November 29, 2021 | 12:36 GMT+7

Sửa đổi, bổ sung nhiều điều trong Bộ luật Tố tụng hình sự để đáp ứng yêu cầu của CPTPP

Nguyễn Tuyến -

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Bộ luật Tố tụng hình sự vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2, nhiều điều luật đã được sửa đổi và bổ sung để đáp ứng yêu cầu cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đảm bảo đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14, đồng thời giải quyết ngay các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn....

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 2 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2 sáng ngày 29/11 - Ảnh: VGP
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 2 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2 sáng ngày 29/11 - Ảnh: VGP

Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về hai luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2 do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức sáng 29/11, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã trình bày rõ các nội dung chính của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Bộ luật Tố tụng hình sự.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CẤP BÁCH DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH 

Theo đó, nội dung thứ nhất là bổ sung “lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” để tạm đình chỉ việc ra quyết định khởi tố, điều tra, truy tố.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì “lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 247 của Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố. Ở nội dung này, ông Nguyễn Huy Tiến cho biết, để đảm bảo áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng tại thuận lợi cho việc hợp nhất Luật sửa đổi, bổ sung này với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các khoản trên cũng quy định giao cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ tướng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.

Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc và xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Đề cập tới sự cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản trên, ông Tiến cho biết trước tình hình thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại một số địa phương thời gian qua và diễn biế phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng (như không thể phúc cung, lấy lời khai, tiế hành đối chất, tiến hành các thủ tục hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng theo quy định…)

Bên cạnh đó, Viện kiểm sát cũng không thể quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án vì không có căn cứ.

“Nhiều vụ án, vụ việc phải gia hạn thời hạn giải quyết, tuy nhiên vẫn có khả năng không thể hoàn thành hồ sơ và các thủ tục tố tụng để xem xét, quyết định việc khởi tố, ra kết luận điều tra hoặc quyết định việc truy tố trong thời hạn luật định”, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết.

Toàn cảnh họp báo dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà- Ảnh: TTXVN
Toàn cảnh họp báo dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà- Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Huy Tiến cũng cho biết việc tống đạt, giao các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội, người tham gia tố tụng hoăc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo, việc chuyển chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho Viện kiểm sát, Tòa án… cũng bị trì hoãn, không thể tiến hành được. Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 2 Điều 229 và khoản 1 điều 247 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.

“Chính điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Huy Tiến nêu rõ.

Theo quy định của pháp luật, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ hoạt động tố tụng để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra, điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng dù đây không phải lỗi chủ quan từ phía cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do đó, việc bổ sung lý do bất khả kháng nêu trên là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

KHỞI TỐ HÌNH SỰ KHÔNG CẦN YÊU CẦU CỦA BỊ HẠI

Nội dung thứ hai của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Bộ luật Tố tụng hình sự là sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới điều 226 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại điều này mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự vẫn sửa đổi theo hướng thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý.

“Việc này nhằm đảm bảo tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với cả chỉ dẫn địa lý tương tự như với nhãn hiệu, đảm bảo công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp; phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay”, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nêu rõ.

Ngoài hai nội dung chính trên, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự cũng bổ sung vào khoản 3 Điều 146 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an).

"Việc này giúp lực lượng Công an xã phát huy được vai tro fhcinsh quy, đồng thời kịp thời giảm tải khối lượng công việc lớn cho cơ quan điều tra Công cấp huyện ở các địa phương trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố", ông Tiến thông tin.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.

 
Cũng tại họp báo sáng 29/11, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17, điểm d khoản 2 Điều 18 và thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13.
Thứ nhất, bổ sung quy định giao Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phưowng xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chi tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP).
Thứ hai, bổ sung quy định giao Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương định kỳ 5 năm rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền công bố thông tin thống kê của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chi tiêu thống kê cấp tỉnh - phân tổ của chi tiêu thống kê quốc gia.
Thứ tư, thay thế Phụ lục Danh mục chi tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015. Phụ lục này giữ nguyên 129 chỉ tiêu, sửa tên 43 chỉ tiêu, bổ sung 58 chỉ tiêu và bỏ 14 chỉ tiêu.
Cụ thể, tách nhóm chỉ tiêu số 19: "Trật tự , an toàn xã hội và tư pháp" thành 2 nhóm riêng: “ 19. Trật tự , an toàn xã hội” và “ 20.Tư pháp”, Sửa tên 3 nhóm chỉ tiêu: "7. Tiền và bảo hiểm" thành "7. Tiền tệ , bảo hiểm và chứng khoán"; "11. Giá cả" sửa thành "11. Chỉ số giá', và "13. Công nghệ thông tin và truyền thông" sửa thành "13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông". 
Cùng với đó, Danh mục cũng cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây như Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển bền vững....
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate