, tăng thu ngân sách nhà nước dù cao nhưng chưa hẳn là tín hiệu đáng mừng, thậm chí còn hiển hiện nguy cơ bất ổn nguồn thu. Nguyên nhân là chi phí nguyên liệu đầu vào như như sắt thép, phân bón… tăng cao, đẩy giá thành sản xuất các loại hàng hóa PPI tăng lên, do vậy, thuế, phí cũng từ đó tăng theo. Khi đó sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, PPI ở những chu kỳ sản xuất tiếp theo. Mặt khác, việc tận thu thuế trong khi doanh nghiệp chịu khó khăn bủa vây trong thời kỳ đại dịch là không nên.
Liên quan đến giá xăng dầu, một điều rất khó hiểu, hiện Việt Nam tự chủ hơn về nguồn cung xăng dầu khi nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn bảo đảm sản xuất, tiêu thụ trong nước lên đến 70%, chỉ còn khoảng 30% nhập khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, giá xăng bán ra cho người tiêu dùng luôn tăng cùng giá thế giới.
Một điều khó hiểu, giá xăng trong nước sản xuất được tính bằng giá nhập khẩu cộng thuế, đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp trong khi mỏ khoáng sản là tài sản của nhân dân, sử dụng toàn dân, thế nhưng cuối cùng người dân vẫn phải chịu giá xăng sản xuất trong nước ngang bằng giá nhập khẩu. Hiện riêng nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hưởng lợi nhuận định mức, vì vậy, hoạt động kinh doanh xăng dầu không bao giờ lỗ. Nếu ngành nào cũng đòi hỏi phải có lợi nhuận định mức thì chỉ có người tiêu dùng là thiệt thòi".