Chính phủ cần giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa, để đảm bảo không tái diễn sự cố về môi trường.
Đây là kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Trị, vừa được đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này tổng hợp và gửi đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội, sẽ khai mạc sáng 20/10 tới.
Theo báo cáo, trước kỳ họp thứ hai của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 10 cuộc tiếp xúc cử tri tại các cụm xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, với hơn 1.700 cử tri tham dự.
Ý kiến cử tri của các xã vùng biển tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đều tập trung kiến nghị một số vấn đề sau sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, liên quan tới Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FMS).
Cử tri kiến nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ, chính xác những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp của việc xả thải đối với môi trường, ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe của người dân, không chỉ tính đến những thiệt hại ở thời điểm hiện tại mà còn tính đến tương lai.
Cũng có ý kiến cử tri cho rằng mức 500 triệu USD đền bù thiệt hại từ Formosa là chưa thoả đáng với hậu quả.
Đề nghị tiếp theo từ cử tri là Chính phủ cần quy định rõ về mức tiền đền bù thiệt hại đối với đối tượng cơ sở sản xuất, chế biến thủy hải sản và nhóm dịch vụ, du lịch thương mại ven biển, theo Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành định mức bồi thường cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Trong danh mục ban hành kèm theo quyết định này, chỉ quy định chung cho người lao động bị mất thu nhập là 2.910.000 đồng. Ý kiến cử tri cho rằng, đối tượng làm nghề dịch vụ, du lịch thương mại ven biển và cơ sở chế biến, sản xuất thủy hải sản đã đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ để đầu tư hàng, quán, đấu giá lô quầy, mua sắm máy móc thiết bị, nhà xưởng và nộp thuế cho Nhà nước.
Cho nên nếu đưa nhóm đối tượng này vào danh mục người lao động bị mất thu nhập là không thoả đáng, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung mức bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho các nhóm đối tượng trên.
Cũng theo báo cáo, cử tri Quảng Trị kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân nhưng vẫn đảm bảo người dân bám biển, tăng lượng tàu đánh bắt xa bờ đề vừa phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đồng thời giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Một số ý kiến cử tri còn kiến nghị, nếu Formosa còn tái diễn sự cố môi trường thì Chính phủ nên kiên quyết chấm dứt hoạt động của nhà máy.
Với Bộ Y tế, cử tri đề nghị có chính sách về bảo hiểm y tế, đồng thời chỉ đạo ngành y tế của 4 tỉnh miền Trung có kế hoạch khám sức khoẻ định kỳ cho người dân đang sinh sống tại vùng biển sau sự cô ô nhiễm môi trường biển.
Phản ánh từ các cuộc tiếp xúc còn cho thấy, bước vào năm học mới, người dân vùng biển gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí cho con em đến trường do mất nguồn thu nhập từ nghề biển. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời trình Chính phủ ban hành chính sách về miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên của 4 tỉnh bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển đang học ở địa phương và các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong phạm vi toàn quốc.
Đề nghị tiếp theo là Ngân hàng Nhà nước có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân vùng bị ảnh hưởng do sự cố ô nhiêm môi trường biển, và điều chỉnh lãi suất hợp lý cho ngư dân được vay vốn sản xuất trong thời gian tới.
Ngoài chính sách bồi thường thiệt hại cho ngư dân, cử tri còn đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đẩy nhanh việc xử lý môi trường biển, không thụ động chờ biển tự sạch, cần xác định rõ trách nhiệm xử lí môi trường biển bị ô nhiễm là của Formosa Hà Tĩnh.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate