Thời gian gần đây, dư luận xôn xao việc sản phẩm dưa hấu trồng và thu hoạch ở một số địa phương bỗng dưng được dán tem truy xuất nguồn gốc có dòng chữ Trung Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi: việc dán tem chữ Trung Quốc như vậy có vi phạm pháp luật nước ta?
Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, trong tháng 4/2019, cục đã có Công văn số 339 thông báo thời gian áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo yêu cầu của phía Trung Quốc, từ 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang nước này đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho hải quan, trong đó có mặt hàng dưa hấu.
Từ ngày 1/5/2019, hải quan Trung Quốc sẽ không thông quan dưa hấu lót rơm, yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có vi sinh vật gây hại để bọc trái; đối với mít tươi phải dùng giấy dai Kraft hoặc bao bì là thùng giấy; chuối cũng phải được bọc bằng thùng giấy hoặc túi nhựa... và bao bì phải in thông tin truy xuất nguồn gốc.
Như vậy, trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải dán tem có mã truy xuất nguồn gốc hoặc đóng trong bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, đối với những lô sản phẩm dưa hấu dành để xuất khẩu sang Trung Quốc, việc dán tem chữ Trung Quốc là hợp pháp theo thỏa thuận giữa cơ quan chức năng hai nước.
Hiện nước ta chưa ban hành mẫu tem truy xuất nguồn gốc riêng cho sản phẩm rau quả, cũng chưa công bố mẫu tem đến các thị trường thế giới, nên giải pháp tạm thời là "nhờ" vào tem của phía Trung Quốc nhằm xuất khẩu dưa theo hợp đồng đôi bên đã ký. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thiết kế mẫu mã tem truy xuất nguồn gốc nông sản chung cho nông sản Việt, để đăng ký với các nước nhập khẩu.
Theo ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, đã kiểm tra những lô dưa hấu trên địa bàn tỉnh, cho thấy dù tem do các nhà nhập khẩu Trung Quốc in và chuyển cho đối tác Việt Nam dán vào sản phẩm, nhưng đều tuân thủ các thông tin truy xuất nguồn gốc của Việt Nam. Đặc biệt, mã vạch trên các tem đều đúng mã vạch 893 của Việt Nam.
Ông Toản cho hay, trước đây, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, rất bấp bênh. Hiện nay, Trung Quốc đã siết chặt đường biên mậu, nên sẽ không còn cửa để xuất khẩu tiểu ngạch nữa. Bù lại, phía bạn đang mở rộng cửa, tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu nông sản đi theo đường chính ngạch khi giảm thuế từ 17% trước đây còn 3%-4%.
Để được xuất khẩu ngạch sang Trung Quốc, nông sản, trái cây cần có chứng thư kiểm nghiệm, kiểm dịch do cơ quan quản lý nước xuất khẩu cấp theo mẫu và theo thỏa thuận với phía Trung Quốc.
Thông tin trên tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói... Danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc. Đây không phải là quy định mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế, trước đây thực hiện chưa nghiêm.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu rau quả 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 879 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong quý đầu năm, Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,1% thị phần. Tuy vậy, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Năm 2018, trong hơn 3,8 tỷ USD giá trị xuất khẩu của ngành rau quả, thì riêng Trung Quốc đạt gần 2,8 tỷ USD, chiếm 70% tỷ trọng xuất khẩu. Như vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường rất lớn cho rau quả Việt Nam mở rộng khối lượng và giá trị xuất khẩu. Đến nay đã có 8 loại trái cây tươi của Việt Nam được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, bao gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. Hiện Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc đưa thêm một số trái cây như sầu riêng, bưởi, na, roi, dừa, chanh leo... trong thời gian tới.
Việc tổ chức sản xuất tốt, đầu tư nâng chất lượng hàng xuất khẩu đúng với yêu cầu của thị trường sẽ giúp tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự báo, trong năm 2019, xuất khẩu rau quả có thể chinh phục thị trường này với giá trị 3 tỷ USD, thậm chí có thể hơn.
Tuy vậy, Hiệp hội Rau quả Việt Nam lại tỏ ra ít kỳ vọng vào việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong năm nay.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, lâu nay nhiều người bán hàng kiểu "hàng chợ" với thương nhân Trung Quốc nên giờ lúng túng trước các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Chính vì lúng túng, chưa thực hiện được theo các quy định mới, nên kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong quý 1 giảm tới 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng do chính sách siết nhập khẩu tiểu ngạch của Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, một số địa phương thu hoạch khoai lang, dứa... đã gặp cảnh dội chợ, giá rẻ vì thương lái Trung Quốc không mua. Gần đây nhất, dứa Lào Cai đã không bán sang Trung Quốc được vì mặt hàng này chưa có trong danh sách được nhập khẩu. Một số xe sầu riêng từ miền Tây chở sang biên giới phải quay đầu về bán nội địa vì lý do tương tự. Doanh nghiệp, nông dân Việt Nam không nên hy vọng có thể xuất khẩu qua đường tiểu ngạch như trước.
Dự báo tình hình tiêu thụ trái cây năm nay sẽ khó khăn do Việt Nam vẫn chưa mở thêm được mặt hàng nào mới sang Trung Quốc. Nếu trước đây, xuất khẩu tiểu ngạch thì mọi rau quả đều có thể đưa được sang Trung Quốc, nhưng năm nay sẽ chỉ có 8 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
"Phải mất 5-10 năm mới mở cửa được một loại trái cây tươi. Tình hình này, chúng tôi khuyến cáo nông dân không nên trồng quá nhiều mặt hàng như khoai lang, sầu riêng... để chờ thị trường Trung Quốc vì rất rủi ro. Nông dân chỉ nên trồng những mặt hàng đã xác định rõ đầu ra", ông Nguyên nói.