Sáng 3/12, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
MỘT LUẬT SỬA TÁM LUẬT ĐỂ GỠ KHÓ CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự là cần thiết, nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Theo ông Hiếu, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật và quy trình, thủ tục rút gọn để xây dựng, ban hành dự án Luật nhằm kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh liên quan đến việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư.
Cụ thể, việc sửa luật nhằm tăng cường phân quyền cho các địa phương trong hoạt động đầu tư, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư; tháo gỡ một số khó khăn trong: triển khai lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; hoạt động quản trị doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Hiếu, việc sửa luật giúp khuyến khích thu hút vốn, thực hiện tốt chính sách xã hội hóa đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Khuyến khích việc đầu tư sản xuất, nắm bắt cơ hội kịp thời để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính (thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường), định hướng sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường.
BƯỚC NGOẶT THỂ HIỆN TINH THẦN LẬP PHÁP CHỦ ĐỘNG
Về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo cho biết với tinh thần chủ động, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã cùng các cơ quan của Quốc hội làm việc với các cơ quan chủ trì soạn thảo, các bộ ngành liên quan về các nội dung của dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đã có buổi làm việc với các cơ quan hữu quan về nội dung này.
"Xác định quan điểm sửa đổi luật lần này là chỉ sửa đổi và bổ sung những nội dung đã rõ các quy định gây ra vướng mắc khó khăn trên thực tế, cũng như các quy định có tính độc lập tương đối để khi sửa đổi không dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các quy định khác", ông Bảo nêu rõ.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành luật, phạm vi sửa đổi, bổ sung; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật trong hệ thống pháp luật.
Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng dự án luật lần này có ý nghĩa quan trọng, là dấu mốc trong hoạt động lập pháp, thể hiện tinh thần lập pháp chủ động.
"Nếu như trước đây việc một luật sửa nhiều luật thường áp dụng đối với các luật trong cùng nhóm ngành, lĩnh vực có mối tương quan, nhưng dự án luật lần này có phạm vi sửa đổi rộng, lĩnh vực khác nhau. Đây sẽ là tiền đề cho sau này khi phát sinh vấn đề cấp bách cần phải sửa đổi trong luật, khi được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo độ chín thì có thể sửa đổi nhiều luật mà không cần đợi đến lúc sửa tổng thể toàn bộ dự án luật", đại diện VCCI nhấn mạnh.
Về các nội dung cụ thể của dự án luật, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 cần kịp thời, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thì việc quy định phân cấp, phân quyền nhiều là cần thiết nhưng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để tránh lạm quyền trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn những nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, rà soát các nghị định, thông tư liên quan; đồng thời, đặt ra vấn đề có cần ban hành nghị định để sửa đổi nhiều nghị định hay không để khi luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì các văn bản hướng dẫn cũng có hiệu lực đồng thời, bảo đảm cho việc thực thi luật được thuận lợi, thống nhất, đồng bộ.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng cần rà soát các quy định về điều khoản chuyển tiếp bởi dự án luật sửa nhiều luật khác nhau, mỗi nội dung chính sách có thời điểm có hiệu lực khác nhau, đòi hỏi quy định điều khoản chuyển tiếp một cách cụ thể.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận ý kiến của đại biểu đánh giá cao quá trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật của cơ quan trình để bảo đảm chất lượng dự án luật. Ông cho rằng cần tiếp tục bổ sung làm rõ tính cấp thiết, cấp bách của mỗi nội dung chính sách, quy định được sửa đổi, bổ sung để tăng tính thuyết phục. Ông cũng lưu ý dự án luật được xem xét theo quy trình rút gọn nhưng báo cáo đánh giá tác động cần được lượng hóa hơn, bảo đảm khách quan, chính xác.
Ủy ban Kinh tế đề nghị các Ủy ban của Quốc hội tích cực phối hợp, gửi ý kiến thẩm tra theo phân công phụ trách để Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra chung và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 6 (tháng 12/2021) tới. Sau khi được hoàn thiện, dự án Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật này dự kiến được trình Quốc hội vào kỳ họp bất thường trong tháng này.